Nhật Bản: 42% phụ nữ sinh từ năm 2005 sẽ không có con, đe dọa đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới
Tỷ lệ không sinh con ở nam giới Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn khi một nửa thanh thiếu niên sinh từ năm 2005 đổ ra sẽ không có con cái.
Theo tờ Nikkei Asian Review, số liệu chính thức của chính phủ Nhật bản cho thấy 42% phụ nữ nước này sinh từ năm 2005 sẽ không có con cái trong suốt cuộc đời, qua đó đe dọa đến nền kinh tế cũng như tạo gánh nặng cho an sinh xã hội.
Cụ thể, Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản (NIPSSR) cho hay những phụ nữ sinh năm 2005 hoặc xa hơn sẽ lâm vào cảnh đẻ ít hoặc thậm chí là không có con.
Trong kịch bản dự đoán thông thường mà NIPSSR đưa ra, khoảng 33,4% số phụ nữ từ 18 tuổi trở xuống hiện nay của Nhật Bản sẽ trải qua độ tuổi sinh nở mà chẳng hề có con. Thậm chí trong kịch bản dự đoán khả quan nhất thì tỷ lệ này cũng lên tới 24,6%.
Trong trường hợp tệ nhất, khoảng 42% phụ nữ sinh năm 2005 đổ ra của Nhật Bản sẽ không có con cái trong suốt cuộc đời mà nguyên nhân chính đến từ áp lực kinh tế, lối sống cũng như nhiều yếu tố khác. Điều này tương đương với cứ 2 phụ nữ Nhật thì 1 người sẽ không sinh con.
Tệ hơn, báo cáo của NIPSSR cho thấy tỷ lệ không sinh con ở nam giới còn cao hơn khi xu thế không kết hôn, hẹn hò hay thậm chí hạn chế tình dục đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Khoảng một nửa số nam thanh niên từ 18 tuổi trở xuống.
Tờ Nikkei cho hay trên thực tế, xu thế hạn chế sinh con đang ngày càng lan rộng ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Châu Âu do mọi người chú ý vào nâng cao chất lượng sống của bản thân hơn là sinh đẻ.
Tại những nền kinh tế trên, khoảng 10-20% số phụ nữ sinh từ năm 1970 không có con cái, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản là 27%. Tuy nhiên nhiều dự đoán tỷ lệ không sinh con ở Nhật Bản sẽ gấp đôi Phương Tây nếu đà không kết hôn lẫn sinh hoạt tình dục của giới trẻ nước này còn tiếp tục như hiện nay.
Thậm chí xu thế hạn chế sinh đẻ tại những nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh hay Đức cũng đang dần không còn được ưa chuộng trong vài năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 khiến mọi người nhận thức được tầm quan trọng của gia đình hơn là sự nghiệp.
Những cố gắng nhằm cân bằng cuộc sống hậu đại dịch, trân trọng gia đình hơn khiến ngày càng nhiều người Phương Tây quyết định có ít nhất 1 đứa con.
Nỗ lực thay đổi
Tờ Nikkei cho hay những thách thức về một nền kinh tế lão hóa nhanh, không đủ lực lượng lao động để duy trì tăng trưởng hay thậm chí là hệ thống hành chính công ở nhiều vùng nông thôn đã khiến chính quyền Tokyo phải vào cuộc.
Áp lực ngày càng lớn lên ngân sách an sinh xã hội trong khi số lao động giảm dần khiến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đối mặt với rủi ro cực lớn, chưa kể đến những ảnh hưởng từ thị trường tiêu dùng, đầu tư.
Bởi vậy, Nhật Bản đã cố gắng nới lỏng các chính sách lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp cha mẹ có thể chăm sóc con cái hoặc cổ vũ sinh đẻ.
Thế nhưng giới trẻ nước này lại vẫn chẳng mặn mà gì với chuyện kết hôn hay sinh con khi tiền lương không tăng mấy suốt nhiều năm.
Cơ hội làm giàu và những nỗi lo về tương lai bất ổn càng khiến giới trẻ nước này chuyển tâm trí vào các loại hình đam mê khác thay vì ra ngoài hẹn hò.
Trong khi đó, văn hóa bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản từ chối kết hôn hoặc sinh con để theo đuổi sự nghiệp.
Những hình ảnh người mẹ vất vả chăm con mà không xin được việc làm ổn định hoặc bị sa thải, chặn đứng con đường thăng tiến càng khiến nhiều nữ giới Nhật lựa chọn kiếm tiền và hưởng thụ cuộc sống thay vì lập gia đình.
Báo cáo của Viện khảo sát sinh đẻ quốc gia Nhật Bản (NFS) cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên nước này cảm thấy ổn khi sống độc thân đang ngày một tăng, qua đó chứng minh sự thất bại của các chính sách kích cầu sinh đẻ từ chính quyền Tokyo.
Theo Nikkei, mặc dù Hàn Quốc và Trung Quốc cũng chứng kiến hiện tượng giảm tỷ lệ sinh trong vài năm trở lại đây nhưng chúng mới chỉ bắt đầu, còn Nhật Bản đã kéo dài qua nhiều năm.
Điều này khiến nền kinh tế Nhật Bản có thể chịu thiệt thòi lớn so với các nước láng giềng nếu so sánh về lực lượng lao động cũng như khả năng duy trì tăng trưởng.
Tại Nhật Bản, các bệnh viện hay những cơ sở chăm sóc y tế thường yêu cầu có sự bảo đảm của gia đình và việc hạn chế sinh đẻ khiến ngày càng nhiều người cao tuổi sống cô độc cuối đời, gây khó khăn cho chính phủ trong việc theo dõi và hỗ trợ.
*Nguồn: Nikkei Asian Review