Nội thất Hòa Phát hậu "chia tay" với tỷ phú Trần Đình Long giờ ra sao?

12/02/2024 11:15 AM | Kinh doanh

Thập kỷ trước, nhắc đến Hoà Phát, người tiêu dùng Việt sẽ nghĩ ngay đến bàn ghế văn phòng và quảng cáo TVC của diễn viên Việt Anh bên chiếc ghế da cùng câu nói "làm ăn dài dài, không hoà chỉ phát".

Hòa Phát chia tay mảng nội thất

Trước khi trở thành "vua thép", Nội thất là một trong hai mảng kinh doanh đầu tiên của Hòa Phát. Năm 1992, Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát được thành lập, là công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị đầu tiên thời điểm đó kinh doanh máy móc thiết bị. Đến năm 1995, Hòa Phát thành lập doanh nghiệp kinh doanh nội thất với tên ban đầu là Công ty TNHH Thương mại Sơn Thủy, chuyên làm đại lý phân phối cho các sản phẩm nội thất nhập ngoại. Thép và ống thép là hai mảng kinh doanh đi sau, được lập giai đoạn 1996-2000.

Tuy nhiên, đến ngày 4/1/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã ký chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Tập đoàn tại CTCP Nội thất Hoà Phát với giá trị ghi sổ là 398,4 tỷ đồng, tương đương 99,6% vốn cổ phần cho CTCP Nội thất Eden Việt Nam với giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng.

Chia sẻ lý do bán công ty nội thất, tỷ phú Trần Đình Long cho biết: "Trong chiến lược phát triển của tập đoàn 5 năm nay, Hoà Phát tập trung vào ngành sản xuất số lượng nhiều, ngành to, thô, sẽ tránh cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới.

Nội thất là ngành tạo nên nên tuổi cho Hoà Phát nhưng theo thời gian, nội thất đang có 2 vấn đề thứ nhất là ngành phù hợp với kinh tế gia đình, trước đây rất tốt nhưng nay lại thành nợ. Cách đây 4-5 năm cứ 10m có một hàng nước chè nhưng nay khác rồi. Ngành nội thất cũng thế, mình đi cạnh tranh với kinh tế gia đình không lại được.

Thứ hai, Công ty nội thất còn ở Hoà Phát 2.000 nhân viên làm ra doanh thu 1.800 tỷ và lợi nhuận được 200 tỷ. Cùng như vậy công ty ống thép Hoà Phát cũng 2.000 nhân viên làm ra 20.000 tỷ doanh thu gấp 10 lần nội thất".

Nội thất Hòa Phát thay đổi bộ nhận diện thương hiệu

Doanh nghiệp mua lại Nội thất Hòa Phát, CTCP Nội thất Eden Việt Nam thành lập năm 2015 có trụ sở chính tại thôn Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.

Giám đốc công ty Nội thất Eden Việt Nam khi đó là bà Lại Như Loan, sinh năm 1992. Công ty này mới tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng ngay sau thương vụ mua lại Nội thất Hoà Phát.

Đến tháng 12/2022, Nội thất Eden Việt Nam đổi tên thành CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Phoenix, giám đốc công ty cũng thay đổi thành ông Nguyễn Minh Hoàng, sinh năm 1993. Đáng chú ý, ngành nghề chính đổi từ bán lẻ đồ gia dụng, đồ nội thất, đồ dùng gia đình thành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Sau khi về với chủ mới, đến đầu năm 2022, Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát đã công bố tái định vị thương hiệu, đổi tên thành Nội thất The One, ra mắt slogan mới nhằm truyền tải toàn diện định hướng phát triển trong tương lai.

Nội thất Hòa Phát hậu "chia tay" với tỷ phú Trần Đình Long giờ ra sao? - Ảnh 1.

Cùng với sự thay đổi về tên gọi, thương hiệu công bố slogan "Bừng sáng không gian, dẫn đầu cùng bạn" và bộ nhận diện được lấy cảm hứng từ ánh sáng của ngọn hải đăng.

"Việc thay đổi bộ nhận diện là một quyết định mang tính chiến lược của ban lãnh đạo công ty bởi thay đổi khi thất bại là điều tất yếu, nhưng thay đổi khi thành công là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Việc đổi tên thành Nội thất The One là một bước ngoặt lớn của thương hiệu sau gần 30 năm hoạt động dưới cái tên thuần Việt," bà Thu Hương - Đại diện Truyền thông CTCP thương mại va sản xuất Nội thất The One, chia sẻ.

Dù Hòa Phát đã thoái vốn, nhưng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Nội thất The One vẫn đang là ông Doãn Gia Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Trong năm 2023, Nội thất The One cũng cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới như ghế công thái học, bộ sưu tập nội thất văn phòng Bright (Bừng sáng), bộ sưu tập Stellar (Ngôi sao)

Nội thất Hòa Phát hậu "chia tay" với tỷ phú Trần Đình Long giờ ra sao? - Ảnh 2.

Theo Ngọc Điệp

Cùng chuyên mục
XEM