Những doanh nhân Việt có tấm lòng vàng
Ông Lê Văn Kiểm- Chủ tịch HĐQT Công ty Long Thành là một trong những doanh nhân Việt có tấm lòng vàng ít nhiều được mọi người biết đến.
“Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó” là câu nói nổi tiếng của Bill Gates mà ai cũng từng nghe qua. Nếu nghe qua bạn sẽ có cảm giác Bill Gates thật phũ phàng nhưng chính ông lại là người đang miệt mài theo đuổi những công việc từ thiện giúp thế giới bớt bất công, xóa đói giảm nghèo.
Tại Việt Nam cũng có một doanh nhân hợp tác với Bill Gates trong lĩnh vực từ thiện, đó là ông Lê Văn Kiểm- Chủ tịch HĐQT Công ty Long Thành. Ông Kiểm là một trong những doanh nhân Việt có tấm lòng vàng ít nhiều được mọi người biết đến.
Doanh nhân Lê Văn Kiểm- ông chủ sân golf Long Thành
Ông Kiểm là một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980 cũng là người lập ra một trong những doanh tư nhân đầu tiên tại Việt Nam- công ty may Huy Hoàng. Tuy nhiên con đường kinh doanh của ông xuất phát từ cuối thập niên 1970 khi ông vừa làm cán bộ tại bộ Giao thông công chánh cũ vừa cùng vợ sản xuất thức ăn gia súc. Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng giúp vợ chồng ông bà kiếm được rất nhiều tiền.
Thành công với thức ăn chăn nuôi, vợ chồng ông Kiểm lại tiếp tục nghiên cứu sản xuất sơn, bột màu xây dựng và tích lũy được cả ngàn cây vàng. Giai đoạn 1988-1990, công ty Huy Hoàng chuyển hướng sang gia công, xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Đông Âu và đổi xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước.
Sau khi tích lũy được nhiều vốn, vàng, ông Kiểm lấn sân sang bất động sản và cùng một số cổ đông thành lập ngân hàng Châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên khủng hoảng tài chính khiến thị trường bất động sản đóng băng kéo theo nợ nần chồng chất với công ty Huy Hoàng.
Bên cạnh việc ưu ái của Bộ Chính trị cho phép giãn nợ, khoanh nợ và không “hình sự hóa” vụ việc công ty Huy Hoàng, ông Kiểm bán số vàng tích lũy trả được hết nợ, chuộc lại đất từng vận động thân nhân cho vay trước đây. Sau khi trả được hết nợ, ông Kiểm đầu tư thành công dự án sân Golf Long Thành.
Vốn xuất thân nghèo khổ, mồ côi cha từ năm 4 tuổi ông Kiểm lớn lên nhờ sự đùm bọc chở che của đồng đội cha mẹ, nghĩa tình này luôn được ông ghi nhớ và sau này khi làm ăn thành công, ông Kiểm nguyện có trách nhiệm chia sẻ với tất cả những người đang gặp khó khăn, đặc biệt là những người cống hiến cho nền độc lập tự do của đất nước. Vợ chồng ông Kiểm bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập nhiên 1990. Theo thống kê, tính đến 2014 gia đình ông Kiểm đóng góp cho hoạt động từ thiện bằng nhiều hình thức lên tới 400 tỷ đồng.
Năm 2014, Ông Kiểm còn cam kết đóng góp 25 triệu đôla chung với quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates, Bill and Melinda Gates Foundation, để lập quỹ Vietnam Health Fundphục vụ các hoạt động y tế từ thiện tại Việt Nam. Theo đó, đôi bên thống nhất sẽ cùng nhau đóng góp cho quỹ này 50 triệu đô la trong vòng 5 năm tới. Ông Kiểm sẽ tặng quỹ 5 triệu đô la mỗi năm, trong khi Quỹ của vợ chồng Gates cũng sẽ trích một khoản đóng góp tương đương hằng năm.
Chủ tịch tập đoàn Him Lam Dương Công Minh
Ngoài việc làm chủ tịch doanh nghiệp bất động sản Him Lam, ông Minh còn là chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, CTCP Chứng khoán Liên Việt, CTCP Him Lam, CTCP Liên Việt Holdings. Nếu xếp theo vốn điều lệ, Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ lớn nhất với 6.500 tỷ đồng, (VinGroup có vốn điều lệ 9.300 tỷ đồng).
Vốn xuất thân từ quân nhân, từ năm 1984-1993 ông Minh công tác tại công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ duyên dẫn ông Minh đến với con đường bất động sản là sự kiện phải bán nhà để trả nợ cho thương vụ xuất nhập khẩu trái cây bị lỗ của công ty TNHH thương mại Him Lam thủa ông mới lập nghiệp.
Ông Minh được xem là vị đại gia làm từ thiện kín tiếng khi bỏ tiền túi đầu tư xây dựng trường Dân tộc nội trú ở Hậu Giang với số vốn 75 tỷ đồng, trường học ở Củ Chi 37 tỷ đồng, trường mầm non Phì Điền với diện tích 5.000m2 trị giá 17 tỷ đồng, 2 trường học ở Bắc Kạn và Bắc Giang mỗi trường 17 tỷ đồng. Theo dự kiến, đến năm 2020, Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh sẽ tặng mỗi tỉnh thành trên toàn quốc một trường học mà số tiền bỏ ra ở cho mỗi điểm đều lên tới hàng chục tỷ, có nơi xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Ngoài ra ông chủ Him Lam còn là người khởi xướng dự án trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam và đã được Chính phủ phê duyệt: Fulbright University.
“Chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Mới đây trận mưa lũ lớn nhất trong 40 năm tại Quảng Ninh gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho địa phương này. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, đợt mưa lũ này còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Ngày 29/7, ngay sau khi tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ bản MTTQ tỉnh Quảng Ninh ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào Quảng Ninh bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, doanh nhân Đào Hồng Tuyển đã thông qua Báo Quảng ninh ủng hộ siêu xe Rolls Royce Phantom bằng hình thức đấu giá.
Để sớm có tiền hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lụt, chiếc xe đã được bán cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với giá 9 tỷ đồng mà không qua đấu giá. Trước đó ông Tuyển cũng đã ủng hộ 2 tỷ đồng thông qua sự tiếp nhận của Ban cứu trợ tỉnh Quảng Ninh. 2 ngày sau, tập đoàn Tuần Châu tiếp tục gửi thông báo đón nhận người dân vùng lụt đến ăn ở miễn phí tại 1.000 phòng ngủ từ 3-4 sao của khu du lịch quốc tế Tuần Châu. Số lượng phòng này có thể phục vụ cho 10.000 người đến ăn ở.
Khu du lịch quốc tế này được hình thành từ quyết định táo bạo của ông Tuyển khi bỏ ra 80 tỷ đồng lấp biển để xây dựng con đường duy nhất nối Tuần Châu với đất liền. Sau đó ông Tuyển xây dựng hàng loạt công trình vui chơi và nghỉ dưỡng tại hòn đảo này và tên tuổi ông gắn với biệt danh “chúa đảo”. Hiện tại, ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh), ông Đào Hồng Tuyển còn sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân.
Ông Tuyển còn được biết đến với hàng loạt hoạt động từ thiện khác như tặng biệt thự trị giá 3 triệu USD cho viện nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam, ủng hộ 1 triệu USD cho Nhật Bản sau thảm họa sóng thần tại nhà máy điện hạt nhật Fukushima, tặng căn biệt thự 12 tỷ đồng cho Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam bán đấu giá ủng hộ cho các nạn nhân bão số 7 năm 2005,…
Ngoài 3 tỷ phú trên, còn không ít doanh nhân âm thầm làm từ thiện nhưng khó có thể tìm được thông tin về những việc họ làm như ông chủ tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, doanh nhân phật tử Lê Phước Vũ của tập đoàn Hoa Sen.