Nhờ "buông đôi tay nhau ra", công ty này đã có một năm bội thu khi giá trị tăng gấp 5 lần

01/07/2016 11:20 AM | Kinh doanh

Vicostone, doanh nghiệp cung cấp đá ốp lát cao cấp cho các sòng bài của Las Vegas từng gặp vô vàn khó khăn với đối tác ngoại Red River Holding. Sau khi chia tay cổ đông này, Vicostone vừa có 2 năm lợi nhuận tăng vọt còn giá cổ phiếu lên cao kỷ lục.

1 năm bội thu hậu chia tay tình cũ

Niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2007, nhưng cổ phiếu VCS của Công ty cổ phần Vicostone chỉ mới nổi lên trong gần 1 năm trở lại đây, khi giá liên tục tăng phi mã.

Từ mặt bằng giá khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, sau 1 năm VCS đã tăng "dựng đứng", đến nay đã vượt 100.000 đồng/cổ phiếu, và là một trong số ít các mã chứng khoán vượt được cột mốc này.


Biểu đồ giá VCS. Nguồn: VnDirect

Biểu đồ giá VCS. Nguồn: VnDirect

Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu Vicostone tăng mạnh là do doanh thu và lợi nhuận 2 năm gần đây của công ty cao đột biến. Liên tiếp trong 2 năm qua, doanh thu đều đạt trên 2.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận tăng theo cấp số nhân, từ 68 tỷ đồng lên 212 tỷ đồng rồi 405 tỷ đồng.

Đổi vận nhờ ốp gạch cho các sòng bài ở Las Vegas

Vicostone tiền thân là Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex, thành lập tháng 12/2002 và 1 năm sau chính thức vận hành 2 dây chuyền sản xuất đá ốp lát nhân tạo.

Năm 2004, Vicostone cho ra đời đá ốp lát nhân tạo từ đá thạch anh theo công nghệ của Ý. Sản phẩm được sử dụng trong các công trình như khách sạn, quán bar, phòng thí nghiệm nhờ chống bám bẩn, chống xước, kháng khuẩn và cũng có tính thẩm mỹ... Theo website của Breton, do yếu tố phức tạp của công nghệ này nên thị trường hiện chỉ có khoảng 30 nhà cung cấp trên thế giới, trong đó có Vicostone.

Lô hàng xuất khẩu đầu tiên của Vicostone cập cảng Úc vào tháng 9/2004, cung cấp sản phẩm cho Công ty WK Marble & Granite. Nhờ thành công với đơn hàng này, Vicostone liên doanh với đối tác Úc và bắt đầu được biết đến nhiều hơn. Họ từ từ giành được vị thế số 1 tại Úc, chiếm khoảng 45% thị phần.

Năm 2007, Vicostone khi đó mới chỉ có 3 năm kinh nghiệm xuất khẩu, đã được chọn làm nhà cung cấp đá ốp lát cao cấp cho các sòng bài của khu giải trí City Center (Las Vegas), Mỹ. Hợp đồng này là cánh cửa giúp Vicostone hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Ngoài Mỹ, Vicostone xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia. Tổng doanh thu xuất khẩu năm 2015 là 94 triệu USD, tập trung chủ yếu tại 3 khu vực là Bắc Mỹ, châu Úc và châu Âu. Trong đó, các quốc gia chính là Hoa Kỳ, Úc, Bỉ, Canada và Anh đạt 89,2 triệu USD, chiếm 95% tổng doanh số xuất khẩu.

Thương vụ M&A kinh điển: "Con" thâu tóm ngược "mẹ"

Tuy nhiên, để đến được với doanh thu, lợi nhuận và mức giá cổ phiếu như ngày nay, Vicostone cũng đã trải qua nhiều cay đắng, tiêu biểu là rắc rối lớn với cổ đông ngoại Red River Holding.

Red River Holding từ lâu đã là một cổ đông mà không mấy công ty ưa thích khi thường đưa ra nhiều đòi hỏi, yêu sách và nếu không được đáp ứng thì sẽ phủ quyết các tờ trình Đại hội.

Với Vicostone, đại hội cổ đông năm 2012 là một cơn ác mộng khi toàn bộ các nội dung trình Đại hội đều không được thông qua, do chính cổ đông lớn là Red River Holding bỏ phiếu phủ quyết. Điều này khiến công ty mất phương hướng hoạt động, tâm lý đa số cổ đông và người lao động hoang mang, niềm tin của đối tác, tổ chức tín dụng vào công ty bị dao động.

Hệ quả trực tiếp của điều này thể hiện ngay ở biểu đồ doanh thu và lợi nhuận, khi doanh thu gần như không tăng trưởng còn lợt nhuận sụt giảm tới 55%. Đây là năm đầu tiên và cũng là duy nhất lợi nhuận Vicostone sụt giảm.

Mãi đến tháng 6/2014, mối bất hoà giữa ban điều hành Vicostone và các cổ đông ngoại mới chấm dứt, khi các quỹ ngoại đồng ý thoái vốn, bán lại cho các nhóm cá nhân trong nước. Các nhóm cá nhân này chỉ sở hữu cổ phiếu trong chưa đầy 1 tháng, rồi sau đó bán lại cho Công ty cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa), một công ty mới trên thị trường, giúp công ty sinh sau đẻ muộn và thậm chí còn chưa có nhà máy sản xuất này thâu tóm thành công Vicostone.

Nhưng kịch tính hơn cả là việc cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone lại công bố sở hữu 90% vốn điều lệ công ty mẹ Phenikaa, qua đó trở thành người có quyền lực lớn nhất tại cả Phenikaa và Vicostone. Có thể coi đây là thương vụ M&A kinh điển nhất Việt Nam năm 2014, khi lãnh đạo công ty con thâu tóm ngược công ty mẹ.

4 lần thay tướng mới tìm ra người cầm quân

Thay đổi cơ cấu sở hữu, Đại hội cổ đông Vicostone trở nên yên bình khi Phenikaa đã sở hữu 72,5% vốn tại Vicostone, một tỷ lệ đảm bảo để tất cả các nội dung trình Đại hội cổ đông đều được thông qua.

Ông Hồ Xuân Năng, 52 tuổi, chính là người đã đưa Vicostone từ chỗ một công ty bên bờ vực phá sản thành một đại diện gia nhập nhóm vài chục công ty có sản phẩm cạnh tranh trên trường quốc tế. Ban đầu, sản phẩm của Vicostone phục vụ thị trường nội địa, tuy nhiên "bán ra thị trường không được do chất lượng không đảm bảo, đội ngũ nhân sự yếu kém và hầu như chưa nắm bắt được công nghệ", báo cáo thường niên công ty năm 2008 viết.

Trước khi ông Năng được điều động về Vicostone, công ty này thay tướng 4 lần những không thay đổi được tình hình. Sau 2 tuần đảm nhận vị trí cao nhất tại Vicostone, nguyên giám đốc sản xuất nhà máy ô tô Ford việt Nam, ông Hồ Xuân Năng nhận ra sai lầm cơ bản của việc "định hướng thị trường sai dẫn đến nhà máy hoạt động không hiệu quả được".

3 tháng sau, ông cùng đội ngũ kỹ sư do ông huấn luyện đưa dây chuyền trở lại hoạt động, theo chiến lược làm hàng xuất khẩu. Nguyên liệu đá cũng được thay thế bằng đá nhập khẩu có chất lượng ổn định, trong đó hơn 90% là thạch anh, vật liệu chịu mài mòn, có độ cứng cao.

Sự nổi lên nhanh chóng của Vicostone từng khiến Caesarstone, công ty cùng ngành có giá trị vốn hoá hơn 1 tỷ USD đưa vào danh sách đối thủ "có khả năng đe doạ thị phần", tờ Forbes cho biết.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM