TGĐ Tập đoàn DOJI – Đỗ Minh Phú: Yêu là phải làm cho “người mình yêu” luôn ở đỉnh cao (phần 2)

22/11/2011 10:41 AM |

“Vàng hấp dẫn tôi vì sự lấp lánh của nó, còn thị trường băng vệ sinh thì luôn có độ 'thấm hút' cao”...


Đó là câu trả lời đầy hài hước và thú vị của ông Phú khi chúng tôi thắc mắc “Tại sao đang kinh doanh ở một lĩnh vực xa xỉ như kim cương ông lại có quyết định đầu tư vào kinh doanh sản phẩm băng vệ sinh và tã trẻ em (công ty Diana)?”.

Từ suy nghĩ và ý tưởng nào đưa ông đến quyết định mở công ty Diana - kinh doanh một mặt hàng không chút liên quan gì đến lĩnh vực vàng bạc đá quý?

Cuối năm 1996, em trai tôi là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tiệp Khắc, có ý định đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Sau khi tìm hiểu thì thấy rằng mặt hàng băng vệ sinh được xem là có nhiều triển vọng. Thời điểm đó, kinh doanh băng vệ sinh ở Việt Nam chỉ mới có một công ty duy nhất đó là Softina của Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, liên doanh với công ty TN Trade của Thái Lan.

Từ ý tưởng đó anh em tôi đã tiến hành nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh thì thấy quả thực đây là một lĩnh vực đầu tư vô cùng tiềm năng nên tôi đã quyết định cùng với người em của mình thành lập công ty.

Ngày 3/9/1997, công ty chính thức được thành lập với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý, nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Diana chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tisue.

Tại thời điểm đó, ông có từng nghĩ Diana sẽ lớn mạnh như hiện nay không?

Khi bắt tay vào kinh doanh chúng tôi nghĩ đây quả thực là thị trường rất lớn, nhu cầu đó cũng là nhu cầu thiết yếu của tất cả chị em phụ nữ. Chúng tôi đã cải tiến và làm nên những khái niệm mới hoàn toàn trong thị trường này từ sự tham khảo những sản phẩm thế giới khác xa so với sản phẩm của Softina ở Việt Nam nên chúng tôi đặt niềm tin vào thị trường rất tiềm năng này.

Vốn để thành lập công ty Diana ngày đó nhiều không, thưa ông?

Khi đó, tôi và em trai gom góp được tổng cộng số tiền là 200.000 USD nhưng chưa đủ nên tôi đã phải thế chấp căn nhà của mình ở Ngân hàng Agribank Chi nhánh Láng Hạ để vay thêm 400.000 USD để mua vật tư. Tổng cộng là 600.000 USD, hồi đó tỷ giá quý đổi khoảng 11.000 đồng/USD.

Ông nói là tiềm năng, vậy ngay năm đầu tiên kinh doanh thì doanh thu của Diana như thế nào?

Đến hết năm 1997 thì doanh thu của Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng, ngay sau đó 1 năm (tức năm 1998) con số này tăng lên gấp khoảng 3 lần. Và kết thúc cho năm tài chính 2010 doanh thu của Diana đạt 1.020 tỷ đồng.

Ngày 25/8/2011, công ty Diana Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Unicharm, thông qua công ty Unicharm Thái Lan về việc trở thành cổ đông chiến lược. Dự kiến đến tháng 11/2011 các thủ tục cho hợp đồng này sẽ chính thức được hoàn thành.

Thông tin từ TTXVN tại Tokyo cho biết,  tổng giá trị thương vụ này vào khoảng 128 triệu USD.


Đang phát triển rất tốt vậy tại sao ông lại quyết định bán lại công ty Diana cho công ty Unicharm (Nhật Bản)?


Diana đã trải qua quá trình hình thành và phát triển đỉnh cao của mình. Ở Việt Nam hiện nay, nhãn hiệu băng vệ sinh Diana và tã giấy trẻ em Bobby, Tã cho người già Carin.. đều là những nhãn hiệu mạnh chiếm giữ vị trí số 1 hoặc số 2 trên thị trường về thị phần tính theo số lượng sản phẩm tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng một khi đã đến giai đoạn phát triển đỉnh cao, thị trường bị bão hòa thì cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính chất đột phá ra thị trường khu vực và thế giới. Diana cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Là người sáng lập, quan điểm của chúng tôi cho rằng đó là “đứa con” của mình. “Nếu yêu thương thật sự thì phải làm sao cho người mình yêu luôn ở đỉnh cao”.

Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm.

Vàng luôn lấp lánh

So sánh giữa Diana và Doji thì có vẻ hơi khập khiễng nhưng đã kinh doanh trực tiếp rồi thì ông thấy sự thú vị gì từ hai mặt hàng hoàn toàn khác biệt này?

Cả 2 lĩnh vực tôi đều rất thích nó và muốn khảo nghiệm để đo khả năng thành công của mình đến đâu. Có một điều thú vị là cả 2 sản phẩm đều phục vụ cho chị em phụ nữ. Nếu kinh doanh kim cương, người ta xây dựng bước xây dựng giá cả là triệu đồng, thậm chí là nghìn USD. Trong khi với Diana, bước xây dựng giá cả được chúng tôi tính đến là 10 đồng cho mỗi bước giá.

Đây là hai tư duy ở hai phạm trù khác nhau. Nhưng đều thống nhất giống nhau ở một điểm: Đã là sản phẩm là phải tốt, giá cả phải hợp lý và phải để phục vụ cho khách hàng, sản xuất vì khách hàng, đáng đồng tiền bỏ ra. Quan trọng là người tiêu dùng cảm nhận thỏa mãn về giá trị sản phẩm.

Còn rộng ra trong các lĩnh vực kinh doanh hiện tại, ông cảm thấy lĩnh vực nào là lĩnh vực tâm huyết nhất?

Tất cả các lĩnh vực tôi đều tâm đắc và thú vị. Tất cả đều là sự tâm huyết và bắt đầu từ số 0, chưa từng làm bao giờ và vượt qua những thử thách trước những đối thủ lớn tầm cỡ quốc tế. Nguyên tắc kinh doanh là kiên trì theo đuổi mục đích, chấp nhận khó khăn, lắng nghe hơi thở thị trường để điều chỉnh cho phù hợp.
“Chiến lược lâu dài của chúng tôi không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức. Vàng miếng có thể có cơ hội tốt, có sự xuất hiện tốt và độ “lấp lánh” cực kỳ cuốn hút trong giai đoạn này. Tuy nhiên đến thời điểm nào đó, khi vàng ra khỏi nơi trú ẩn, tức là khi người ta chuyển vàng miếng sang tiền để đầu tư lĩnh vực khác, khi đó sản phẩm cuối cùng mà người ta sử dụng là các sản phâm trang sức”.


Về lĩnh vực kinh doanh vàng vốn rất rủi ro và tốn nhiều tâm huyết nhưng có lẽ vì nó thử thách như vậy nên nó luôn khiến tôi cảm thấy lấp lánh và đầy hấp dẫn.

Định hướng phát triển của DOJI trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Từ năm 2006, chúng tôi bắt đầu tham gia kinh doanh vàng miếng, như một hướng đi để tăng cường “sức nặng” trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý. Đến năm 2007, chúng tôi chính thức tham gia một cách đầy đủ nhất ở thị trường này. Trong vòng chưa đến 3 năm, chúng tôi đã có bước phát triển nhảy vọt khi trở thành một trong 3 đơn vị kinh doanh vàng miếng hàng đầu ở Việt Nam (Gồm SJC, PNJ và DOJI). Phía Bắc, chúng tôi được khách hàng đánh giá là đơn vị kinh doanh có mạng lưới lớn nhất miền Bắc, cả bán sỉ và bán lẻ; giá của DOJI là giá tham khảo cho các đơn vị bán sỉ trên toàn miền Bắc.

DOJI kinh doanh vàng miếng, vậy doanh thu vàng miếng trên tổng doanh thu của DOJI chiếm tỷ lệ như thế nào, thưa ông?

Việc kinh doanh vàng miếng ở Doji hiện đang chiếm doanh thu từ 85-90 % của tập đoàn.

Doanh thu tập đoàn DOJI từ năm 2007 - 2010

Nhìn vào cơ cấu doanh thu, tỷ trọng doanh thu do vàng miếng mang lại là rất cao (đến 85-90%), có lẽ nào vàng miếng đang là lĩnh vực lấn át các mặt hàng khác của DOJI như kim cương và trang sức hay không?

Nếu xét về góc độ doanh thu là như vậy. Nhưng nếu xét về nhu cầu của người tiêu dùng, thì vàng miếng tuy có nhu cầu rất lớn trong hiện tại nhưng thị trường lâu dài và bền vững lại là Trang sức. Hai sản phẩm này lại tương hỗ nhau bởi ảnh hưởng của sức mạnh thương hiệu và độ phủ của sản phẩm. Khi vàng miếng tăng doanh thu gấp đôi thì doanh thu các sản phẩm trang sức của DOJI cũng tăng gấp đôi tương ứng do các lĩnh vực này có sự bổ trợ lẫn nhau về uy tín và niềm tin của khách hàng.

Doanh thu của các mặt hàng Trang sức đặc biệt là Kim cương của DOJI năm sau đều tăng trưởng từ 75-100% so với năm trước.

Còn nữa...

Khánh Linh – Kỳ Anh (thực hiện)

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM