Startup, khởi nghiệp và SMEs, đâu mới là tên gọi đúng cho doanh nghiệp trẻ Việt?
Ngày 20/12 trên mạng xã hội đã nổ ra một cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa các nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ tuổi về sự khác nhau giữa các khái niệm “startup", “khởi nghiệp", “doanh nghiệp vừa và nhỏ". Các founder này cùng doanh nghiệp của mình đã xuất sắc vượt qua nhiều cái tên khác, lọt vào danh sách chung khảo cho các danh hiệu tôn vinh khởi nghiệp của Startup Festival - Đại hội khởi nghiệp 2016 mang tên “Khát vọng tiên phong" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ tổ chức.
Mở đầu, nhà sáng lập của một trong những đơn vị được đề cử cho hạng mục giải thưởng “Khởi nghiệp tiềm năng” tại Startup Festival 2016, đã đăng tải lên Facebook dòng trạng thái gây nhiều tranh cãi, với nội dung mong muốn các đơn vị hãy bầu chọn một doanh nghiệp khác cho hạng mục giải thưởng này bởi doanh nghiệp của anh không phải là một startup.
Theo đó, anh này giải thích: Doanh nghiệp của anh được đăng ký từ tháng 9/2011 và được thành lập vào đầu năm 2012, nghĩa là đã cách đây 4 năm rồi, đã từng có ý định chuyển hướng trở thành một doanh nghiệp startup và kêu gọi vốn đầu tư, nhưng đã quyết định dừng việc kêu gọi vốn do nhìn thấy sự phức tạp trong việc định giá công ty và phải thay đổi mô hình, hướng đi lúc đó, nên cho tới giờ, doanh nghiệp của anh vẫn chưa nhận được nguồn vốn đầu tư nào và không có ý định sẽ gọi vốn đầu tư, nên không thể gọi đó là một doanh nghiệp startup.
Anh cũng giải thích thêm: “Startup Festival là sân chơi của các startup và bọn mình kì vọng các startup thực thụ được lên ngôi. Đồng thời, các giải thưởng của Startup Festival 2016 có ý nghĩa rất lớn về truyền thông, là một tài nguyên growth-hacking quan trọng cho các startup. Nếu trao cho những công ty không phải startup như bọn mình thì vừa phí hoài vừa làm mất cơ hội của các startup thật”
Đoạn chia sẻ của nhà sáng lập doanh nghiệp này đã thu hút nhiều bình luận tranh luận về các khái niệm “startup”, “khởi nghiệp” và “doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SME - Small and Medium Enterprise). Theo đó, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng khái niệm startup, khởi nghiệp và SMB tại Việt Nam đang bị nhầm lẫn mà nếu tìm hiểu sâu hơn thì mới có thể phân biệt được, và sự kiện Startup Festival là một trong những hoạt động giúp nâng cao giá trị của các startup thực sự, thúc đẩy số lượng SMB trong xã hội.
Có ý kiến lại cho rằng, nhà sáng lập này thực chất là đang cố tình gây sự chú ý, “lobby" để cộng đồng bình chọn cho mình, có ý kiến đồng tình và không đồng tình.
Nhiều năm gần đây, những cụm từ “khởi nghiệp”, “startup” và “SMB” đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì các khái niệm này khá mới, nên ít nhiều vẫn còn gây nhầm lẫn trong đa số mọi người.
Năm 2016 được chọn là “Năm Quốc gia khởi nghiệp” của Việt Nam với nhiều khởi sắc trong cộng đồng khởi nghiệp, chủ đề khởi nghiệp trở thành đề tài “nóng” trên mặt báo, nhiều giải thưởng khởi nghiệp ra đời. Startup Festival là một trong số những chương trình tôn vinh các doanh nghiệp startup có nhiều đóng góp cho xã hội. Được tổ chức bởi những đơn vị uy tín và có nhiều năm hỗ trợ thiết thực cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam: Ban Thanh thiếu niên Đài TH Việt Nam (VTV6), Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), Tổ hợp giáo dục Topica Founder Institude và CTCP Chim Xanh (Bluebird Jsc), Startup Festival là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất năm 2016, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ban ngành, được kỳ vọng tổ chức thường niên, trở thành địa chỉ kết nối và giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu trong từng năm. Từ đó, sự kiện được kỳ vọng có thể quy tụ sức trẻ, sức sáng tạo, sức cống hiến của những doanh nhân trẻ, góp sức lan toả giá trị lao động tích cực tới cộng đồng, chung tay xây dựng Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh, bền vững.
Startup Festival đang bước vào giai đoạn nước rút, các chủ đề thảo luận về các doanh nghiệp startup càng nóng hơn bao giờ hết.