"Nhân viên nghỉ việc hết rồi, sếp nên tự nhìn lại tâm - tầm - trí" – Phát ngôn của du học sinh Ý lại một lần nữa gây bão MXH

22/03/2018 17:18 PM | Sống

Đôi khi, chức danh cũng chỉ là một thứ trang sức vô cùng phù phiếm chứ chẳng hề phải thước đo giá trị bản thân như nhiều người vẫn nghĩ…

"Nhân viên đừng nhảy việc vì tiền", một lời chia sẻ dường như hết sức quen thuộc mà không ít vị giám đốc nhân sự sẵn sàng buông ra vào bất cứ thời điểm nào. Mặc dù vậy, đâu phải ai làm sếp cũng có thể hiểu rằng lý do lớn nhất khiến cho nhân viên không thể tiếp tục gắn bó với họ nữa lại chẳng hề xuất phát từ những vấn đề tài chính hay lợi ích cá nhân, mà chính là thái độ, là cách sống, là "tâm – tầm – trí" của họ.

Có không ít người làm lãnh đạo sẵn lòng tạo điều kiện làm việc thuận lợi cũng như cơ hội phát triển cho nhân viên. Đối với họ, nhân viên không phải cấp dưới; mà chính là đồng nghiệp, là anh em, là một gia đình thứ hai đúng nghĩa. 

Dẫu vậy, cũng chẳng hề thiếu những người thích khoác lên mình chức danh "sếp", để rồi chỉ biết đè nén, quát tháo, mắng mỏ, chỉ trích nhân viên một cách nặng nề nhất. Những người sếp ấy sẵn sàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tất cả mọi người xung quanh nhưng tuyệt nhiên lại chẳng bao giờ thừa nhận bất kỳ sai lầm nào của mình.

Để rồi, hằng ngày, họ vẫn cứ tiếp tục huyễn hoặc bản thân trong chính cái chức danh phù phiếm ấy. Hoặc cũng có thể là họ thừa biết đó chỉ là thứ trang sức ảo ảnh, thế nhưng một "hầm mộ" nằm sâu trong nhân cách, trong tâm hồn, trong cái tôi quá lớn đã không cho phép họ thay đổi…

Nhân viên nghỉ việc hết rồi, sếp nên tự nhìn lại tâm - tầm - trí – Phát ngôn của du học sinh Ý lại một lần nữa gây bão MXH - Ảnh 1.

5. Là sếp thì có quyền "đè đầu cưỡi cổ" người khác?

Có lẽ hai chữ "cấp trên" đôi lúc trao cho người ta đặc quyền hơi nhiều hơn mức bình thường thì phải. Đặt ở khía cạnh công việc và tạo giá trị cho tổ chức, những ưu tiên cho giới quản lý không phải điều gì kỳ lạ. Tuy nhiên, người làm sếp cũng cần phải biết tôn trọng cuộc sống của các nhân viên cấp dưới, thay vì suốt ngày "hành tỏi" người khác như thể họ có quyền đè nén tất cả mọi người vậy.

Công việc đương nhiên là không thiếu, việc gấp cũng có những thời điểm sẽ xuất hiện nhiều. Thế nhưng, không ít quản lý có thói quen bắt ép nhân viên phải hoàn thành mọi thứ cho mình bất chấp trong giờ nghỉ ăn trưa, giữa đêm, cuối tuần, đang đợt nghỉ phép, nghỉ ốm, thậm chí... là khi nhân viên đang ở nhà cho con bú! 

Họ đâu quan tâm đến đời sống cá nhân của những kẻ cấp dưới như thế nào. Để rồi khi người ta bỏ đi hết, các sếp lại buông lời chê trách nhân viên nghỉ việc vì tiền mà đâu hề biết rằng chính thái độ "đè đầu cưỡi cổ" mới là nguyên nhân khiến mọi thứ tan vỡ.

Muốn trở thành người quan trọng, trước hết phải học cách tôn trọng người khác. Một người làm sếp biết tôn trọng nhân viên sẽ nỗ lực thấu hiểu và sẵn lòng giúp đồng nghiệp của mình cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, thay vì tự cho mình cái quyền được đi muộn về sớm, được nghỉ ngơi chơi bời vào mỗi dịp cuối tuần trong khi vẫn gọi điện để thúc ép mọi người đến công ty hoàn thành việc gấp…

Sếp ơi, sếp có thể không ‘hiền’, có thể đôi lúc to tiếng nếu nhân viên làm sai; nhưng sếp hãy là người ‘lành’, là người ‘biết điều’, và là người tôn trọng nhân viên của mình. Rồi nhân viên sẽ tôn trọng và ở lại với sếp thôi.

Học để biết nhiều thì dễ, học để biết điều mới khó! Khó nhưng ai cũng cần học, để trở thành người sếp tốt.

Nhân viên nghỉ việc hết rồi, sếp nên tự nhìn lại tâm - tầm - trí – Phát ngôn của du học sinh Ý lại một lần nữa gây bão MXH - Ảnh 2.

6.Từ công tâm... đến công bằng

Công bằng là thứ ai cũng có thể dễ dàng nói ra, nhưng đâu phải ai cũng thực hiện được. Muốn công bằng thì trước hết phải công tâm, từ lời nói cho đến hành động.

Không ít người khi gặp nhân viên thì sẵn sàng buông lời khinh bỉ một cách phũ phàng, nhưng khi gặp sếp lớn hơn thì ngay lập tức thảo mai, nịnh nọt. Để rồi, từ chính những điều trái ngang trong giao tiếp, người ta cũng trở nên bất công trong hành động, trong việc làm.

Một vị sếp sẵn sàng dành sự ưu ái đối với những nhân viên chấp nhận "đeo mặt nạ" cùng mình nghiễm nhiên sẽ không thể nào đánh giá tốt cho những người còn lại, những người mặc dù làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn nhưng không giỏi rót vào tai họ những lời ngon ngọt. Đến một ngày đẹp trời, những chú ong cần mẫn ra đi, liệu rằng sếp và những người cánh bướm phù du kia có thể tiếp tục tồn tại được nữa hay không?

Thời buổi bây giờ, công ty nào chẳng có hệ thống KPI để đánh giá công việc. Nghe thì hoành tráng thế thôi nhưng thực tế, sếp mới là người đánh giá cuối cùng sau tất cả. Thế nên, việc KPI có công bằng hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ công tâm của người làm lãnh đạo. 

Điều này xét cho cùng chẳng hề khó, tuy nhiên, đâu phải vị sếp nào cũng sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của những nhân viên cấp dưới. Để rồi sau cùng, chính vì những nỗi niềm, những bất công không thể chịu đựng được đã dần trở thành "giọt nước tràn ly" khiến cho không ít người phải nói lời chia tay với công ty mà họ từng ao ước gắn bó.

Nhân viên nghỉ việc hết rồi, sếp nên tự nhìn lại tâm - tầm - trí – Phát ngôn của du học sinh Ý lại một lần nữa gây bão MXH - Ảnh 3.

7. Khẩu phật nhưng… tâm không phật

Nói mà không làm, đã là điều không tốt. Nhưng nói mà làm ngược lại chính những điều mình nói, thì thật tệ biết bao nhiêu.

Nhiều người lúc nào mở miệng ra cũng nói về "chân – thiện – mỹ", tự nhận mình "yêu thương con người", là một lãnh đạo có lương tâm nghề nghiệp. Nhưng rồi chỉ ngay sau đó không lâu, họ sẵn sàng dùng chính thứ lương tâm "nửa vời" này để cắt đi tháng lương thứ 13 của các đồng nghiệp, rồi thì những khoản thưởng cuối năm và dập tắt luôn cả giấc mơ về một cái Tết đủ đầy của những người lao động mà họ cho là… cấp dưới.

Trớ trêu là trong khi ấy, họ vẫn quyết định cho phép bản thân mình được nhận thưởng, giống như một điều tất yếu chẳng hề liên quan gì đến cuộc sống của nhân viên xung quanh. Cũng cần phải nói thêm rằng, tháng lương thứ 13 của một người lao động bình thường có khi chỉ vài ba triệu, nhưng đối với các sếp thì con số này lớn hơn rất nhiều, có thể gấp 10, 20, 30, 50 hay thậm chí cả trăm lần.

Đối với những nhân viên từng cống hiến nhiều năm cho công ty (có thể là một hai thập kỷ hay hơn thế), đôi lúc mong muốn chỉ là nhận được sự ghi nhận cho những đóng góp miệt mài suốt cả tuổi thanh xuân. Vậy mà, đổi lại chỉ là cái phủi tay đầy phũ phàng… Ôi, thanh xuân của một người rẻ mạt thế sao?

Có thể những dẫn chứng này vẫn phần nào phiến diện vì còn tùy vào bối cảnh, văn hóa doanh nghiệp và các yếu tố khác; nhưng thật may mắn, vẫn có nhiều người lãnh đạo sẵn sàng từ chối nhận thưởng Tết, từ chối tăng lương trong suốt một năm để giúp công ty cân bằng quỹ lương đồng thời phần nào san sẻ niềm vui cho anh chị em cấp dưới. 

"Cùng là người lao động với nhau, vài ba triệu với mình đâu có nhiều, nhưng với anh em nhân viên ở kho thì quý lắm"… có người sếp đã từng nói vậy - một người đáng kính!

Chấp nhận bớt đi chút niềm vui của bản thân để mang lại hạnh phúc cho nhiều người; hay là sẵn sàng tìm kiếm niềm vui cho riêng mình một cách ích kỷ ngay từ những nỗi tuyệt vọng của người khác? Mỗi cá nhân sẽ có những câu trả lời khác nhau, phụ thuộc vào cách sống của mỗi người. 

Nhân viên nghỉ việc hết rồi, sếp nên tự nhìn lại tâm - tầm - trí – Phát ngôn của du học sinh Ý lại một lần nữa gây bão MXH - Ảnh 4.

Cuộc đời này vốn dĩ vẫn là một dòng chảy bất tận, và tất nhiên, những người sẵn sàng trải lòng ra để sống vì mọi người, dù chỉ là một chút thôi, trên cương vị sếp hay nhân viên đi chăng nữa, chắc chắn sẽ là những người hạnh phúc và thanh thản nhất.

Có câu nói: "Everything happens for a reason – Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó". Cuộc gặp gỡ giữa sếp và nhân viên phải chăng cũng là định mệnh. Định mệnh cho chúng ta gặp một người có "Tâm – Tầm – Trí", con đường sự nghiệp và cuộc sống sẽ thuận lợi hơn; nhưng nếu định mệnh cho chúng ta gặp một người không như mong muốn, thì âu cũng là một bài học thú vị để chúng ta định hình lại nhân cách và giá trị bản thân của mình, hiểu mình là ai, muốn gì, trở thành người như thế nào.

Mỗi người đều nên tự nhìn lại, để rút ra bài học cho mình, để thay đổi cho tốt đẹp hơn, để biết ơn những điều từng xảy ra trong quá khứ…

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, du học sinh Nguyễn Hoàng Kim Quý.

Nguyễn Hoàng Kim Quý

Cùng chuyên mục
XEM