Người khai sinh ra dầu gội X-Men: 'Muốn làm chủ tốt, hãy đi làm thuê 10 năm đã'

23/05/2014 14:00 PM |

Khi lập công ty, có ba lĩnh vực phải trải qua. Đó là thương mại, sản xuất và quản lý. Tôi đã bỏ ra 10 năm làm việc cho các công ty đa quốc gia để tích lũy những điều ấy

Nội dung nổi bật:

- TS. Phan Quốc Công là người khai sinh ra thương hiệu ICP và nhãn hiệu X-Men hiện vẫn được Marico (công ty mua lại ICP) tín nhiệm và điều hành công ty cho tới thời điểm này.

- Mục tiêu của nghiệp doanh nhân: xây dựng 1 mô hình công ty nhỏ và vừa có thể hoạt động chuyên nghiệp và áp dụng được cho số đông doanh nghiệp (DN) Việt Nam. "Minh bạch, không giấu doanh số, không né cái này, cái kia." 

- Về việc bán lại DN:  Một thương hiệu khi sinh ra quan trọng nhất là tạo tiếp cho nó con đường đi để nó phát triển. Mười năm qua, ICP đã đi đúng lộ trình như vậy. Nếu cứ coi DN mình sáng lập ra là đứa con tinh thần và giữ con bên mình hoài thì nó sẽ mãi là một đứa bé.

- Có nên trở thành chủ DN: "Quy luật 10.000 giờ". Nếu muốn xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó thì bạn phải trải qua 10.000 giờ (10 năm) rèn luyện.

Khi lập công ty, có ba lĩnh vực phải trải qua. Đó là thương mại, sản xuất và quản lý. Tôi đã bỏ ra 10 năm làm việc cho các công ty đa quốc gia để tích lũy những điều ấy

TS. Phan Quốc Công là người khai sinh ra thương hiệu ICP và nhãn hiệu X-Men một thời là điển hình của sự thành công được nói đến trên nhiều diễn đàn về marketing, thương hiệu. Năm 2010, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông Công bất ngờ bán đến 85% cổ phần trong Công ty cho Marico, một đối tác đến từ Ấn Độ. Và sau thương vụ này, dường như ông "im hơi lặng tiếng" trước báo giới, trong khi dư luận tỏ ra tiếc nuối cho một thương hiệu Việt Nam còn dang dở...

* Nghe nói ông vừa nhận thêm nhiệm vụ mới tại Marico?

- Đúng vậy. Bắt đầu từ tháng 3/2014, tôi được Marico giao thêm nhiệm vụ phụ trách kinh doanh cho Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.

Sau 3 năm điều hành ICP khi có sự tham gia của Marico, doanh thu của Công ty tăng trưởng đều với tốc độ bình quân 30%/năm. Trong điều kiện kinh tế khó khăn mà đạt được kết quả như vậy không phải dễ và điều này đã tạo nên sự tin tưởng của Marico đối với đội ngũ nhân sự của ICP.

* Nhưng đa phần doanh nhân sau khi bán cổ phần thì rời khỏi công ty và chọn hướng đi khác, ông lại không làm thế?

- Theo thỏa thuận giữa hai bên thì tôi sẽ điều hành ICP trong thời hạn 3 năm (từ 2011 - 2013). Sau 3 năm làm việc cùng Marico, tôi thấy Công ty phát triển tốt và bản thân mình cũng có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc với đối tác nên khi họ yêu cầu tiếp tục điều hành, tôi đã nhận lời. Hơn nữa, việc này không chỉ mở ra cơ hội cho bản thân tôi mà cho cả đội ngũ của ICP.

Từ đây, nhân viên marketing bắt đầu được đưa qua các nước để làm việc, cọ xát thực tế. Việc mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á cũng tạo điều kiện mở rộng sản xuất tại Việt Nam và như vậy sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động trong nước. Một việc mang nhiều ý nghĩa tích cực như vậy thì lý do gì mình từ chối?

* Dường như đó chỉ là "bề nổi", là công việc hiện tại, sâu xa hơn, việc ở lại của ông còn có một ý nghĩa khác?

- Mỗi người có một mục đích khác nhau. Nói có vẻ hơi lý tưởng nhưng với tôi, kinh doanh bên cạnh kiếm tiền còn để thực hiện một ước mơ rất cụ thể. Đó là làm sao xây dựng được mô hình công ty nhỏ và vừa có thể hoạt động chuyên nghiệp và áp dụng được cho số đông doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Với mong muốn đó nên ngay từ ngày đầu thành lập, tôi xây dựng ICP thành một mô hình quản lý tập thể, dựa vào sức mạnh tập thể chứ không dựa vào một cá nhân nào. Quy tụ những anh em vốn dĩ đã làm việc ở những môi trường khác nhau, có tính cách khác nhau và làm sao để họ "cùng ngồi lại" với nhau là điều quan trọng.

Muốn vậy, phải xây dựng được chế độ làm việc, sự tưởng thưởng phù hợp với công lao mọi người đóng góp và quan trọng nhất là phải có sự minh bạch, tuân thủ những nguyên tắc đạo đức kinh doanh và luật pháp.

Khi tôi xây dựng mô hình này, nhiều người tỏ ra hoài nghi vì làm kinh doanh mà không giấu doanh số, không né cái này, cái kia là điều không bình thường. Thực ra, chúng tôi cũng phải trả giá cho điều này nhưng nếu mình làm tốt, làm một cách minh bạch, đàng hoàng thì phải làm đúng ngay từ đầu để tạo nếp cho công ty.

Tôi không phải là người mạnh mẽ, tài năng, mà chỉ có thế mạnh là có thể gắn kết mọi người cùng làm việc với nhau, và tôi nghĩ các DN Việt Nam cần mô hình đó.

Mười năm qua, chúng tôi đã tạo ra mô hình phù hợp với DN nhỏ và vừa của Việt Nam, tạo môi trường để các bạn trẻ được đào tạo từ những công ty khác nhau có thể cùng làm việc với nhau, và có sự cải tiến, đổi mới liên tục để đưa công ty đi lên.

Hiện nay tôi đang tìm kiếm mô hình một DN từ trong nước đi ra nước ngoài như thế nào. Đây là trải nghiệm mới nên cần thời gian để hiểu và học.

* Và ông đã chuẩn bị rất kỹ cho mô hình DN trong nước ra nước ngoài?

- Nếu nói chuẩn bị thì cũng không biết chuẩn bị như thế nào. Chỉ thấy rằng nó phù hợp với ước mơ của mình là đã hoàn thành quá trình 10 năm xây dựng mô hình DN nhỏ và vừa, và giờ đã đến lúc mình muốn thử nghiệm mô hình lớn hơn là đi ra thế giới.

Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi bắt tay vào làm ngay chứ không tìm hiểu xem chính xác là phải làm như thế nào. Tôi quan niệm, cứ làm hết mình, đi đến đâu đường sẽ mở ra đến đó và đừng ngần ngại sống hết mình.

Trong những điều mình làm bao giờ cũng có một số điều thành công và một số điều thất bại. Hãy coi những điều chưa thành công hoặc thất bại như bài học để rút kinh nghiệm.

* Được biết, sau khi bán cho Marico, cổ phần của ông tại ICP còn khá ít và thu nhập của ông chủ yếu đến từ lương. Vậy có thể hiểu vai trò của ông hiện nay là một người làm thuê hay làm chủ?

- Người Việt Nam mình hay coi trọng việc làm chủ hay làm thuê. Riêng bản thân tôi không để ý nhiều đến điều này, tôi chỉ quan tâm đến khía cạnh là một nhà đầu tư tài chính hay một người quản trị công ty.

Theo tôi, trong công ty có hai nhóm người. Một là những người đầu tư tài chính, nắm cổ phần và những người này chưa chắc tham gia vào hoạt động của công ty. Còn nhóm người quản trị công ty thì nằm trong ban điều hành và họ cũng có thể mua hoặc không mua cổ phần.

Có thể với một số người, phân biệt làm thuê - làm chủ vì thấy vai trò của mình thay đổi trong công việc hằng ngày. Trước kia, họ quyết định mọi việc nhưng sau khi bán cổ phần, họ không còn quyền hành nên thấy hai vai trò đó trở nên đối lập. Còn với tôi và nhiều anh em khác, điều này đã không xảy ra nên không có gì thay đổi.

Tôi vẫn ở trong ban quản trị, vẫn điều hành Công ty cùng nên công việc cũng giống như trước kia. Chẳng qua là trước đây tôi để tiền trong Công ty, còn bây giờ tôi đa dạng hóa đầu tư của mình bằng cách đầu tư chỗ này một ít, chỗ kia một ít để tránh "bỏ trứng vào một rổ”.

Tuy nhiên, từ khi gia nhập Marico - một công ty niêm yết thì đòi hỏi mình phải nâng cấp lên, cách quản lý cũng minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.

* Tạo dựng một công ty là cả một quá trình và nhiều người còn xem đó như đứa con tinh thần của mình. Bởi thế, khi chuyển giao cho người khác, nhiều doanh nhân đều tỏ ra tiếc nuối, thế nhưng ở ông dường như không có biểu hiện nào cho thấy điều này?

- Quả đúng là nhiều doanh nhân đều coi DN mình tạo dựng như đứa con tinh thần và những người thương con lúc nào cũng muốn con mình khỏe mạnh và trưởng thành. Nếu cứ giữ con bên mình hoài thì nó sẽ mãi là một đứa bé.

Một thương hiệu khi sinh ra quan trọng nhất là tạo tiếp cho nó con đường đi để nó phát triển. Mười năm qua, ICP đã đi đúng lộ trình như vậy.

Từ một DN nhỏ, ICP trở thành thương hiệu được toàn quốc biết đến và đi tiếp một hành trình mới là cho quốc tế biết. Làm như vậy đứa con của mình sẽ đi xa hơn, mạnh hơn và đó là điều làm tôi cảm thấy mãn nguyện hơn là cứ giữ khư khư nó trong nhà, bắt nó thuộc về mình, không cho nó cơ hội phát triển.

Trên thế giới, rất hiếm những thương hiệu có thể lớn mạnh được khi ở trong tay một người. Gần như ở các công ty đa quốc gia hiện nay, quyền sở hữu công ty thuộc về hàng triệu người. Nhờ có nguồn tài chính, nhân lực khổng lồ mà các thương hiệu đó mới lớn mạnh và đi xa được.

Thương hiệu X-Men cũng vậy thôi, nếu tôi tiếp tục giữ nó cho cá nhân mình thì khó có được sự phát triển như hôm nay. Nói nôm na thì thương con, cha mẹ nào cũng muốn tìm người tốt để dựng vợ gả chồng cho con, và nếu có thể thì đồng hành với nó trên hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ai cũng có giới hạn về thời gian, sức khỏe, trí tuệ, vì thế, nếu muốn một thương hiệu trường tồn thì không nên để nó bị giới hạn bởi bản thân mình. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều người sáng lập ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới và dù họ không còn nhưng khi nhắc đến các thương hiệu đó người ta vẫn nhớ đến họ.

* Vậy có khi nào ông nghĩ sau này khi nói đến ICP, X-Men, người ta sẽ nhắc đến cái tên Phan Quốc Công?

- Tôi nghĩ, điều đầu tiên người ta nhớ sẽ là ICP, X-Men là thương hiệu của Việt Nam. Đây là niềm tự hào của người Việt, trong đó có tôi. Tôi có thể được người trong nước biết đến, nhưng với nước ngoài thì người ta chỉ biết ICP, X-Men là thương hiệu của Việt Nam. Người sở hữu có thể thay đổi nhưng nguồn gốc là lịch sử rồi.

Nếu coi cuộc đời là một hành trình thì thương hiệu giống như một cái áo đẹp trong cuộc đời mình. Mỗi khi thành công, người ta lại được khoác một chiếc áo mới, nhưng nếu khoác quá nhiều áo sẽ trở nên nặng nề. Khi đi qua một chặng đường khác cũng nên mạnh dạn cởi bỏ cái áo cũ để mặc một chiếc áo mới.

ICP, X-Men là những chiếc áo khoác trên hành trình cuộc đời tôi và đến một lúc nào đó tôi phải bỏ áo cũ để mặc một chiếc mới hơn. Nếu cứ giữ làm của riêng mình, cho đó là một phần không thể tách rời của mình thì có thể sẽ bị giới hạn, hoặc bị chính chiếc áo cũ làm mình bị gò bó, và trong một số trường hợp còn làm mất đi sự tự do, hạnh phúc của mình.

Tôi nghĩ không gì có thể trường tồn mãi mãi với mình. Mình chỉ đóng một vai trò nào đó, trên một chặng đường nào đó mà thôi.

* Và ông cảm thấy hài lòng với những chặng đường mình đã trải qua?

- Tôi luôn hài lòng với cả thành công và thất bại. Một người chỉ vui khi thành công và rất buồn khi thất bại không phải là hình mẫu mà tôi hướng tới. Người như vậy khi thất bại có thể gục ngã và không bao giờ đứng dậy được nên đối với tôi, sự bình tâm là quan trọng nhất.

Sự bình tâm giữ mình khi quá vui hay quá hăng hái cũng không làm chuyện vượt quá sự cần thiết, và khi buồn cũng có thể đứng dậy đi tiếp. Sự bình tâm cho tôi sự ổn định trong công việc và cuộc sống.

ICP rất thành công trong các năm 2006, 2007 nhưng chưa từng đầu tư ra bên ngoài ngành hàng tiêu dùng. Thời điểm đó kinh tế phát triển, mọi người đang hứng khởi đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản nhưng chúng tôi không quá phấn khích đầu tư vào những ngành không quen thuộc.

Cũng chính nhờ sự bình tâm mà vào những năm khó khăn, trong khi nhiều DN nản chí, phải dừng lại thì công ty chúng tôi vẫn ổn định để đi tiếp. Và điều quan trọng là chúng tôi đã xây dựng được một cộng đồng mà mọi người cùng làm với nhau, cùng chia sẻ và cùng lớn lên.

Nhân viên trưởng thành hơn, tiến bộ hơn, thu nhập tăng lên và gia đình họ cũng phát triển. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi.

Có doanh nhân đã từng nói với tôi: "Anh sẽ không bao giờ trở thành người quá giàu". Tôi cũng không mong muốn thật giàu có, mà chỉ muốn trở thành người có ích cho xã hội.

* Là một trong những doanh nhân có tiếng tăm và đã ít nhiều đóng góp cho xã hội, theo ông, so với thế hệ trước, lớp doanh nhân hiện nay thế nào? Họ khởi nghiệp có khác với thời của ông ngày trước?

- Các bạn bây giờ được học nhiều hơn, có những người còn học ở nước ngoài về. Mỗi một giai đoạn có những yêu cầu, thách thức khác nhau nên yêu cầu đối với người lãnh đạo cũng khác nhau.

Có thể với giai đoạn trước, làm việc chăm chỉ, một mình gánh vác là tố chất quan trọng nhưng ở giai đoạn này, đối diện với xu hướng toàn cầu hóa thì thách thức đặt ra đã khác. Các DN đều thu nhận những nhân viên đến từ nhiều nơi khác nhau, nhiều quốc tịch khác nhau nên kỹ năng của người lãnh đạo cũng đòi hỏi khác.

Trước khi khởi nghiệp, tôi có 10 năm đi làm. Nhiều bạn trẻ cho rằng như vậy là quá lâu, dễ mất cơ hội. Đó cũng là một lựa chọn.

Quyển sách Những kẻ xuất chúng đã tổng kết những trường hợp thành công và đưa ra "quy luật 10.000 giờ". Nếu muốn xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó thì bạn phải trải qua 10.000 giờ (10 năm) rèn luyện.

Tuy nhiên, có thể có nhiều người khác nhau. Chẳng hạn như Bill Gates bỏ học đại học giữa chừng để khởi nghiệp, nhưng rất nhiều người không biết ông ấy đã lập trình từ năm 12 tuổi nên tính ra, trước khi khởi nghiệp ông ấy cũng đã có quá trình 10 năm làm việc. Còn rất nhiều những tấm gương khác nữa.

Tóm lại, có thể là 10.000 giờ, hoặc 8.000 giờ và cũng có thể là 7.000 giờ tùy theo khả năng của mỗi người, nhưng phải có sự chuẩn bị trước thì khi cơ hội đến mới có thể nắm bắt được. Còn nếu chưa chuẩn bị mà nôn nóng bắt đầu thì sẽ phải trả giá, hoặc công ty sẽ cứ nhỏ hoài mà không lớn lên được.

Các bạn trẻ có sự nhanh nhạy, nhưng nếu vừa có sự nhanh nhạy của thời đại mới, vừa có sự kiên nhẫn để tích lũy cho mình thì mới thành công.

Sự tích lũy và chuẩn bị sẽ giúp cho một cá nhân trở nên xuất sắc khi cạnh tranh với chính những người trong thế hệ của mình. Việc có sự chuẩn bị cần thiết rồi hãy khởi nghiệp là bài học luôn đúng muôn đời.

Học ở trường thì mọi người đều giống nhau, nhưng hơn nhau là sau khi rời khỏi trường họ tiếp tục chuẩn bị hành trình như thế nào. Điều này tạo cho họ sự khác biệt và nếu có sự chuẩn bị đủ lâu thì sự khác biệt đó càng lớn.

Với tôi, khi đã làm là làm hết mình. Khi lập công ty, có ba lĩnh vực phải trải qua. Đó là thương mại, sản xuất và quản lý. Làm kinh doanh nên phải biết sale, marketing là như thế nào, sản xuất ra làm sao và quản lý, sắp xếp nhân sự cho phù hợp.

Đó là những yếu tố căn bản cần phải học trước khi mở DN và tôi đã bỏ ra 10 năm làm việc cho các công ty đa quốc gia để tích lũy những điều ấy. Các bạn trẻ có thể rút ngắn thời gian hơn nếu họ đã trưởng thành từ môi trường công ty gia đình, hoặc được gia đình tạo điều kiện rèn luyện từ lúc còn rất trẻ.

* Nghe nói ông đã đầu tư vào Công ty PhinDeli, cùng với Phạm Đình Nguyên đưa cà phê PhinDeli vào đất Mỹ?

- Nếu không có dự án tiếp theo của Marico có thể tôi sẽ về làm với Phạm Đình Nguyên, nhưng quyết định ở lại nên tôi không tham gia trực tiếp được. Đối với tôi, những gì mình trực tiếp làm được thì sẽ mua cổ phần, còn không thì thôi. Tôi chưa bao giờ mua chứng khoán là vì vậy.

Đã bỏ tiền vào đâu thì phải cam kết dùng công sức của mình hỗ trợ cho công ty chứ không bỏ tiền vào rồi để đó. Với tôi, mỗi công ty là một đứa con, mà đã là con thì mình phải dành thời gian để chăm sóc nó, làm cho nó lớn mạnh hơn.

* Cùng lúc điều hành ba công ty tại Việt Nam (ICP, Thuận Phát và LOvité) và bây giờ là cả khu vực Đông Nam Á cho Marico, công việc có áp lực lắm không và ông có khuyến khích các con mình theo nghiệp cha?

- Phải nói là quá vất vả nên tôi sẽ không khuyến khích các con đi theo con đường kinh doanh. Ngay cả các anh em trong nhà tôi cũng khuyên họ như vậy.

Có những người phù hợp làm doanh nhân và những người sẽ hạnh phúc hơn khi làm ngành khác. Tôi không khuyến khích và cũng không thích số đông làm doanh nhân vì như vậy sẽ tạo ra ảo tưởng.

Không nên tạo ra phong trào mà tập trung vào chất lượng, tạo dựng những DN lớn để có nhiều cơ hội thành công hơn. Nếu khuyến khích lập DN thì cũng nên khuyến khích sự hợp tác. Những người không có động cơ, mục tiêu rõ ràng mà nếu chạy theo ảo tưởng sẽ rất dễ thất bại.

Có người nói làm thuê cực quá, muốn mở công ty để làm chủ nhưng làm chủ còn cực hơn và nhiều khi thu nhập ít hơn làm thuê. Về lâu dài, có thể có nhiều tiền hơn nhưng trước mắt phải hy sinh nhiều thứ. Chỉ những người nào ý thức được điều này mới có thể vượt qua, còn những người làm theo phong trào chắc chắn sẽ thất bại.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!


Theo Hồng Nga

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM