Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt bỏ lỡ tới 8 năm để ra nước ngoài

29/12/2016 19:19 PM | Kinh doanh

Chia sẻ về giai đoạn đầu FPT quyết định toàn cầu hóa, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, vì không tin vào hướng đi này nên nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã bỏ lỡ từ 5 - 8 năm mới bắt đầu mở hướng ra thị trường quốc tế.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm chủ đề “Cơ hội nào cho các doanh nghiệp ICT Việt đi ra nước ngoài?” vừa được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức chiều 28/12/2016 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, 19 năm trước vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, FPT đã quyết định đi ra nước ngoài và việc đầu tiên người FPT làm thời điểm đó là treo bandroll cỡ lớn với tiêu đề “Toàn cầu hóa” từ tầng 4 xuống tầng 1.

Theo ông Bình, động lực để FPT toàn cầu hóa đến từ một người bạn Nhật - ông Wada làm ở Bộ METI, tham tán của Đại sứ quán Nhật. Ông Wada cho rằng FPT cần xuất khẩu phần mềm và phải sang Bangalore, Ấn Độ (Bangalore được mệnh danh là Silicon Valley của châu Á – PV) “Ấn Độ đã là cảm hứng để FPT ra nước ngoài. “Sang Ấn Độ hồi đó, tôi đã có cơ hội nói chuyện với Tổng giám đốc Infosys, ông Narayana Murthy. Khi tôi hỏi Murthy rằng liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu phần mềm được không?, câu trả lời của ông là “Tại sao không?” ”, ông Bình chia sẻ.

FPT trong những ngày đầu toàn cầu hóa, theo chia sẻ của ông Bình, đã học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp CNTT khác như: Infosys, Wipro, Cisco và đặc biệt là Tata: “Tôi còn nhớ hồi đó, Phó Chủ tịch Tata đã hướng dẫn rất kỹ cho FPT làm phần mềm xuất khẩu. Ông gần như dẫn dắt, “cầm tay chỉ việc” cho chúng tôi cách làm: từ tuyển dụng, đào tạo, thi cử cho đến chất lượng…”.

“Khi đó có người đã hỏi Phó Chủ tịch Tata tại sao lại vẽ đường để tạo ra cho mình một đối thủ tiềm năng?, ông đã trả lời: Không giúp thì tương lai Việt Nam cũng trở thành là một nhà xuất khẩu phần mềm lớn, thà giúp thì trở thành bạn, thay vì thành thù. Dự báo của lãnh đạo Tata ngày ấy đến nay đã trở thành hiện thực. Thời gian gần đây, các cuộc đầu thầu, cạnh tranh chọn thầu, chúng tôi đều gặp mặt Tata, Infosys, Vipro”, ông Bình kể.

Trong câu chuyện về lịch sử gần 2 thập niên FPT “vươn ra biển lớn”, người đứng đầu FPT cũng cho biết, cố Chủ tịch CMC Hà Thế Minh và ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch đương nhiệm của CMC là những đối tác đầu tiên của FPT khi bắt đầu đưa phần mềm vươn ra thị trường nước ngoài. Ông Bình chia sẻ: “Chúng tôi đã Ấn Độ để học hỏi kinh nghiệm. Từ Ấn Độ trở về, chúng tôi mới lập ra một Hiệp hội để cùng nhau ra nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam -VINASA (nay là Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam)”.

Đến nay, với tỷ trọng 31% tổng lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn, định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. (Ảnh FPT cung cấp)

Nhớ lại những ngày đầu cùng FPT ra nước ngoài, trong chia sẻ tại buổi tọa đàm chủ đề “Cơ hội nào cho các doanh nghiệp ICT Việt đi ra nước ngoài?” vào chiều qua, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nói: “FPT luôn là niềm cảm hứng, tạo niềm tin cho chúng tôi. Kỷ niệm anh Bình nhắc cũng là nỗi đau của chúng tôi. CMC đã đi ra thế giới cùng FPT ngay từ những ngày đầu tiên. Đến nay FPT đã rất thành công nhưng CMC chưa thực sự thành công trong xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm. Từ năm 2015, chúng tôi đã học FPT “cách làm việc với Tây” và chỉ sau 1 năm quay lại với hướng đi toàn cầu hóa, CMC đã đạt mức tăng trưởng 200%”.

Sau gần 20 năm đi ra nước ngoài, hiện năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm đã được khẳng định. Bên cạnh việc có thể cạnh tranh trực tiếp với Tata, Infosys, Wipro…, phần mềm Việt Nam còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương theo báo cáo của Gartner. Theo báo cáo của Công ty Tholons Study công bố đầu năm 2016, TP.HCM và Hà Nội vẫn xếp Top 20 trong 100 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trong đó TP.HCM xếp 18 (không đổi) và Hà Nội xếp 19 (tăng 1 bậc).

Với riêng FPT, hiện doanh nghiệp này đã có mặt tại 20 quốc gia và trong tổng số 27.000 cán bộ nhân viên FPT đã có hơn 1.100 cán bộ, nhân là người nước ngoài. FPT đang thực hiện chiến lược toàn cầu hóa theo 2 hướng: tập trung vào việc cung cấp các giải pháp dịch vụ CNTT theo xu hướng công nghệ mới cho các tập đoàn lớn trên toàn cầu và cung cấp các giải pháp dịch vụ đã được triển khai thành công tại Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển. Đến thời điểm hiện tại, định hướng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Cụ thể, sau 11 tháng, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả khả quan với 5.451 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và 806 tỷ đồng LNTT, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với lĩnh vực phần mềm, sau “ngót nghét” 20 năm phát triển thị trường ra quốc tế, đến nay FPT Software đã có 23 văn phòng tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Trong đó Hàn Quốc là văn phòng mới nhất chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11/2016. Tại Nhật Bản mới đây FPT cũng đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng), là công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật và tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại thị trường này. FPT Software còn đứng trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá.

Mặc dù phần mềm Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định song Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng chia sẻ, điều đáng tiếc nhất là thời điểm cách đây 19 năm hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm vào hướng mở rộng ra thị trường quốc tế. “Phải đến 5 - 8 năm sau, các công ty phần mềm khác của Việt Nam mới thực sự bắt đầu toàn cầu hóa. Chúng ta đã bỏ lỡ 1 quãng, rất phí thời gian”, ông Bình nói.

Khẳng định Việt Nam có thể đi ra nước ngoài nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước, ông Bình lý giải hiện nay số lượng các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT tin vào định hướng toàn cầu hóa còn ít và cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở rộng ra thị trường quốc tế còn rất nhiều, thậm chí là nhiều hơn so với giai đoạn trước do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của IoT.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM