Những triệu chứng khiến bạn bủn rủn ngỡ mắc ung thư nhưng thực ra lại không nguy hiểm như thế
Trước khi để "Bác sỹ Google" chẩn đoán cơn đau đầu của bạn là dấu hiệu của ung thư nào, hãy bình tĩnh vì một số triệu chứng nghe có vẻ đáng sợ thực ra lại không nguy hiểm như bạn nghĩ.
Đau ngực
Khi bạn nói tới "đau ngực", điều đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ tới ở bất kể độ tuổi nào là "đau tim", bác sỹ Albert Ahn, giảng viên lâm sàng về nội khoa tại Đại học Y tế Langone New York cho biết. Nhưng đối với những bệnh nhân trẻ tuổi và không có yếu tố rủi ro về tim mạch nào như bệnh tiểu đường, thì đau ngực có thể là một triệu chứng lành tính. Hầu hết những cơn đau ngực ở người trẻ tuổi có liên quan đến chứng ợ nóng, căng thẳng hoặc lo lắng, hoặc cũng có thể là do căng cơ thành ngực trong khi tập thể dục. Tuy nhiên, thừa còn hơn thiếu, hãy nói với bác sỹ nếu bạn có cơn đau ngực đột ngột, nhất là khi cơn đau không tự biến mất.
Đánh trống ngực
Giống như đau ngực, một cơn trống ngực thình thịch không nhất thiết phải báo hiệu các vấn đề về tim mạch. Việc đánh trống ngực nghe có vẻ đáng sợ nhưng nguyên nhân đằng sau đó có thể là căng thẳng, mất nước, thiếu ngủ hay sử dụng quá nhiều caffeine, bác sỹ Ahn nói thêm. "Điều đó có thể xảy ra với chúng ta mọi ngày". Trong trường hợp đó, hãy cắt giảm cà phê và các chất kích thích, giảm căng thẳng là để làm dịu nhịp tim của bạn. Hãy đi khám bác sỹ nếu bạn thường xuyên bị đánh trống ngực, hoặc kết hợp với đau ngực và khó thở.
Inh tai
Âm thanh như tiếng chuông vang lên trong tai có thể là triệu chứng của sự lão hóa thông thường. Khi các động mạch của bạn cứng lại hoặc bạn bị huyết áp cao, lưu lượng máu sẽ thay đổi và tạo ra tiếng ồn mà chỉ bạn mới nghe thấy, theo Brunilda Nazario, bác sỹ, trưởng ban biên tập y khoa tại WebMD. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng này không có gì phải lo lắng, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra nó. "Nhìn chung nó không nghiêm trọng, tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của mất thính lực hoặc tổn thương ở tai giữa," bác sỹ Nazario cho biết.
Run tay
Đừng tự chẩn đoán mình bị bệnh Parkinson nếu bị run tay. Parkinson thường bắt đầu ở một bên cơ thể và sẽ kết hợp với cứng cơ, di chuyển chậm và mất phối hợp. Thay vào đó, run tay có thể là do lượng đường trong máu hạ thấp hoặc vấn đề về tuyến giáp, hoặc nó cũng có thể là một chấn động cơ bản lành tính. "Với một chấn động kiểu này, bạn chỉ chú ý khi bạn đang cố gắng làm việc gì đó, ví dụ như lấy đồ vật", bác sỹ Ahn giải thích. Việc cắt giảm lượng caffeine hoặc dùng thuốc chặn beta có thể giúp bạn ổn định hơn.
Hay quên
Càng lớn tuổi, bạn càng bắt đầu lo sợ mình bị chứng mất trí nhớ khi quên tên ai đó hay nơi bạn cất chìa khóa. Rất may, bạn có thể yên tâm khi biết rằng trí nhớ không còn nhạy bén qua thời gian là chuyện hoàn toàn bình thường, và ngay cả những người trẻ tuổi đôi khi cũng có thể gặp phải tình trạng hay quên khi họ bị căng thẳng. "Tôi chỉ nhắc nhở mọi người để tâm khi quên những thứ thiết yếu hay quan trọng", bác sỹ Ahn cho biết. "Họ có thể đang lái xe và đột nhiên quên mất đường về nhà, hay gặp gỡ mọi người và quên hoàn toàn khuôn mặt lẫn tên của họ." Trừ phi bị mất trí nhớ như vậy là nguy hiểm, còn lại, các triệu chứng đãng trí không đến nỗi bạn phải đi kiểm tra nhận thức.
Phân có máu
Bác sỹ Ahn cho biết, máu xuất hiện bất ngờ có thể khiến bạn hoảng sợ, nhưng chảy máu trực tràng thường không có gì nghiêm trọng, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi. "Thông thường, họ có chế độ ăn ít chất xơ và hơi bị táo bón" , bác sỹ cho biết. Nếu tình trạng này không cải thiện sau khi bạn uống nhiều chất lỏng và ăn nhiều chất xơ hơn, hãy nói chuyện với bác sỹ.
Mí mắt co giật
Mí mắt co giật có thể khiến bạn khó chịu, nhưng bạn nên đổ lỗi cho lối sống của mình hơn là tình trạng sức khỏe. "Chúng ta nhìn vào màn hình máy tính và điện thoại cả ngày, đối với rất nhiều người, điều đó có thể gây mỏi mắt", bác sỹ Ahn giải thích. Hãy giảm bớt thời gian nhìn vào màn hình và để đôi mắt nghỉ ngơi cả ngày. Nếu việc này cũng không giúp cải thiện tình trạng co giật mí mắt, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó về thần kinh dù khá hiếm gặp.
Chậm/lỡ kỳ kinh
Trước khi hoảng hốt lo sợ mình dính bầu hay buồng trứng có vấn đề, hãy nhớ rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị chậm hay lỡ mất một kỳ kinh. Bộ máy hormone của bạn rất nhạy cảm với căng thẳng về thể chất và tinh thần, vì vậy, việc bạn lo lắng hay giảm cân đột ngột có thể làm chu kỳ kinh nguyệt của bạn tạm thời biến mất. Theo bác sỹ Nazario, việc chậm mất 1 kỳ kinh không phải là vấn đề lớn, nhưng nếu từ 3 kỳ trở lên thì bạn nên đi khám. Trừ phi bạn có thai, bác sỹ sẽ hỏi về các yếu tố khác, bao gồm việc sử dụng thuốc và các triệu chứng liên quan đến nội tiết tố.