Fraser&Neave - Tập đoàn đứng sau cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk là ai?

09/12/2012 01:06 AM | Kinh doanh

Fraser&Neave là tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore đồng thời là một đại gia bất động sản "có máu mặt". Chủ tịch của tập đoàn này là em trai Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Người quen ở đất Việt

Fraser&Neave là bài đầu tiên trong series bài viết của CafeBiz về một số tập đoàn lớn của Đông Nam Á có những hoạt động kinh doanh đáng kể tại Việt Nam.

Người Sài Gòn đã quen với tòa nhà Melinh Point Tower sừng sững trên khu đất vàng giữa trung tâm quận 1 nhìn xuống tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh và không ít người Hà Nội mơ ước được đứng bên cửa sổ một căn hộ tại Fraser Suites Hanoi để ngắm Hồ Tây mờ sương.

Không cần sang trọng đến thế, với một người bình thường, có lẽ một chai Tiger, hay sang hơn một chút là một chai Heineken, vẫn quen thuộc hơn.

Có điểm gì chung giữa các tên tuổi trên? Đó là những đơn vị kinh doanh trực thuộc Fraser&Neave (F&N) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Singapore.

F&N nắm 75% lợi ích của Me Linh Point Tower; 25% còn lại thuộc về Sabeco

Fraser&Neave thông qua công ty con F&N Dairy Investment còn nổi tiếng với thương vụ đầu tư vào Vinamilk từ rất sớm. Với 700 tỷ đồng đầu tư ban đầu, trong 7 năm nắm giữ công ty đã thu về gần 650 tỷ đồng tiền cổ tức và nay thì giá trị lượng cổ phiếu này có thị giá gần 7.000 tỷ đồng.

Với 9,53% cổ phần, F&N là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk. Tổng giám đốc mảng đồ uống và thực phẩm của Fraser&Neave, ông Pascal De Petrini mới được bầu HĐQT của Vinamilk.

Hồi năm 2010, Vinamilk đã mua lại Công ty TNHH Thực phẩm F&N Việt Nam từ Fraser&Neave.

Hoạt động kinh doanh của APB gồm 3 mảng chính là Thực phẩm & đồ uống; In ấn xuất bản và Bất động sản.

Mảng Thực phẩm và đồ uống đóng góp chính vào doanh thu. Fraser&Neave dẫn đầu thị trường đồ uống tại cả Singapore và Malaysia, và đang mạnh mẽ chinh phục nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Heineken và Fraser&Neave mỗi bên nắm giữ khoảng 40% cổ phần của Asia Pacific Breweries (APB) – công ty hiện đang sản xuất các loại bia mang thương hiệu Tiger, Heineken, Anchor… tại khu vực Đông Nam Á. Quan trọng hơn, APB nắm thương quyền của các sản phẩm này (tức là các nhà máy trong khu vực có thể sản xuất bia, nhưng muốn dán nhãn Tiger thì phải được sự đồng ý của APB).

Cơ cấu doanh thu-lợi nhuận năm 2011 của F&N

Tại thị trường Việt Nam, APB nắm 70% cổ phần của Công ty Nhà máy bia Việt Nam (VBL). VBL hiện đứng thứ 2 về thị phần bia tại Việt Nam với các sản phẩm như bia Heineken, Tiger, Larue…

Trong những năm gần đây, thị trường Đông Dương mà chủ lực là Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chính vào doanh thu, lợi nhuận của APB.

Nhưng bất động sản mới thực sự là con gà đẻ trứng vàng của Fraser&Neave. Thông qua công ty con Fraser Centrepoint, hàng loạt bất động sản “khủng” trải từ London, Paris, Dubai tới Singapore đang thuộc về Fraser&Neave.

Trong đó đáng chú ý phải kể tới trung tâm mua sắm Centrepoint thuộc khu Orchad Road tại Singapore hay khu dân cư Riverside bên bờ sông Thames tại Anh.

Đương kim Chủ tịch HĐQT của Fraser&Neave là ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang),
con trai cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
và em trai đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long.

Chuân chuyên phận má hồng

Người ta ví Fraser&Neave như một cô gái đẹp mà không chàng trai nào không thèm muốn. Chính vì vậy mà khi tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ 3 tỷ USD mua lại 22% cổ phần tại Fraser&Neave từ tay Ngân hàng OCBC, cuộc chiến dành quyền kiểm soát Fraser&Neave bùng nổ khi hàng loạt đại công ty lo ngại “mỹ nhân” mà bao ngày tháng mình tăm tia sẽ rơi vào tay kẻ khác.

Đầu tiên là hãng bia Heineken.

Có thể vì lo ngại một ngày chính “hãng Heineken” lại không thể hoàn toàn kiểm soát được việc sản xuất và tiêu thụ “bia Heineken” tại khu vực Đông Nam Á, có thể vì cũng “động lòng” trước thị phần trong khu vực trên 32% cùng 24 nhà máy bia tại 14 quốc gia, Heineken quyết tâm chào mua lại toàn bộ số cổ phần mà Fraser&Neave nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp tại APB với giá 4,1 tỷ USD. Mức giá này tương đương với mức P/E 35 lần, gấp đôi các công ty trong cùng ngành.

Khi có tin Charoen huy động 7,3 tỷ USD để mua lại 70% cổ phần của Fraser&Neave, nhiều người nghĩ mục đích của tỷ phú Thái là “phá bĩnh” Heineken nhằm đẩy giá kiếm lời. Và nếu Heineken “lại quả” cho Charoen bằng tiền hay bằng một lợi ích kinh doanh hợp lý nào đó, ông ta sẽ để cho Heineken có thứ mà mình muốn.

 

Ban đầu, Heineken sở hữu trực tiếp và gián tiếp 42%

và F&N sở hữu 40% cổ phần của APB

Khi Heineken loan tin đã đạt được thỏa thuận với Charoen và đại hội cổ đông của Fraser&Neave thông qua việc bán lại cổ phần tại APB cho Heineken với giá 4,5 tỷ USD (trong đó Charoen bỏ túi 1,6 tỷ USD), người ta đã nghĩ mọi chuyện thế là xong.

Nhưng không, Charoen còn nhòm ngó cả mảng bất động sản và nước uống không cồn của Fraser&Neave, và kẻ nhòm ngó không chỉ có Charoen.

Hãng đồ uống Nhật Kirin không có động tĩnh gì trong suốt cuộc chiến Charoen với Heineken mà chỉ tuyên bố chung chung như không quan tâm lắm tới APB mà chỉ tập trung vào ngành nước giải khát của mình. Người Nhật nói là làm.

Kết hợp với gia đình tài phiệt nhà họ Lý (tức Riady) tại Indonesia, vốn vừa bị Fraser&Neave khước từ lời chào mua mảng khách sạn và chung cư trị giá 1,1 tỷ USD, Kirin chính thức tham chiến khi liên minh Kirin-Overseas Union Enterprises (một công ty con của nhà họ Lý) đặt lên bàn thỏa thuận trị giá 10,7 tỷ USD.

Số tiền trên sẽ nhờ Credit Suisse và Bank of America Merrill Lynch lo liệu và sau này sẽ trả bằng cách bán tài sản của Fraser&Neave. Trưởng lão của nhà họ Lý, ông Lý Văn Chính, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Châu Á.

Nói đơn giản là liên minh Kirin-Overseas Union muốn xé nhỏ Fraser&Neave. Kirin sẽ ngay lập tức dẫn đầu thị trường đồ uống Singapore và Malaysia, còn Overseas Union nuốt gọn số bất động sản trị giá hơn 6 tỷ USD và trở thành công ty bất động sản lớn nhất Singapore. Nếu đúng như dự kiến của hai bên, chỉ mất một năm là xâu xé xong Fraser&Neave.

“Tất cả đều là tài sản tốt”, Chủ tịch Overseas Union, ông Stephen Riady (con trai thứ của ông Lý Văn Chính), nói.

Toan tính là như thế, nhưng cuộc chiến Charoen với Kirin-United Overseas chắc chắn chưa dừng lại ở đây, khi mà Charoen đã gom thêm để tăng số cổ phần nắm giữ lên trên 36%.

Hồi tháng 9, Charoen cũng đã phủ quyết đề xuất chia cổ tức để giảm vốn của Fraser&Neave nhằm khiến các đối thủ khó cản đường mình hơn (do giá Fraser&Neave sẽ đắt hơn). Và chiến sự có thể chưa dừng lại ở đây khi có tin đồn Blackstone Group và Coca-Cola cũng là những nhà đầu tư tiềm năng.

Chiến tranh liên miên, ngoài báo chí hưởng lợi do liên tục có nhiều tin nóng sốt, cổ đông Fraser&Neave cũng mừng ra mặt. Chỉ trong nửa năm vừa, giá cổ phiếu đã tăng gấp rưỡi. Ban lãnh đạo hiện nay của Fraser&Neave đã cam kết thưởng 50 triệu USD cho liên minh Kirin-Overseas Union do đã đẩy giá chào mua lên cao thêm “vì lợi ích của cổ đông”.

Dự kiến trong tháng 12 này hoặc chậm nhất đến đầu tháng 1, chiến cuộc Charoen với Kirin-Uniter Overseas sẽ ngã ngũ.

Giá cổ phiếu của Fraser&Neave tăng mạnh vào nửa cuối năm nay

Vốn hóa của công ty hiện đạt 13,5 tỷ SGD, tương đương 11 tỷ USD

Minh Tuấn - KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM