Du lịch Việt bao năm nay còn chưa tự nghĩ ra slogan hấp dẫn, thì xin đừng đẩy gánh nặng lên vai King Kong nữa!

16/03/2017 10:13 AM | Kinh doanh

Cú hích thì luôn mang tính tức thời tạo sóng chứ hiếm khi giúp chúng ta có được một chiến lược dài hơi hơn cho du lịch quốc gia. Nếu như King Kong là một cú hích đầu tiên, hãy cứ coi đó là một hòn đá ném xuống dòng sông. Nhưng để thực sự tạo sóng, phải có nhiều hòn đá.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "King Kong có phải là cứu cánh cho du lịch Việt?". Bài viết nêu quan điểm của ông Hoàng Tùng, Founder Chuỗi Pizza Home & Coffee Bike về việc quảng bá du lịch Việt Nam. Mời quý độc giả đón đọc.

* Tiêu để bài viết do tòa soạn đặt.


Bom tấn "Kong: Đảo đầu lâu" với những cảnh quay đẹp mê hồn về Việt Nam đã thực sự làm nao lòng rất nhiều khán giả. Người ta cũng nhắc đến sự tiếc nuối khi trước đây bộ phim 007 đã không được cấp phép quay tại Vịnh Hạ Long, khiến sau đó đoàn làm phim phải chuyển sang Thái Lan và giúp Thái Lan trở thành một điểm du lịch thu hút bậc nhất Đông Nam Á.

Với tôi, King Kong hay sau này, nếu có thêm những bộ phim bom tấn khác được khởi quay với bối cảnh Việt Nam, hãy coi đó là một cú hích.

Và cú hích thì luôn mang tính tức thời tạo sóng chứ hiếm khi giúp chúng ta có được một chiến lược dài hơi hơn cho du lịch quốc gia.

1. King Kong không phải là cứu cánh

Sau khi bộ phim "Kong: Đảo đầu lâu" công chiếu, rất nhiều người tỏ ra tiếc nuối về những cơ hội điện ảnh trước đây chúng ta từng có. Vấn đề đặt ra là, nếu như 007 được quay tại Việt Nam, liệu rằng du lịch Việt Nam có hút khách như du lịch Thái Lan bây giờ?

Đặt câu hỏi xa hơn nữa. Liệu rằng xem cảnh trên phim có phải là lý do du khách chọn điểm đến trong chuyến du lịch kế tiếp của mình?


Liệu rằng xem cảnh trên phim có phải là lý do du khách chọn điểm đến trong chuyến du lịch kế tiếp của mình?

Liệu rằng xem cảnh trên phim có phải là lý do du khách chọn điểm đến trong chuyến du lịch kế tiếp của mình?

Tại sao khách du lịch đến Thái Lan? Tại vì đó là nơi có bối cảnh của bộ phim 007? Hỏi tiếp: bộ phim 007 nào được quay với bối cảnh tại Thái Lan và quay tại địa điểm nào ở Thái Lan? Thực ra không nhiều người có thể trả lời câu hỏi đó. Và thậm chí vô số du khách tuổi trẻ chưa từng bao giờ xem qua bộ phim 007 – The man with the Golden Gun. Rất hiếm khách du lịch đến Thái Lan vì chàng Bond điển trai

Tại sao khách du lịch đến Trung Quốc. À, bộ phim bom tấn nào có bối cảnh quay tại Trung Quốc nhỉ? Hãy tự trả lời xem? Tôi nhớ bộ phim đang mới chiếu được công bố rộng rãi là “Tử chiến Trường Thành”, rồi sao nữa? Mà trước đó có bộ phim bom tấn nào được quay tại Trung Quốc nữa nhỉ? Tôi nhớ có bộ phim "Xác ướp III – Lăng mộ Vua rồng". Tuy nhiên, liệu đó có phải là cú hích khiến du khách Âu Mỹ đến Trung Quốc?

Thực tế là trong số 230 triệu du khách nước ngoài đến Trung Quốc, top đầu 3 nước chiếm tới hơn 15% con số trên chính là từ Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản chứ không phải từ quốc gia của Hollywood. Đó là câu trả lời

2. Tác động của Điện ảnh đến Du lịch lớn đến đâu?

Tôi không muốn phủ nhận những tác động tích cực của điện ảnh đến khát khao của du khách muốn đặt chân đến một vùng đất mới. Trên thực tế, nếu biết tận dụng, những bộ phim bom tấn khi được sử dụng bối cảnh tại một vùng đất, đó là cơ hội vàng để du lịch phát triển. Nhất là những bộ phim có thời gian quay dài và tạo thành những seri như Harry Potter hay Chúa Nhẫn.

Tuy nhiên, điều ta cần hơn là những hành động dài hạn hơn. Ví dụ như Thái Lan nhận ra điện ảnh là một công cụ marketing hữu hiệu cho du lịch quốc gia, họ đã thiết lập trang web riêng để cung cấp thông tin về thủ tục để làm phim tại Thái Lan, quảng bá liên tục đến các liên hoan phim quốc tế và đặt tên một hòn đảo trong bối cảnh phim là đảo James Bond. Kết quả ra rất nhiều bộ phim chọn Thái Lan là bối cảnh, bởi sự cởi mở trong chính sách và sự tiện lợi trong công cuộc hậu cần hỗ trợ đoàn phim.

Nếu như King Kong là một cú hích đầu tiên, hãy cứ coi đó là một hòn đá ném xuống dòng sông. Nhưng để thực sự tạo sóng, phải có nhiều hòn đá. Điều quan trọng là cơ chế để làm sao có nhiều bom tấn khác chọn Việt Nam làm bối cảnh. Chứ gánh nặng du lịch Việt Nam đặt trọn vẹn lên vai King Kong thì dù có sức mạnh long trời lở đất, King Kong cũng sẽ không thể chịu nổi.


Đừng đẩy gánh nặng du lịch Việt Nam lên vai King Kong nữa!

Đừng đẩy gánh nặng du lịch Việt Nam lên vai King Kong nữa!

Và đừng so sánh King Kong với những Harry Potter hay Chúa Nhẫn. Harry Potter và Chúa Nhẫn đều là những hiện tượng văn học lớn của thế giới. Điện ảnh là cú hích tiếp theo giúp có hiệu ứng lan tỏa thêm khủng khiếp. Và đó là còn chưa kể thời gian, tần suất quay (Harry Potter là 7 tập – Chúa Nhẫn là 3 tập) cho thấy tầm ảnh hưởng của những seri phim kia lớn hơn King Kong rất nhiều.

Nếu so sánh chuẩn xác hơn, hãy so sánh King Kong với những người tiền nhiệm của nó. Bộ phim King Kong - 2015 của đạo diễn danh tiếng Peter Jackson được quay ở đâu vậy nhỉ? Không ai nhớ. À, một con quái vật nữa nổi tiếng không kém King Kong (và cùng nằm trong Vũ trụ quái vật rất hay được dựng thành phim bom tấm) là Gozilla năm 2014 được quay ở đâu vậy nhỉ? Hãy thành thật. Bạn có nhớ không?

Vậy nên đừng kỳ vọng quá mức vào King Kong. Về cơ bản, King Kong, hay 007 hay nếu một ngày nào đó cả biệt đội Avenger lẫn Superman và Batman chọn Vietnam là điểm đến, hãy coi đó là những lực đẩy.

Còn đẩy đi đâu thì không ai lựa chọn hộ chúng ta được. Du lịch Việt cần định hướng mình trở nên nổi bật giữa muôn vàn lựa chọn khác của du khách.

3. Back to basic: Tại sao du khách đến Việt Nam?

Định vị một doanh nghiệp dễ dàng hơn nhiều so với việc định vị một quốc gia. Du lịch - ngành công nghiệp không khói với đặc thù xuất khẩu tại chỗ - luôn được coi là một phương tiện hiệu quả truyền bá hình ảnh một quốc gia ra thế giới một cách hữu hiệu nhất. Định vị ngành du lịch một cách đúng đắn sẽ có tác động mạnh tới định vị quốc gia.

Xét trên bình diện vĩ mô, khi một quốc gia có quá nhiều thứ cần phải phát triển, cần phải thúc đẩy, ngành nghề nào cũng là “trọng điểm”, là “mũi nhọn” thì việc định vị không hề dễ dàng chút nào.

Các chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch quốc gia luôn phải rơi vào hai thái cực:

Một: Đưa vào quá nhiều thông tin, thành ra thông tin nào cũng “quan trọng” và rốt cuộc, không có một thông tin nào được nhấn mạnh.

Hai: Để có thể hài lòng tất cả, các chương trình quảng bá quốc gia thường chọn cho mình những khẩu hiệu chung chung, vô thưởng vô phạt.

Cả hai cách thức đó đều dẫn đến những khẩu hiệu du lịch không có gì để nhớ.

Điều kỳ lạ là rất nhiều quốc gia lại chọn những khẩu hiệu rất chung chung dù nó là "kẻ thù" của một chiến lược định vị hiệu quả. Hãy xem thử một vài chiến dịch quảng bá du lịch của một số quốc gia với những khẩu hiệu đáng quên.

Brazil: “Brazil! Rung động" (Brazil. Sensational!)

Đức: “Đơn giản là truyền cảm hứng" (Simply inspiring)

Hàn Quốc: “Năng động" (Dynamic)

Hy Lạp: “Trải nghiệm chân thực" (True experience)

Singapore: “Duy nhất" (Unique)

Kenya: “Kỳ diệu" (Magical)

Ấn Độ: "Sửng sốt" (Incredible)

Có lẽ ta cũng cần phải liệt kê slogan “Welcome to Vietnam" (Xin mời đến Việt Nam) nằm trong danh sách những slogan đáng quên.


Slogan “Welcome to Vietnam (Xin mời đến Việt Nam) có lẽ cũng nên nằm trong danh sách những slogan đáng quên.

Slogan “Welcome to Vietnam" (Xin mời đến Việt Nam) có lẽ cũng nên nằm trong danh sách những slogan đáng quên.

Những slogan trên quá chung chung. Không nêu bật lên được những đặc điểm thực sự khác biệt, có thể mời gọi du khách.

“Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn" (Vietnam, the hidden charm). “Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ mới" (Vietnam, the new destination for the new millenium), “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận" (Vietnam - timeless charm), “Xin mời tới Việt Nam" (Welcome to Vietnam) đều là những slogan không thể hiện bất kỳ tính cách đặc biệt nào.

Du lịch Việt Nam phải định vị lại, bằng những yếu tố Việt Nam có mà những quốc gia trong khu vực không có.

Tại sao tôi lại đến Malaysia? Vì “Malaysia, một châu Á thực sự" (Malaysia, truly Asia). Tại sao lý do này chấp nhận được và là một định vị hay. Bởi Malaysia cộng đồng của ba dân tộc lớn thuộc khu vực châu Á cùng chung sống, đó là tộc người: Hoa, Ấn và Malay. Câu định vị trên còn lợi hại ở chỗ, nó lôi kéo du khách bằng cách nói: “Các bạn chỉ cần đến Malaysia, các bạn có thể nhìn thấy toàn bộ một châu Á thực sự”.

4. "Bếp ăn" hay "Trái tim", nhưng đừng quên King Kong

Hãy cứ trả lời câu hỏi “Tại sao khách du lịch đến Việt Nam” một cách thuyết phục, ta sẽ tìm ra được một điểm giá trị thực sự của du lịch Việt.

Cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler khi ghé thăm Việt Nam đã gợi ý một slogan nhấn mạnh đến lợi thế đáng kể của nước ta, đó là Ẩm thực: Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “bếp ăn của thế giới”.

Theo tôi, lựa chọn “Việt Nam: Bếp ăn của thế giới” là một hướng đi hay. Tuy rằng có thể lợi thế cạnh tranh này không thực sự bền vững. Bởi ẩm thực của một số quốc gia lân cận cũng rất mạnh. Ẩm thực Trung Hoa, ẩm thực Thái Lan, ẩm thực Nhật, ẩm thực Hàn Quốc v.v…, đó đều là những quốc gia có nền ẩm thực mạnh không kém gì so với Việt Nam ta.

Dĩ nhiên, nếu lựa chọn định vị “Việt Nam, bếp ăn của thế giới” thì Việt Nam có lợi thế tiên phong. Nghĩa là cùng có thế mạnh đó những khi các quốc gia kia chưa tuyên bố thì ta chiếm lấy định vị này trước. “Quy luật Tiên phong” trong marketing chỉ ra rằng bên nào tuyên bố trước sẽ có lợi thế của người tiên phong. Tuyên bố: “Việt Nam, bếp ăn của thế giới” là một hướng đi tiềm năng để định vị thương hiệu Việt Nam.

Tại sao tôi lại phải đến Việt Nam? Bởi vì Việt Nam là bếp ăn của Thế giới. Một định vị sáng giá.

Tôi có một ý tưởng khác. Điểm độc đáo nhất mà Việt Nam cần định vị trong tâm trí khách hàng: ở đây là cả du khách và những nhà đầu tư kinh tế, đó chính là vị thế địa lý - chính trị nằm ở trung tâm của khu vực Đông Dương. Vùng đất Đông Dương là một vùng đất cổ với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú và được thừa hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Trong đó, Việt Nam chính là quốc gia có vị thế “Trái tim Đông Dương”.

Nếu không có thời gian thăm thú cả 3 quốc gia Đông Dương thì chỉ cần thăm Việt Nam là đủ bởi Việt Nam là “Trái tim Đông Dương”.

Nếu muốn mở rộng đầu tư sang các quốc gia Đông Dương, hãy chọn trụ sở chính tại Việt Nam bởi Việt Nam là “Trái tim Đông Dương”.

Tuy rằng có thể có định vị đúng nhưng không có nghĩa là cứ như vậy mọi người sẽ biết đến. Cho dù là Bếp ăn của Thế giới hay là Trái tim Đông Dương, điều quan trọng là phổ biến điều đó đến càng nhiều du khách càng tốt. Và phổ biến những thông điệp của du lịch Việt đi một cách hiệu quả bậc nhất thì điện ảnh là một hướng đi rất tối ưu.

Về cơ bản, xây dựng biểu tượng King Kong ở Hồ Gươm hay Hạ Long không phải là một ý tưởng tồi chút nào. Điều quan trọng là làm sao xây biểu tượng cho đạt thẩm mỹ và thu hút du khách thực sự.

Hãy để King Kong, 007, v.v… là những đại diện đẩy thông điệp du lịch Việt đi nhưng trước tiên, hãy chọn thông điệp thực sự sắc bén.

Hoàng Tùng - Founder Chuỗi Pizza Home & Coffee Bike

Cùng chuyên mục
XEM