Nhiệt miệng gây nhiều đau đớn, bất tiện nhưng ai cũng có thể gặp, nhất là khi căng thẳng: Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách đối phó đơn giản mà hiệu quả

23/12/2020 16:16 PM | Sống

Nhiệt miệng là tổn thương thường gặp, gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân của bệnh bắt nguồn từ tình trạng căng thẳng kéo dài.

Nhiệt miệng gây ra bởi tình trạng viêm miệng, tại vị trí viêm sẽ gây khó khăn trong việc hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn hay còn gọi là chứng kém hấp thụ. Nhiệt miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do quá trình hấp thụ thức ăn bị hạn chế, dẫn tới có thể thiếu vitamin và dinh dưỡng trong chế độ ăn.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê Hùng, Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội: "Thời tiết giá lạnh, Covid-19 hoành hành khắp nơi, kinh tế suy thoái, tết nhất sắp đến gây căng thẳng lo lắng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiệt miệng cho nhiều người". B

ác sĩ Hùng đã có hướng dẫn chi tiết về cách phòng tránh cũng như xử trí căn bệnh gây khó chịu này.

Nhiệt miệng là gì? Nhiệt miệng là những vết loét nông nhỏ ở niêm mạc miệng. Các vết loét ban đầu có màu trắng, sau đó chuyển sang vàng. Vùng da xung quanh vết loét thường sưng đỏ, thường có kích thước nhỏ và gây đau, khiến người bệnh khó ăn uống, ảnh hưởng sinh hoạt.

Phân loại: Nhiệt miệng thường có hai loại: Vết loét đơn giản: Chúng có thể xuất hiện 3 hoặc 4 lần một năm và kéo dài đến một tuần. Các vết loét phức tạp: Loại này thường ít gặp hơn và xảy ra phổ biến ở những người trước đây đã từng mắc chúng.

Triệu chứng: Vị trí nốt nhiệt miệng thường ở mặt trong của má và môi, lưỡi. Các triệu chứng nhiệt miệng bao gồm: Một hoặc nhiều vết đau, đốm đỏ hoặc vết sưng phát triển thành vết loét mở, khu vực trung tâm có màu trắng hoặc màu vàng, kích thước nhỏ thường dưới 1cm, có màu xám khi bắt đầu lành. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: Sốt, nổi hạch góc hàm. Thông thường, vết loét thường khỏi sau 7 – 10 ngày.

 Nhiệt miệng gây nhiều đau đớn, bất tiện nhưng ai cũng có thể gặp, nhất là khi căng thẳng: Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách đối phó đơn giản mà hiệu quả  - Ảnh 1.

Nguyên nhân: Các tác nhân có thể khiến bạn bị nhiệt miệng bao gồm một hoặc nhiều nguyên nhân phối hợp.

- Nguyên nhân có thể do thủ thuật nha khoa, đánh răng quá mạnh, tai nạn thể thao hoặc vô tình cắn má.

- Răng lệch lạc gây sang chấn mô mềm, đặc biệt hay gặp răng 8 trên lệch má, răng nanh. Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfate.

- Nhạy cảm với thực phẩm, đặc biệt là sô cô la, cà phê, dâu tây, trứng, các loại hạt, phô mai, và thực phẩm cay hoặc axit.

- Chế độ ăn thiếu Vitamin B12, kẽm, acid forlic hoặc sắt.

- Dị ứng với một số vi khuẩn trong miệng.

- Nhiễm Helicobacter pylori, cùng loại vi khuẩn gây loét dạ dày. Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, bầu bí.

- Căng thẳng, mệt mỏi.

- Các bệnh viêm đường ruột, bệnh đại tràng.

- Suy giảm miễn dịch: kinh nguyệt, cho con bú, thay đổi thời tiết, HIV làm ức chế hệ thống miễn dịch

Theo bác sĩ Hùng, các bác sĩ chỉ cần quan sát vết thương là có thể xác định vết loét miệng. Ngoài ra, việc thăm khám giúp xác định nguyên nhân tại chỗ hay nguyên nhân toàn thân. Trong một số trường hợp, đặc biệt khi vết loét nghiêm trọng hoặc tiến triển nặng dần để tìm nguyên nhân toàn thân, bạn sẽ cần phải làm xét nghiệm để kiểm tra vấn đề sức khỏe khác.

Bác sĩ Hùng cho biết, nếu nhiệt miệng đơn độc tái đi tái lại tại một vị trí thường do nguyên nhân tại chỗ. Trường hợp các vết nhiệt miệng xuất hiện nhiều, rải rác thường do nguyên nhân toàn thân. Khi đó, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám nhằm xác định nguyên nhân.

Nếu vết loét kéo dài, bờ nham nhở, chảy máu, đó có thể là một tổn thương ác tính cần thăm khám và chẩn đoán sớm xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Điều trị:

Đối với các vết loét miệng nhỏ, bạn không cần phải điều trị nhiệt miệng vì nó sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên đối với vết loét lớn, dai dẳng hoặc đau bất thường, bạn cần phải được điều trị y tế.

Các cách chữa nhiệt miệng hiệu quả gồm:

 Nhiệt miệng gây nhiều đau đớn, bất tiện nhưng ai cũng có thể gặp, nhất là khi căng thẳng: Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách đối phó đơn giản mà hiệu quả  - Ảnh 2.

- Nước súc miệng: Nếu bạn bị nhiệt miệng, bác sĩ có thể kê nước súc miệng giảm đau và chống viêm.

- Thuốc bôi nhiệt miệng: Các thuốc bôi nhiệt miệng kê đơn hoặc không kê đơn có thể giúp giảm đau và tăng tốc độ chữa lành nếu thoa cho các vết loét ngay khi sử dụng.

- Thuốc trị nhiệt miệng dạng uống: Các thuốc trị nhiệt miệng dạng uống thường được bác sĩ chỉ định khi vết loét nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ, bao gồm:

1. Thuốc steroid được sử dụng khi vết loét nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

2. Các thuốc dùng để điều trị các tình trạng khác, như sucralfate.

- Đốt vết loét miệng: Dùng dụng cụ hoặc chất hóa học để đốt giúp giảm đau và làm thương sớm hơn.

- Bổ sung chất dinh dưỡng: Bổ sung dinh dưỡng nếu bạn không có đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như folate (axit folic), vitamin B6, vitamin B12 hoặc kẽm.

- Phát hiện các bệnh toàn thân liên quan và điều trị triệt để.

Phòng tránh:

Theo bác sĩ Hùng, để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng biện pháp hữu hiệu nhất là hạn chế tối đa các nguy cơ mắc bệnh, trong đó kể đến một số biện pháp sau:

- Giải quyết các nguyên nhân tại chỗ như răng 8 mọc lệch, răng chen chúc.

- Nghỉ ngơi: duy trì chế độ nghỉ ngơi phù hợp để tránh làm việc quá sức.

- Chọn một môn thể thao phù hợp và duy trì thường xuyên.

- Tránh những thực phẩm có vẻ gây kích ứng miệng hoặc dị ứng.

Chọn thực phẩm lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa và nhiều axit béo omega 3 có trong dầu oliu, dầu cá.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Đánh răng thường xuyên sau bữa ăn và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần có thể giữ cho miệng sạch sẽ. Bạn cũng nên sử dụng bàn chải mềm để giúp ngăn ngừa kích ứng cho các mô miệng mỏng manh và tránh dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfate.

- Kiểm soát căng thẳng. Nếu vết loét có vẻ liên quan đến căng thẳng, hãy thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền và yoga để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, trong đó có bệnh nhiệt miệng.

BS Nguyễn lê Hùng

Cùng chuyên mục
XEM