Michael Dell: Mục tiêu lớn mới có thể nghĩ lớn!
Con đường đơn giản nhất, ít phức tạp nhất thường là con đường thành công nhất. – Michael Dell.
Với nỗ lực cung cấp cho con người một sản phẩm luôn cải tiến với giá rẻ, Dell là hình mẫu của Henry Ford trong lĩnh vực công nghệ. Cũng giống như Henry Ford đã làm với xe hơi, mục đích của Dell là khám phá bí mật của việc mua và sử dụng một chiếc máy tính.
Bằng cách bán hàng trực tiếp và loại bỏ trung gian, Dell có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất. Từ đó, khách hàng của công ty luôn có được sản phẩm tốt với giá cả phải chăng. Sau đây là những bài học thành công được đúc kết từ sự nghiệp của Michael Dell.
Suy nghĩ trái với lệ thường
Hãy tin vào điều bạn đang làm. Nếu một ý tưởng thực sự có tác động lớn và giúp cuộc sống trở nên tốt hơn thì bạn chỉ cần không quan tâm đến những người nói với bạn rằng ý tưởng sẽ không thực hiện được và tuyển những người đi theo tầm nhìn của bạn vào công ty.
Nhiều người nói với Dell rằng việc bán máy tính trực tiếp sẽ không thực hiện trên quy mô lớn được. Nhưng điều này cũng chẳng làm Dell nao núng. “Thật thú vị khi làm những điều mà ai cũng nghĩ là không thể làm được", ông nói. Do đó, thách thức cách làm theo quy ước hàng ngày trở thành một yếu tố căn bản của văn hóa công ty của Dell.
Tạo cơ hội cho nhân viên phát huy ý tưởng
Mỗi người chúng ta đều có ít nhất một ý tưởng. Và một số trong rất nhiều ý tưởng đó thật sự xuất sắc. Một phần công việc nhà lãnh đạo là tạo cơ hội cho sự phát huy không giới hạn tiềm năng phát triển của nhân viên bằng cách lắng nghe các ý tưởng tuyệt vời của họ.
Tại công ty, nhân viên của Dell được khuyến khích phải suy nghĩ như những người chủ công ty. Họ sẵn sàng chiến đấu chỉ để có thể nêu lên một ý tưởng. Việc làm này luôn được Dell đánh giá cao, bởi đó cũng là cách ông bắt đầu sự nghiệp của chính mình.
Thiết lập mục tiêu lớn mới có thể suy nghĩ lớn
Cuối năm 1986, công ty lập mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD và mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế. Vào năm 1992, con số này đã đạt gấp đôi, cả về doanh thu lẫn quy mô. Kinh nghiệm từ việc này là nếu bạn lập kế hoạch lớn, nó sẽ giúp bạn suy nghĩ về cách thức để thực hiện nó.
Thích nghi với sự thay đổi
Dell nói: “Xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Fortune không bảo đảm điều gì cho bạn cả.” Trong nghành công nghiệp máy tính, không ai được phép ngủ quên trên chiến thắng. Bạn đang ở trong môi trường luôn thay đổi, để tồn tại và thích nghi, bạn phải là một người ham học hỏi, và biết rút kinh nghiệm từ những thành công lẫn thất bại. Điều này sẽ giúp bạn dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và chuẩn bị cho nó.
Cho nên, Dell thường tranh thủ lướt web sau khi các con của ông đã đi ngủ để tìm hiểu người ta nói gì về công ty ông trên các diễn đàn, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Tập trung vào khả năng của bạn, không phải của đối thủ
Một bí quyết đơn giản, thường dễ bị lãng quên trong sự căng thẳng của thế giới kinh doanh nhưng lại hỗ trợ bạn có những giải pháp sáng tạo. Đừng hành động vì sợ sệt, đo lường khả năng của mình không phải với người khác mà phải bằng tiêu chuẩn tuyệt đối của sự xuất sắc.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất, tập trung làm một số ít việc nhưng phải làm thật tốt
Dell thường nói rằng ở trường học không ai dạy ông cách điều hành công ty hàng tỷ đô. Sự tăng trưởng dữ dội cũng chính là một vấn đề bởi nó khiến ông không nhìn thấy được những thước đo quan trọng hơn lợi nhuận và dòng tiền. Đó là giá trị so với sự tăng trưởng. Giải pháp được Dell áp dụng cho đến ngày hôm nay là nhấn mạnh vào sự kiện hiện tại và dữ liệu quá khứ. Điều này nhằm mục đích để công ty tập trung vào làm một số ít việc nhưng làm tốt hơn.
Chẳng hạn như thay vì cố gắng sản xuất ra một dòng máy tính xách tay mới, công ty tập trung cải tiến sản phẩm Dell Latitude. Đó là chiếc máy tính xách tay đầu tiên có pin bằng ion lithi có thể dùng trong nhiều giờ. Đó là một sản phẩm mang lại thành công vang dội cho công ty. Từ bài học đó, ông nghiệm ra một điều rằng: “Chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng biết được những việc sẽ không thực hiện cũng quan trọng như biết việc chúng tôi sẽ làm".
>> Ông chủ hãng máy tính Dell: Hành trình hai lần khởi nghiệp
Đinh Lộc