Những Nghị định mới có hiệu lực từ đầu tháng 8/2019

31/07/2019 19:00 PM | Xã hội

Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự, chơi thô bạo trong thi đấu thể thao bị phạt đến 25 triệu đồng... là những Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2019.

Ép khách du lịch mua hàng, phạt tới 3 triệu đồng

Mức phạt vi phạm hành chính đối với hướng dẫn viên du lịch hành nghề hướng dẫn viên được quy định tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực 01/8/2019.

Nghị định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định, cá nhân có hành vi nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng:

Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như:

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;

- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch…

Các mức phạt nêu trên sẽ gấp 02 lần nếu do tổ chức thực hiện.

Chơi thô bạo trong thi đấu thể thao bị phạt đến 25 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.

Cụ thể, người nào có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai đối với hành vi của mình.

Mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 .

Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2019, có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.

Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng

Từ ngày 01/7/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP.  Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Cụ thể mức trợ cấp, phụ cấp của một số đối tượng như sau:

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng;

- Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng;

- Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng;

- Bệnh binh: Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng…

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP , có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với mức như sau:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;

- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;

- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…

Theo Hồng Vân

Cùng chuyên mục
XEM