Nhìn thấu bản chất: Huawei đang cố tỏ ra kiên cường khi không có Google ở bên như thế nào?

03/01/2020 14:43 PM | Kinh doanh

Cuối cùng thì điều gì phải đến cũng đã đến. Nhưng Huawei biết cách giấu rất khéo, đến nỗi mà cả báo giới lẫn Phố Wall đều không nhìn ra.

Huawei đã kết thúc năm 2019 theo cách kiên cường nhất có thể. Trong bức thư chúc mừng năm mới được gửi đi bởi chủ tịch luân phiên Eric Xu, thương hiệu smartphone số 1 Trung Quốc khẳng định tổng lượng smartphone trong năm vừa qua đã cán mốc 240 triệu chiếc. "Thấp hơn dự tính ban đầu, nhưng tình hình kinh doanh tiếp tục vững vàng và chúng ta sẽ đứng vững khi đối mặt với khó khăn", ông Xu tuyên bố.

Thoạt nhìn, con số 240 triệu có thể coi là gáo nước lạnh dội vào mặt nước Mỹ, hay chính xác hơn là tổng thống Trump – người đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại tháng 5 vừa qua. Bị liệt vào danh sách thực thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ, Huawei mất quyền hợp tác với Google và buộc phải phát triển hệ điều hành riêng (HarmonyOS) cũng như phiên bản Android của riêng mình, không có YouTube, Gmail, Maps hay các dịch vụ Google khác. Các thị trường quốc tế phụ thuộc vào Google gần như ngay lập tức bay hơi khỏi bản đồ kinh doanh của Huawei, chừa lại Trung Quốc, Đông Âu cùng một vài quốc gia khác.

Nhìn thấu bản chất: Huawei đang cố tỏ ra kiên cường khi không có Google ở bên như thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch luân phiên Eric Xu công bố doanh số thường niên đạt mức kỷ lục: 240 triệu máy.

Nhưng đằng sau con số kiên cường này lại là một sự thật đáng buồn mà Huawei phải đón nhận: lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số quý 4 của Huawei đã suy giảm. Trong tuyên bố gửi đi vào tháng 11 vừa qua, hãng smartphone Trung Quốc khẳng định lượng smartphone xuất xưởng trong 3 quý đầu năm đạt 185 triệu máy. Việc kết thúc năm 2019 ở mức 240 triệu máy cũng có nghĩa rằng Huawei chỉ bán được 55 triệu máy trong quý 4 này.

Cùng kỳ 2018, Huawei xuất xưởng hơn 60 triệu mẫu smartphone. Trong quý 3/2019, Huawei bán được 67 triệu máy. Không chỉ suy giảm so với cùng kỳ năm trước, Huawei còn chứng kiến doanh số suy giảm từ quý 3 sang quý 4. Trước đó, trong cả một thập kỷ kinh doanh smartphone, Huawei chưa từng một lần bị suy giảm doanh số. 

Có lẽ, điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến của giới lãnh đạo Huawei. Và thế là họ khéo léo thay đổi cách trình bày các con số nhằm vẽ lên bức tranh triển vọng cho tương lai: ngay sau khi lệnh cấm được đưa ra, Huawei không còn báo cáo số liệu cho từng quý – theo cách mà TẤT CẢ các công ty khác vẫn làm. Thay vào đó, Huawei lần lượt công bố kết quả kinh doanh cho "nửa đầu năm", cho "9 tháng đầu năm" và cho toàn bộ năm 2019. Khi báo cáo mới nhất khẳng định doanh số Huawei cho cả năm 2019 đã tăng tới 20%, quả nhiên các trang báo quốc tế cũng như giới tài chính cũng chẳng thèm để ý xem doanh số quý 4 là bao nhiêu nữa.

Nhìn thấu bản chất: Huawei đang cố tỏ ra kiên cường khi không có Google ở bên như thế nào? - Ảnh 2.

Chưa bao giờ Huawei gặp hiện tượng doanh số sụt giảm qua từng năm, hay từ quý 3 sang quý 4.

Bức tranh tương lai vẫn đang được Huawei vẽ ra đầy tươi sáng. Nhưng điều đó có lẽ sẽ không kéo dài đến 2020. Với ngày Lễ Độc Thân tại Trung Quốc cùng với nhiều kỳ nghỉ lễ quan trọng khác trên toàn cầu (Giáng Sinh tại phương Tây hay Deepavali tại Ấn Độ), thông thường quý 4 mới là quý làm ăn phát đạt nhất của hãng smartphone nói riêng và tất cả các công ty kinh doanh sản xuất nói chung. Việc Huawei bất ngờ suy giảm doanh số trong một quý vốn là màu mỡ cho thấy cơn sốt ủng hộ Huawei tại Trung Quốc trong quý 2 và quý 3 chỉ là một hiện tượng nhất thời, khó duy trì lâu dài. Một lần nữa, chưa năm nào Huawei gặp hiện tượng doanh số quý 4 suy giảm so với quý 3 cả.

Cùng lúc, chiến tranh thương mại vẫn đang diễn ra. Cánh cửa để Huawei trở lại Tây Âu hay các thị trường chuộng Google (như Việt Nam hoặc Ấn Độ) vẫn đang đóng chặt. Nếu cơn sốt Huawei đã nguội lạnh trong quý 4/2019, có lẽ doanh số Huawei sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2020.

Bởi thế, ông Xu buộc phải cảnh báo nhân viên: "Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn với Huawei". Trong bức thư chúc mừng năm mới, vị chủ tịch Huawei đưa ra những thông điệp mà các công ty tăng trưởng 2 chữ số có lẽ sẽ không bao giờ nhắc đến: sẽ loại bỏ 10% quản lý, sẽ đóng cửa các nhóm không hiệu quả, sẽ đặt mục tiêu hàng đầu là… "sống sót".

Nhìn thấu bản chất: Huawei đang cố tỏ ra kiên cường khi không có Google ở bên như thế nào? - Ảnh 3.

Không còn Google, mọi thứ đang dần trở nên khó khăn hơn với Huawei.

Ở bên kia chiến tuyến, các hãng smartphone Trung Quốc khác cũng đang giương nanh vuốt: Xiaomi mở 100 cửa hàng, OPPO mở trung tâm nghiên cứu APAC để quyết chiến cùng các đối thủ khu vực, Lenovo/Motorola trở lại mạnh mẽ cùng RAZR… Bên ngoài Trung Quốc, Apple được dự kiến sẽ vén màn một mẫu iPhone hoàn toàn mới, tái lập phần nào ánh hào quang của iPhone X hay iPhone 6. Từng trong tầm ngắm của Huawei, ông vua Samsung nay cũng đang trở lại vô cùng mạnh mẽ với danh mục smartphone được làm mới "từ đầu đến chân".

7 tháng sau lệnh cấm của ông Trump, cơn ác mộng của Huawei giờ mới thực sự bắt đầu.

Theo Liam

Cùng chuyên mục
XEM