Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2017

30/01/2017 21:13 PM | Xã hội

Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tăng gấp 8 lần mức phạt hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng, mức điều chỉnh mới về tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH... là những chính sách có hiệu lực kể từ tháng 2/2017.

Tăng gấp 8 lần mức phạt hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 01/02/2017, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng (gọi tắt là nơi công cộng) sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng (tăng gấp 8 lần so với mức phạt hiện hành là 2 - 3 trăm nghìn đồng).

Đồng thời, mức phạt cho các hành vi khác cũng tăng, như:

Phạt tiền từ 0.5 đến 1 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định nơi công cộng;

Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định nơi công cộng;

Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng hành vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP.

Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2017.

Theo đó, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng điều kiện và được cấp thẻ đào tạo nghề được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo và chi hỗ trợ:

Chi hỗ trợ đào tạo theo Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC .

Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.

Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Trong đó, ưu tiên chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu thấp hơn giá trị của thẻ thì NSNN quyết toán số chi thực tế.

Mức điều chỉnh mới về tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH

Theo Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH do Bộ lao động- Thương binh và xã hội ban hành, tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được điều chỉnh như sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng;

Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Theo Thông tư mức điều chỉnh (tiền lương và thu nhập tháng) của năm 2017 là 1,00.

Xem chi tiết các mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng của các năm về trước tại Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 11/02/2017.

Theo Hồng Vân

Cùng chuyên mục
XEM