Ông Huỳnh Quang Đấu: "Hãy quản trị bằng cái tình và cái tâm!"
Dù có nhiều lợi thế để tiến thân nhưng ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), vẫn quyết chọn làm kinh doanh.
Để rồi gần 30 năm sau, nhìn lại thành quả từ một doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước bị thua lỗ, nhân công không có lương..., nay đã "lột xác", vinh dự là DN duy nhất của tỉnh An Giang đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2014, cùng với thành tích 10 năm liền được Bộ Công Thương công nhận là DN xuất khẩu uy tín và nhiều giải thưởng khác.
Tháng 10/2014, ông Huỳnh Quang Đấu vinh dự nằm trong Top 5 doanh nhân nhận được giải thưởng "Ernst & Young (EY) - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014", tôn vinh những doanh nhân xuất sắc đại diện cho bản lĩnh doanh nhân Việt Nam trong tiến trình hội nhập, một lần nữa ghi nhận những gì ông đã làm được trong thời gian qua.
Với 13 năm trải qua các vị trí nhân viên, trưởng phòng, phó giám đốc và 27 năm nắm quyền điều hành Antesco, ông đã góp công lớn trong việc tăng giá trị rau quả Việt Nam lên đến 40% ở hơn 30 thị trường trên thế giới, gồm: châu Phi, châu Âu, Trung Đông, Mỹ, Nhật... với hơn 70 sản phẩm rau quả đông lạnh cao cấp (IQF), đóng hộp..., trong đó, ba sản phẩm chủ lực là bắp non, đậu nành rau và khóm. Thế nhưng, khi hỏi về bài học quản trị mà ông muốn gửi gắm cho đội ngũ kế thừa, ông chỉ nói ngắn gọn: "Hãy quản trị bằng cái tình và cái tâm!".
Nghĩ và làm
Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ đều là liệt sĩ, có nhiều lợi thế để ông tiến thân theo con đường chính trị, nhưng tại sao ông lại chọn làm kinh doanh?
- Vì tôi thích kinh doanh. Có thể hơi mơ hồ khi nói đó là sở thích từ lúc nhỏ của tôi, nhưng có lẽ tôi được thừa hưởng máu kinh doanh từ bên nội. Ba tôi gốc Hoa, ngày đầy tháng tôi cũng là giỗ 100 ngày của ông. Mẹ gửi tôi cho ông bà ngoại để tiếp tục tham gia kháng chiến.
Ông ngoại tôi lập một ngôi chùa nhỏ ở ven rừng, sát chân núi thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sống trong vùng kháng chiến, không có điều kiện đến trường nên hằng ngày tôi theo ông vào chùa, lao động, trồng trọt..., và điều tôi thích nhất là hái những quả ớt hiểm hoặc bất cứ thứ gì mọc dại trong rừng có thể gửi ra chợ bán được.
Ý nghĩ tìm cái gì đó để bán, để có tiền dần hình thành trong tôi. Sau ngày giải phóng, có cậu làm lớn, tôi cũng được sắp xếp một chân bảo vệ ở Công ty Vật tư Nông nghiệp An Giang (tiền thân của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang).
Nhưng thời điểm đó lương rất thấp, muốn thay đổi cuộc sống, tôi nghĩ chỉ có con đường học vấn, nên ban ngày đi làm, ban đêm tôi đăng ký học bổ túc. Do nhận thấy mình vẫn thích bán buôn hơn nên sau khi tốt nghiệp THPT, tôi chọn thi và đậu vào Trường Đại học Kinh tế, khoa Quản trị kinh doanh, học tại An Giang.
Được biết, sau khi có bằng cấp, sự nghiệp của ông phát triển nhanh như diều gặp gió, ở tuổi 24, cái tên Huỳnh Quang Đấu được nhiều người biết đến với cương vị là lãnh đạo DN trẻ nhất tỉnh An Giang?
- Nhờ làm việc có trách nhiệm, năng nổ, nói là làm, nên từ nhân viên tôi được đề bạt lên vị trí trưởng phòng, phó giám đốc, rồi giám đốc chỉ trong vòng chục năm. Trong mắt người khác, tôi đi lên như diều gặp gió nhưng với tôi, có thể nói đây là giai đoạn thăng trầm, mệt mỏi.
Vì đấu đá nhau trong nội bộ DN mà không ít lần tôi bị tố cáo, thanh tra, nghi ngờ có sự mờ ám khi lên Phó giám đốc Công ty lúc mới 24 tuổi. Do quá chán nản với cách hành xử giữa con người với nhau khi đó, tôi đã làm đơn xin nghỉ việc về quê. Nhưng đơn của tôi không được chấp nhận, tôi được điều chuyển sang làm phó giám đốc của một DN khác cũng trong hệ thống các DN nhà nước lúc bấy giờ.
Đến năm 1986, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị thuộc ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang (Công ty Vật tư Nông nghiệp, Chi cục Cơ khí Nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ Thực vật), gọi tắt là Antesco, tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực cung ứng vật tư, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau hai năm hợp nhất, Công ty rơi vào tình trạng khó khăn, hàng hóa tồn kho, công nhân không có lương, thậm chí có người còn dính đến tù tội... Trước đó, khi còn làm ở Công ty Vật tư Nông nghiệp, tôi cũng đề nghị với Giám đốc một số phương án để cải thiện DN, nhưng chưa được tin tưởng vì tôi chỉ mới 24 tuổi, cộng với trình độ văn hóa bổ túc và đại học tại chức...
Song, khi vấn đề này được trình bày với lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp lại được chấp thuận ngay, họ gọi tôi lên cho làm giám đốc, nghe tin tôi toát mồ hôi hột (cười). Không từ chối được, thế là tôi trở thành Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang.
Trong vai trò giám đốc, ông đã làm gì để vực dậy DN?
- Ngày 1/5/1988, tôi nhận chức giám đốc trong tình trạng công ty lỗ lã, ngân quỹ âm, không có tiền trả lương. DN không khác gì một chiếc tàu bị đắm. Thế nhưng, vẫn có nhiều ánh mắt gièm pha, nghi ngờ dành cho tôi nhiều hơn là sự tin tưởng, đồng lòng cùng tôi vượt qua khó khăn. Hiểu được vấn đề, tôi đã nói với họ: "Tôi chịu khó với anh em thì anh em hãy cùng tôi quyết tâm làm".
Trước mắt, tôi vẫn duy trì hoạt động mua bán trước đây, đồng thời chuyển một phần sang sản xuất với kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Từ đó tôi tìm kiếm những hợp đồng nhỏ, sau đó xin ngân hàng cho vay tín chấp đối với từng thương vụ, xoay dần đồng vốn. Sau một năm, anh em đã được nhận lương đều đặn, năm thứ hai đã có thưởng và một số còn được nâng lương.
Ở lĩnh vực cung ứng vật tư, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giá trị thặng dư lớn hơn nhiều so với đầu tư, kinh doanh rau quả. Tại sao Antesco lại quyết định chuyển hướng?
- Khi bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, nhiều DN tư nhân cũng nhảy vào kinh doanh nên giá trị thặng dư của những mặt hàng điện máy nông nghiệp không còn nhiều. Vì thế chúng tôi mới chính thức chuyển sang đi sâu vào đầu tư, sản xuất, chế biến rau quả. Đây cũng được xem là hoạt động theo kêu gọi của Nhà nước giai đoạn đó, liên quan đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Tỉnh muốn chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng trồng những loại cây có giá trị xuất khẩu. Nhìn lại thời điểm trước năm 2000, nông dân ai trồng gì bán đó, bán không được thì cho hàng xóm. Quê ngoại tôi ở Tiền Giang và Tri Tôn (An Giang), trồng xoài rất nhiều nhưng đến mùa thu hoạch lại bán không được giá.
Trước thực trạng này, năm 1993, tôi quyết định xây dựng nhà máy chế biến rau quả với công suất lúc đó chỉ 5.000 tấn thành phẩm/năm. Sau đó đầu tư thêm phân xưởng chế biến phụ phẩm từ vỏ rau quả để ép viên dùng làm thức ăn gia súc, xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, với công suất thời gian đầu là 2.400 tấn thành phẩm/năm. Đây là hoạt động khép kín nhằm giải quyết lượng rác thải từ sản xuất rau quả.
Bước ngoặt cổ phần hóa
Sau 8 năm chuyển hướng sang đầu tư, sản xuất nông sản, tháng 6/2011, Antesco chính thức cổ phần hóa. Đây được xem là bước ngoặt đối với Công ty, vì thời điểm này không ít DN nhà nước đã cổ phần hóa không thành công. 51% cổ phần của Antesco được bán hết, HĐQT được thành lập, gồm 6 người, trong đó có một nông dân đại diện cho cổ phần nông dân.
Cổ tức được chi trả qua các năm cũng tăng dần, từ 8% năm đầu tiên lên 18 - 20% dự kiến năm 2014. Đầu tháng 12/2014, nhằm thực hiện chuỗi liên kết rau màu, Antesco đã được Ngân hàng Nhà nước cho vay gần 6 triệu USD để xây dựng nhà máy công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, dự kiến tháng 7/2015 sẽ đi vào hoạt động.
Tính đến thời điểm này, mỗi năm Antesco tiêu thụ khoảng 150.000 - 170.000 tấn rau quả, giải được bài toán đầu ra cho gần 2 triệu nông dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mở rộng nhà máy đồng nghĩa mở rộng vùng nguyên liệu, làm sao ông có thể huy động nông dân trồng cây cho Công ty khi họ vẫn thường chuyển đổi cây trồng nếu mùa vụ không thành công?
- Thú thật, ban đầu cũng rất khó. Chúng tôi khó về vùng nguyên liệu, nguyên liệu sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm... không chỉ phải đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước mà còn cả tiêu chuẩn quốc tế. Cách làm của tôi là nhập khẩu giống, bán chịu cho nông dân, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của họ với giá cụ thể, người làm chứng là đại diện Hội Nông dân.
Chúng tôi tính toán để nông dân thấy được lợi nhuận thu được khi trồng rau quả bán cho Antesco, và luôn ưu tiên cho nông dân trả tiền vật tư, phân bón... sau mùa vụ, với điều kiện họ phải thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng. Ví dụ, với 1kg giống sẽ cho bao nhiêu cây, một cây cho bao nhiêu quả.
Tính ra 1kg giống trồng trên một công đất lời từ 2 - 3 triệu đồng, nếu làm không đúng quy trình, nông dân sẽ chỉ còn 1 triệu, thậm chí lỗ. Chúng tôi làm như vậy để buộc nông dân phải ý thức làm đúng theo chỉ dẫn kỹ thuật của Công ty. Nếu nông dân có kỹ thuật tiên tiến hơn, Công ty sẽ khuyến khích và thưởng, chúng tôi xem đây là cách tạo đòn bẩy cho nông dân an tâm hợp tác.
Nhưng nếu kiểm tra thấy dư lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn quy định, chúng tôi sẽ không thu mua sản phẩm. Thẳng thắn mà nói, nông dân rất khó tính nhưng nếu mình thực hiện đúng những gì đã cam kết với họ thì họ lại rất "dễ thương".
Ngoài ra, với một số hộ nông dân trồng cây tốt, tôi sẵn sàng cho vay tiền với lãi suất bằng ngân hàng (khoảng 6,5%/năm) để nuôi bò. Nếu họ nuôi bò cũng tốt, Công ty không lấy lãi luôn. Có như thế mới thuyết phục được nông dân chịu làm ăn với mình. Và nhờ vậy mà tôi tạo được vùng nguyên liệu rất ổn định.
Áp giá trong hợp đồng được xem là một rủi ro lớn đối với nhiều DN bao tiêu đầu ra cho nông dân?
- Thật ra chúng tôi cũng tính toán rất kỹ về đầu ra. Ví dụ, chúng tôi chỉ ký hợp đồng với nông dân theo giá A hay giá F sau khi đối tác nước ngoài đến kiểm tra nhà xưởng, vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến, cách quản lý, trình độ nông dân..., thấy tất cả các khâu đều đạt yêu cầu và ký hợp đồng có kỳ hạn với chúng tôi.
Làm như vậy chúng tôi cũng an tâm hơn trong thu mua và có thể tăng 5 - 10% cho nông dân. Nếu nông dân không bán sản phẩm cho Công ty như đã ký kết trong hợp đồng, chúng tôi sẽ phạt, nhưng cũng may là trường hợp này không nhiều, thỉnh thoảng mới xảy ra, vì hiện nay có vấn đề cạnh tranh.
Tôi đầu tư giống, kỹ thuật... dẫn đến chi phí cao, tôi thu mua của nông dân 10.000đ/kg sản phẩm, các DN nước ngoài hoặc trong ngành mua cao hơn 500đ/kg, thế là một số nông dân bán cho họ. Tôi phát hiện ra và lần sau không bán giống cho những nông dân này nữa.
Giống chúng tôi độc quyền vì sản phẩm phải đúng giống đó DN nước ngoài mới mua. Làm mạnh tay vậy nên nông dân cũng sợ, nhưng đây quả là bài toán rất khó giải. Trong buổi họp của Hiệp hội Rau quả Việt Nam mới đây, DN Thanh Long Hoàng Hậu cũng nêu vấn đề tương tự với trái thanh long.
Rau quả Việt Nam trước nay vẫn không thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, hay tranh mua tranh bán giữa nông dân và các DN. Theo ông mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
- Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì Nhà nước nên quy hoạch một vùng nguyên liệu ổn định. Theo cam kết khi gia nhập WTO, Nhà nước không thể hỗ trợ cho DN, nhưng nếu có vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất lớn, giá thành sẽ giảm.
Tuy nhiên, Nhà nước có thể hỗ trợ nông dân hệ thống tưới tiêu. Tôi thấy địa phương nào có thế mạnh về cây nào thì nên trồng cây đó, chứ giờ mạnh ai nấy trồng, diện tích manh mún, chất lượng không đồng đều thì làm sao giá cả ổn định được.
Việc quy hoạch vùng trồng phải có đầu ra mới tốt cho nông dân. Các DN phải làm điều đó nhưng Antesco thì không thể độc hành?
- Chắc chắn như vậy! Hiện nay, tôi thấy khu vực đồng bằng sông Cửu Long không chỉ dồi dào rau quả mà còn những mặt hàng khác, điển hình như thủy sản. Nhưng cũng đã có chuyện DN nuôi cá không ai mua, hay trồng rau quả cũng thế. Tại sao như vậy? Vì các DN chỉ biết cạnh tranh với nhau.
Muốn đi xa, ra biển lớn thì hãy cùng nhau lên thuyền lớn để đi, tức là các DN phải có sự hợp tác. Thấy đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nhà máy chế biến rau quả, tôi rất mừng và mong sao các DN đừng cạnh tranh theo kiểu triệt phá nhau, ngay trên sân nhà. Hãy làm sao để DN và nông dân cùng sống!
Ông đã bàn luận vấn đề này với nhiều DN?
- Vừa qua, trong cuộc họp của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, được biết nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều trái cây nhưng cơ sở chế biến không nhiều, tôi sẵn sàng hợp tác.
Hiện nay, Antesco đang chế biến gần 70 mặt hàng trái cây, nên cần rất nhiều sự hợp tác. Thậm chí, các DN khác ngành nhưng có khách hàng nước ngoài muốn mua rau quả thì có thể giới thiệu cho Antesco. Liên kết như vậy sẽ tạo nên sức mạnh.
Khi các hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, người ta hay nhắc đến chuyện quốc tế hóa DN. Ông có đồng tình với việc các DN trong nước cũng cần thay đổi độ nhận biết để hòa nhập cùng xu hướng?
- DN Việt cần quan tâm đến sản phẩm của mình, sẽ còn rất nhiều điều phải làm, không chỉ có FTA Hàn Quốc vừa ký kết, mà còn FTA với các nước, rồi TPP... Thời cơ nhiều mà thách thức cũng rất lớn.
Ngoài các yếu tố như nguyên liệu, thiết bị sản xuất, con người..., chúng tôi còn phải đảm bảo ba tiêu chí: chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá rẻ. Việc này không dễ thực hiện, nhưng nếu DN Việt Nam muốn bán được hàng và trên hết là trụ được trên đất nước mình thì phải học hỏi và thay đổi.
Theo Lê Loan