Ước mơ mang lại ánh sáng cuộc đời cho hàng trăm nghìn người nghèo ĐNÁ của vị bác sĩ người Nhật

30/06/2016 09:55 AM | Kinh doanh

Người bác sĩ Nhật Hattori vẫn luôn ghi nhớ những lời dạy của người thầy, bác sĩ Tomiya Mano tại viện mắt Tane Memorial ở Osaka. Bác sĩ Mano khuyên ông, hãy luôn nghĩ đến người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình.

Hôm nay, bác sĩ Tadashi Hattori và các cộng sự của mình gặp phải một ca mổ mắt rất khó. Bệnh nhân Nguyễn Thị Trúc đã ngoài 80 tuổi, suốt nhiều năm chỉ làm nghề nhặt rác với thu nhập rất thấp, khiến bà không dám có suy nghĩ sẽ đến viện khám mắt, vì vậy mắt bà cứ mờ dần cho đến gần như mù.

Khi kiểm tra mắt, các bác sĩ Việt Nam vốn là cộng sự của bác sĩ Tadashi Hattori đã nhiều năm khẳng định rằng với trang thiết bị hiện có tại một địa phương nghèo phía Bắc, sẽ không thể mổ mắt cho bà.

Tuy nhiên với kinh nghiệm và trình độ của mình, bác sĩ Hattori khẳng định hoàn toàn có thể thực hiện được ca mổ ngay tại chỗ. Lần này ông để cho các bác sĩ Việt Nam đứng mổ còn ông hỗ trợ phía sau.

Cuối cùng, ca mổ thành công và sau đó bệnh nhân nghèo ngoài 80 tuổi đã có thể nhìn trở lại. Khi nói lời cám ơn các bác sĩ, bà đã khóc rất nhiều.

Gần như tất cả những bệnh nhân tại Việt Nam đã từng được bác sĩ Hattori mổ mắt đều rất nghèo, vì thế với những bệnh mắt dù vô cùng thông thường và tốn rất ít thời gian chạy chữa ở Nhật thì ở Việt Nam bệnh nhân lại để đến khi mù một hoặc cả hai con mắt mới tìm đến viện.



Bác sĩ Tadashi Hattori  khám chỉ định trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Internet)


Bác sĩ Tadashi Hattori khám chỉ định trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Internet)

Ông Trần Văn Dư tại Đông Triều, Quảng Ninh cũng là một bệnh nhân như vậy. Suốt hàng chục năm làm nghề nhặt phế liệu, mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được không đến 3 triệu nên cũng chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc đến bệnh viện chữa bệnh. Khi mới ngoài 60, mắt ông Dư cứ mờ dần rồi mù hẳn.

Suốt 10 năm qua, ông không thể làm được các công việc cá nhân cho mình như tự đi ra nhà tắm, tự lấy đồ ăn. Gia cảnh đã nghèo khó lại càng thêm khó bởi vợ ông cũng không thể đi làm xa nhà mà phải loanh quanh ở làng làm vặt và chăm ông bởi ông chẳng thể nhìn thấy gì.

Khi nghe tin có bác sĩ người Nhật chữa mắt miễn phí, vợ ông đã lập tức lao xe đạp lên bệnh viện huyện, tha thiết trình bày gia cảnh với hy vọng chồng mình có thể có một cơ hội được phẫu thuật để nhìn lại như bình thường. Ekip của bác sĩ Hattori đã đồng ý và cuối cùng ông Dư đã được nhìn thấy cuộc đời sau nhiều năm tăm tối.

Giờ đây ông đã có thể tự đi lại trong nhà, làm các công việc cá nhân, thậm chí cắt tỉa cây cảnh. Ông không bao giờ quên ơn vị bác sĩ người Nhật, mà theo ông, đã tái sinh cuộc đời ông.

Đến 90% những bệnh nhân mắt đã qua bác sĩ Hattori chữa bệnh là người già nhưng cũng có những bệnh nhân còn rất trẻ. Em Nguyễn Thúy Hằng là một trường hợp như vậy. Không biết vì lý do gì mà từ năm 15 tuổi, mắt trái của em cứ mờ dần đi rồi em hoàn toàn không nhìn thấy gì bằng mắt trái nữa.

Và đáng sợ hơn, thị lực mắt phải cũng yếu dần đi, em vô cùng hoảng sợ, khóc lóc rất nhiều với nỗi lo mình sẽ không còn có thể nhìn được khi tuổi còn quá trẻ. Mới chỉ 15 tuổi nhưng em đã phải nghỉ học khá nhiều tháng bởi em không còn có thể nhìn vào bảng và đọc sách bình thường nữa.

Bác sĩ Hattori và ekip đã đồng ý phẫu thuật cho em. Bác sĩ còn nhớ khi lên giường mổ em run đến nỗi ekip không thể phẫu thuật được mà phải để cho em khoảng 15 phút để em trấn tĩnh lại. Khi chuẩn bị tiêm thuốc mê, em vẫn rất run sợ và phải đề nghị xin được nắm tay ai đó để đỡ sợ. Cuối cùng, ca mổ cũng xong. Đến giờ em đã có thể đọc sách, đi học đi làm bình thường như các bạn.

Khi mới bắt đầu các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, bác sĩ Hattori phải đối diện với vô cùng nhiều khó khăn như ngôn ngữ, văn hóa, tài chính và thủ tục. Đã có lúc ông cảm thấy như tuyệt vọng vì không đủ nguồn tài chính và nhân lực để tiếp tục công việc. Thế nhưng với lòng kiên trì và sự quyết tâm của mình, bác sĩ Hattori đã không bỏ cuộc. Tổng số bệnh nhân do ông phẫu thuật trực tiếp và do ekip của ông làm với sự hỗ trợ của ông đã lên đến con số 15 nghìn.

Cho đến hiện tại, bác sĩ Hattori vẫn luôn ghi nhớ những lời dậy của người thầy, bác sĩ Tomiya Mano tại viện mắt Tane Memorial ở Osaka. Bác sĩ Mano khuyên ông, hãy luôn nghĩ đến người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình.

Bác sĩ Mano là người trách nhiệm đến nỗi ngay cả trong nhiều ca mổ của các học sinh do ông dậy nghề, ông vẫn đứng sau xem xét và sẵn sàng ứng phó hỗ trợ hàng chục ca cho đến khi người đó thành thục tay nghề. Trong nhiều ca mổ, thậm chí bác sĩ Mano còn gắt lên: “Nhìn anh làm ngứa mắt quá, đưa dao mổ đây cho tôi” khi ông cảm thấy không hài lòng.

Bản thân bác sĩ Hattori cũng từng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Từng có lúc ông phát hiện ra có một chứng bệnh lạ khiến tay trái của ông hoàn toàn không cử động nổi, đặc biệt trong các ca phẫu thuật. Thế nhưng ông đã không vì thế mà dễ dàng buông tay, ông luyện tập tay trái rất nhiều tại nhà kết hợp với trị liệu. Dần dà, tay trái của ông cũng đã trở lại bình thường.

Khi mới đến Việt Nam với vô vàn khó khăn về tài chính, nhân lực, bác sĩ Hattori nhiều lúc cảm thấy thật sự mệt mỏi. Thế nhưng thời gian qua đi, khoảng sau 1 năm rưỡi từ khi ông đến Việt Nam, báo chí và truyền thông Nhật đã đưa tin nhiều hơn về ông. Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam cũng biết đến ông. Một phần nhờ vậy mà ông cũng nhận được nhiều hỗ trợ hơn.

Trưởng đại sứ Nhật tại Việt Nam khi đó là ông Norio Hattori cũng đã nỗ lực thuyết phục Bộ Ngoại giao Nhật cung cấp trang thiết bị y tế cho Hội Nhãn khoa Việt Nam và Trung tâm mắt Hải Phòng nơi bác sĩ Hattori thường xuyên đến cộng tác và thực hiện các hoạt động từ thiện.

Tháng 7/2005, Bộ Ngoại Giao Nhật gửi thư khen ngợi bác sĩ Hattori về những hoạt động thiện nguyện của ông tại Việt Nam, theo đó, Bộ Ngoại Giao Nhật đánh giá những gì ông làm không chỉ tốt cho ngành y học Việt Nam mà còn giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ ngoại giao hữu hảo giữa hai nước Nhật, Việt Nam.

Những gì bác sĩ Hattori đã làm không chỉ tốt cho những người bệnh nhân mà ông còn truyền cảm hứng làm thay đổi cách sống, cách hành động và làm việc của nhiều cộng sự Việt Nam.

Có một số bác sĩ trẻ tuổi từng thừa nhận, cho đến trước khi được biết đến bác sĩ Hattori, ngoài thời gian đi làm, các anh chỉ quan tâm đến kiếm tiền, phụ nữ và nhậu. Thế nhưng khi làm việc với bác sĩ Hattori trong thời gian dài, anh đã bỏ đi rất nhiều thói xấu và chuyên tâm cho chuyên môn cũng như các hoạt động từ thiện. Các anh thậm chí còn không thể hiểu nổi tự bản thân mình đã thay đổi từ khi nào nhưng chỉ thấy rằng anh yêu con người hiện tại của mình hơn rất nhiều.

Bác sĩ Hattori còn rất nhiều tham vọng, ông muốn mở rộng mạng lưới chữa bệnh mắt cho người nghèo từ Việt Nam sang cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar để giúp thêm bệnh nhân nghèo được nhìn thấy ánh sáng. Đối với ông, ngày nào còn sống là ngày ấy còn cố gắng vì người nghèo.

Quý độc giả có nguyện vọng muốn hợp tác cùng bác sĩ Tadashi Hattori xin hãy liên hệ theo email apbainfo@asia-assist.or.jp , (email nên được viết bằng tiếng Nhật).

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM