Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đừng chỉ cổ vũ doanh nghiệp bằng huân, huy chương
Phó Thủ tướng cho rằng, những nhân tố, yếu tố giúp tăng sự cạnh tranh bình đẳng phải được cổ vũ. “Cổ vũ ở đây không chỉ bằng huân chương, huy chương, không chỉ bằng danh hiệu, mà quan trọng hơn phải cổ vũ bằng phân phối nguồn lực, giúp họ tiếp cận được tài nguyên, đất đai, vốn liếng cho những người phát triển tốt”...
Nội dung nổi bật:
- “Chúng ta không nên hài lòng khi Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm, chiến tranh đã qua đi 40 năm, mà tại các làng quê vẫn còn nhiều vấn đề. Chúng ta tự hào người Việt Nam có truyền thống cần cù, khó mấy cũng vượt qua, mà đất nước vẫn đang phát triển ở mức trung bình thấp, rồi cả về năng suất lao động".
- Muốn phát triển bền vững thì phải phát triển trước đã. Mà muốn phát triển, môi trường kinh doanh nhất định phải được cải thiện. Những gì còn chưa hoàn thiện, gây vướng mắc, còn cản trở sự cạnh tranh bình đẳng thì nhất định phải gỡ bỏ. Những nhân tố, yếu tố giúp tăng sự cạnh tranh bình đẳng, cởi mở... phải được cổ vũ.
- Cổ vũ ở đây không chỉ bằng huân chương, huy chương, không chỉ bằng danh hiệu, mà quan trọng hơn phải cổ vũ bằng phân phối nguồn lực, giúp họ làm sao tiếp cận được tài nguyên, đất đai, vốn liếng cho những người phát triển tốt...
Không bi quan quá với năng suất lao động
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015 sáng 14/5, Phó Thủ tướng Võ Đức Đam cho rằng: Chúng ta đừng quá bi quan về năng suất lao động.
“Chúng ta không nên hài lòng khi Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm, chiến tranh đã qua đi 40 năm, mà tại các làng quê vẫn còn nhiều vấn đề. Chúng ta tự hào người Việt Nam có truyền thống cần cù, khó mấy cũng vượt qua, mà đất nước vẫn đang phát triển ở mức trung bình thấp, rồi cả về năng suất lao động. Đương nhiên, là một nước không có thu nhập cao thì năng suất lao động không thể cao”.
“Nói theo chiều ngược lại, chúng ta cũng không nên quá bi quan. Năng suất lao động nếu thấp như vậy, làm sao doanh nghiệp Việt Nam bán hàng ra thế giới? Làm sao kinh tế Việt Nam tăng trưởng được” – Phó Thủ tướng nói.
Dù rằng kinh tế ttăng trưởng liên tục chỉ chưa đến 6%, số người có thu nhập thấp còn nhiều, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam không lựa chọn giải pháp chỉ tập trung vào phát triển những ngành, khu vực năng động để phát triển nhanh hơn, mà ngay từ đầu đã chọn ưu tiên phát triển cân bằng cho vùng sâu, vùng xa...
“Nếu có 1 đồng đầu tư vào Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng tất có lợi hơn là đầu tư vào Đồng Văn, Mèo Vạc, Tây Ninh... Nhưng Việt Nam đã lựa chọn. Và chúng ta không quá bi quan”.
Đừng cổ vũ doanh nghiệp bằng huân chương, huy chương
Nói đến vấn đề phát triển bền vững trong doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp chỉ cần quan tâm hơn đến phát triển bền vững, chưa cần cao siêu mà chỉ cần đổi mới công nghệ, chưa cần tăng thêm tiền làm từ thiện mà chỉ cần đổi mới quản trị... sao cho tài nguyên tiết kiệm hơn một chút.
“Đứng trước sự lôi kéo, thôi thúc phải làm những việc chộp lấy tư duy kinh doanh một cách ngắn hạn, hãy tư duy một chút về đạo đức kinh doanh, về tương lai sau này, thì chúng ta vẫn có thể ở một tầm cao mới. Chúng ta dù nhỏ, nhưng xã hội vẫn sẽ nhìn thấy” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững thì phải phát triển trước đã. Mà muốn phát triển, môi trường kinh doanh nhất định phải được cải thiện.
“Những gì còn chưa hoàn thiện, gây vướng mắc, còn cản trở sự cạnh tranh bình đẳng thì nhất định phải gỡ bỏ. Những nhân tố, yếu tố giúp tăng sự cạnh tranh bình đẳng, cởi mở... phải được cổ vũ”.
“Cổ vũ ở đây không chỉ bằng huân chương, huy chương, không chỉ bằng danh hiệu, mà quan trọng hơn phải cổ vũ bằng phân phối nguồn lực, giúp họ làm sao tiếp cận được tài nguyên, đất đai, vốn liếng cho những người phát triển tốt (năng suất cao, tăng trưởng bền vững...), làm sao tất cả những gì làm môi trường kinh doanh méo mó để những doanh nghiệp không phát triển bền vững mà vẫn có nguồn lực phải được ngăn chặn, xóa bỏ” – Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh.
Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, rồi một loạt hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp ký kết, quốc gia nào cũng còn một số rào cản kinh tế để gián tiếp hay trực tiếp có lợi cho doanh nghiệp nước mình.
“Nhưng đến một lúc nào đó, nền kinh tế buộc phải mở. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, mà là tất cả doanh nghiệp trên thế giới”.
“Chúng ta đang đứng trước những thách thức rất lớn. Nếu không cùng nhau để có tầm nhìn xa hơn, đến một lúc nào đó, sự cố gắng phát triển của chúng ta, tôi không nói là vô nghĩa, nhưng sẽ bớt đi ý nghĩa rất nhiều” – Phó Thủ tướng nói.
“Nếu chúng ta đi một mình thì có thể đi nhanh (có thể thôi), nhưng đi cùng nhau thì có thể đi xa. Chúng ta không lo những thứ trước mắt, tìm mọi cách theo quy định của pháp luật để tìm kiếm phương thức kinh doanh trong ngắn hạn, nhưng không có tầm nhìn dài hạn, thì Việt Nam, dù rằng trong mấy năm tới có thể phát triển nhanh hơn, nhưng 20 - 30 năm nữa, chúng ta - những người khi ấy lên ông, lên bà - sẽ thấy”.
>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hãy để yêu thương ngự trị trên oán giận
Bảo Bảo