Nhân viên văn phòng bỏ tiền tỷ nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất bánh chưng tự động, nhanh gấp 10 gói tay, giá 150k/cái
Tất cả các khâu sản xuất bánh chưng từ từ ngâm rửa đậu, cắt thịt, chiết xuất lá riềng trộn nếp cho đến ép nhân bánh để vào khuôn đều được sử dụng bằng máy. Nhờ vậy tốc độ trung bình để sản xuất bánh chưng là 1 phút/cái.
Anh Nguyễn Khắc Tưởng (quận Thủ Đức, TP.HCM) chính là chủ nhân dây chuyền sản xuất bánh chưng tự động đầu tiên tại Việt Nam. Dây chuyền hoàn thiện từ 2 năm trước và năm nay, anh đã chi thêm hơn 1 tỷ đồng để tiếp tục cải tiến hệ thống.
Là nhân viên một công ty tài chính, mỗi ngày anh Tưởng dành 8 tiếng đi làm trên cơ quan, sau đó từ 8h tối đến 12h đêm anh tập trung nghiên cứu cải thiện dây chuyền sản xuất bánh chưng.
Anh Tưởng cho biết trước đây, anh từng vài lần cùng bạn bè ]tổ chức gói bánh chưng. Tuy nhiên anh nhận thấy cách làm truyền thống có quá nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Sẵn đam mê với lĩnh vực cơ khí, lại được lại được học qua một lớp về cơ khí kỹ thuật, anh nghĩ đến việc chế tạo dây chuyền tự động hóa để giảm bớt sức người.
"Gói bánh chưng rất vui nhưng đòi hỏi nhiều sức người. Máy móc không cảm tính trong khi để con người gói, vui thì gói khác mà buồn thì gói khác, Việc mình sử dụng máy thì mình phải tìm được thông số kỹ thuật, ví dụ ở lực nén là bao nhiêu để ra chiếc bánh chuẩn. Khi mình tìm được công thức rồi chất lượng bánh luôn ổn định, bánh nào cũng như bánh nào", anh Tưởng chia sẻ trên VnExpress.
Thật ra, ban đầu mục đích của anh chỉ dừng lại ở chế tạo một chiếc máy chiết xuất tinh chất lá riềng để giảm bớt vất vả cho người làm bánh bởi đây là khâu cực kỳ mất nhiều thời gian, công sức. Nhưng sau 2 năm, anh không chỉ dừng lại ở chiếc máy vắt tinh chất lá riềng mà còn tạo ra cả một hệ thống hơn 10 máy phục vụ cho việc gói bánh chưng. Mỗi chiếc máy phụ trách một công đoạn như rửa lá, rửa đậu, vo gạo, thái thịt heo cho tới luộc bánh, buộc lạt.
Với dây chuyền sản xuất công nghệ mới này, để tạo ra một chiếc bánh chưng hoàn thiện, các nguyên liệu đầu vào cũng được xử lý và chế biến rất cẩn thận. Những chiếc lá dong, lá riềng được rửa bằng máy, sục khí ozon. Đậu xanh sau khi được ngâm, rửa hoàn toàn tự động, hẹn giờ cho đậu ngấm đủ nước theo yêu cầu sẽ được đem ra vắt bằng máy ly tâm để đảm bảo thấm muối tốt hơn, giúp thời gian bảo quản bánh lâu hơn. Những chiếc lá riềng tươi được anh Tưởng chiết tách bằng máy và sử dụng ngay trước khi oxy hoá. Nhờ vậy, bánh chưng khi nấu xong có màu xanh mướt và mùi thơm đặc trưng.
Thịt lợn trước đó được rửa, thái miếng rồi đưa vào trộn gia vị trong máy trộn chân không đi kèm chức năng làm mát. Vì thế miếng thịt sẽ giữ được vị dẻo, tươi và không nhiễm vi khuẩn.
Trung bình mỗi phút, dây chuyền sản xuất trên có thể làm ra được một chiếc bánh chưng, nặng khoảng 1,5kg. Bên cạnh yếu tố về công nghệ, sản phẩm được chế tạo từ nguyên liệu tinh hoa của các vùng miền như nếp Điện Biên, đậu xanh Long Xuyên, tiêu Phú Quốc... do đó mức giá đến tay người tiêu dùng là 150.000 đồng/cái.
Mùa Tết năm nay, anh Tưởng dự kiến sẽ gói 20.000 chiếc bánh chưng để cung cấp ra thị trường.