Nhìn Đà Nẵng 'cất cánh' du lịch nhờ hàng không, có nên áp giá sàn vé máy bay?

05/04/2017 15:52 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo số liệu của sở du lịch Đà Nẵng, quý I vừa qua nơi đây đón 1,3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước). Năm ngoái, có tới 5,51 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, một con số ấn tượng so với mức 10 triệu lượt khách của cả nước. Con số này gấp 5,5 lần số dân năm 2016 của thành phố. Thú vị hơn, chính quyền Đà Nẵng đã từng "bù lỗ" cho các chuyến bay đến Đà Nẵng của Vietjet Air để hút khách đến.

Đà Nẵng cất cánh

Sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam năm 1997 và chuyển hướng từ công nghiệp sang dịch vụ du lịch, Đà Nẵng bắt đầu hái quả ngọt. Năm 2016, tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards Năm 2016, thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu: "Điểm đến hàng đầu Châu Á về sự kiện và lễ hội". Một loạt khu nghỉ dưỡng tại thành phố này đạt được những danh hiệu danh giá như Naman Retreat nhận giải "Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu Châu Á"; Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula nhận danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu Châu Á", "Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam" và "Khu nghỉ dưỡng có Spa hàng đầu Việt Nam".

Theo số liệu của sở du lịch Đà Nẵng, quý I vừa qua nơi đây đón 1,3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước). Năm ngoái, có tới 5,51 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, một con số ấn tượng so với mức 10 triệu lượt khách của cả nước. Con số này gấp 5,5 lần số dân năm 2016 của thành phố.

Đà Nẵng sở hữu đường bờ biển dài với bãi biển Mỹ Khê là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh theo xếp hạng của tạp chí Forbes. "Đẹp hơn cả Bali và Phuket", ông Huỳnh Tấn Vinh giám đốc công ty cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An, đơn vị sở hữu Furama Resort đồng thời là chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận xét trên tạp chí này. Ngoài ra, đây còn là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa từ phía Bắc và văn hóa từ phía Tây Ấn Độ. Không chỉ có biển, Đà Nẵng còn có du lịch núi, người dân hiền lành, hiếu khách và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tương đối hoàn chỉnh.


Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

"So với các thành phố khác của Việt Nam, Đà Nẵng xử lý tốt vấn đề cơ sở hạ tầng," ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết. Minh chứng cho điều này là hệ thống giao thông. Nhiều tuyến đường mới được mở, thành phố này sở hữu gần chục cây cầu bắc qua các con sông xinh đẹp không chỉ đơn thuần có chức năng giao thông mà còn mỹ quan, phục vụ du lịch như cây cầu dây văng Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu quay sông Hàn.

Một hạ tầng giao thông khác góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch Đà Nẵng chính là hàng không. Theo tiết lộ của ông Vinh, để kết nối hàng không đến Đà Nẵng, chính quyền Đà Nẵng đã "bù lỗ" cho các chuyến bay đầu tiên đến Đà Nẵng của Vietjet Air.

Hiện 32 đường bay định kỳ và thuê bao đến Đà Nẵng, phần lớn mở trong vài năm gần đây, gần bằng số đường bay đến Phuket, thành phố du lịch biển nổi tiếng của Thái Lan. Những đường bay này được cho là góp phần lớn đưa du khách tới Đà Nẵng. "Các đường bay giúp khách quốc tế biết đến Đà Nẵng nhiều hơn," ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc công ty lữ hành Du lịch Việt Nam Vitours cho biết.

Hiện các chuyến bay nội địa đến và đi Đà Nẵng chứng kiến cạnh tranh gay gắt giữa 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar cả về tần suất và số lượng chuyến bay.

Khách du lịch liệu có bẻ lái nếu….

Nhìn vào Đà Nẵng để thấy hướng phát triển du lịch Việt Nam không thể thiếu là phát triển ngành hàng không, tạo điều điện để nhiều đối tượng khách du lịch dễ dàng tiếp cận.

Thế nhưng cách đây không lâu, hãng hàng không Jestar đưa ra đề xuất tới Cục hàng không, Bộ giao thông vận tải bên cạnh mức giá trần vé máy bay, cần phải có thêm mức giá sàn để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Theo đề xuất của JPA, giá sàn cho năm nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần. Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đồng tình cho rằng cần thiết phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay.

Tuy nhiên phía Vietjet Air phản đối với kiến nghị giá sàn bởi việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực tế trong 2 hãng hàng không nội địa kiến nghị giá sàn thì các hãng hàng không trung khu vực không ngừng tung ra những chương trình khuyến mại giá rẻ tới các nước trong khu vực. Đơn cử như AirAsia hiện tung ra mức vé 4USD cho các chặng bay đến Bangkok, Penang, Kuala Lumpur, Johor Bahru. Mức giá vé này nếu tính các chi phí khác giá sẽ không đắt với một chặng bay quốc tế với những người thích du lịch tại Việt Nam (tất nhiên để săn được vé này cũng không dễ).

Việc đặt vé của các hãng hàng không quốc tế hiện cũng dễ dàng khi phần nhiều người trẻ thích du lịch có thu nhập ổn định đều có thể sử dụng Thẻ tín dụng của các ngân hàng quốc tế như HSBC, ANZ. Bên cạnh đó công nghệ thông tin phát triển, du lịch nước ngoài cũng không còn là rào cản lớn khi Agoda, Booking hay Airbnb dễ dàng giúp họ tìm được chốn dừng chân lý tưởng.

Trong lý lẽ phản đối, Vietjet Air chỉ ra rằng hiện số lượng khách nội địa mới vào khoảng 10 triệu lượt/năm. Điều này cho thấy 90% dân số chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cao hơn mức thu nhập. Để ngành du lịch phát triển thì ngoài việc thu hút khách quốc tế, khai thác ngay chính tiềm năng nội địa cũng là việc quan trọng không kém. Chính vì vậy, việc áp giá sàn với giá vé máy bay sẽ khiến ngành du lịch nội địa giảm sức hút.

Nên chăng cách giải quyết vấn đề thay vì đưa ra mức giá sàn với các hãng hàng không, Vietnam Airlines, Jestart và Vietjet Air nên học cách 2 hãng hàng không Malaysia Airlines và AirAsia hợp tác cùng nhau hướng tới lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM