Dell 'trả đũa' tuyên bố tách đôi của HP: Tiếp tục cuộc chiến muôn thuở

10/10/2014 07:44 AM | Kinh doanh

Cả HP và Dell đều đưa ra nghi ngờ về khả năng thành công của bước đi mới, đồng thời chất vấn cam kết của đối thủ trong việc phục vụ khách hàng.

Quyết định tách đôi công ty - một đảm nhận mảng máy tính, máy in và một chuyên về phần cứng, dịch vụ cho nhóm khách hàng doanh nghiệp là bước ngoặt lớn trong kế hoạch 5 năm nhằm đưa HP quay trở lại thời hoàng kim. Vậy thì lúc nào là thích hợp hơn để Dell trả đũa HP, đối thủ lớn nhất của mình?

Ngay sau khi HP thông báo tách đôi, Dell nhanh chóng có những hành động dường như muốn hớt tay trên khách hàng của HP. “Dell hoàn toàn chú trọng vào các khách hàng và đối tác của mình. Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp những giải pháp công nghệ thông tin mà họ cần”, David Frink, một phát ngôn viên của Dell khẳng định với hãng tin Bloomberg. “Quyết định của HP thật rắc rối và có vẻ như nó sẽ làm lợi cho HP và cổ đông hơn là khách hàng”.

Frink cũng phát biểu trên tờ Austin American-Statesman rằng HP khó có thể hoàn toàn tách đôi các hoạt động kinh doanh của mình và quá trình tương tự ở những công ty lớn “thường mất hàng năm trời để hoàn thiện”.

Những lời phản pháo của Dell dành cho HP nghe có vẻ quen thuộc? Đó là bởi thực ra Dell đang trực tiếp lặp lại lời HP phát biểu hơn một năm trước, thời điểm Dell lần đầu tuyên bố kế hoạch tư nhân hóa do CEO kiêm nhà sáng lập của hãng Michael Dell cùng Silver Lake Management - công ty chuyên mua bán cổ phần của các công ty khác thực hiện. Khi Dell thông báo về việc tư nhân hóa như một bước đi trong kế hoạch vực dậy doanh nghiệp, HP đã nhắn nhủ rằng Dell còn “một chặng đường vô cùng gian nan phía trước”.

“Dell đang đối mặt với một thời kỳ chuyển tiếp đầy trắc trở. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến các khách hàng”, HP phát biểu hồi tháng 2/2013. “Và với số nợ lớn như vậy, khả năng đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới của Dell sẽ rất hạn chế. Việc mua lại công ty từ cổ đông bằng vốn vay sẽ kìm hãm sự đổi mới và khiến các khách hàng hiện tại gặp rắc rối. Chúng tôi tin rằng khách hàng của Dell giờ đây sẵn sàng tìm kiếm sản phẩm thay thế, và HP sẽ tận dụng triệt để cơ hội này.”

Giọng điệu và nội dung của hai lời bình luận gần như giống nhau: Đưa ra nghi ngờ về khả năng thành công của bước đi mới, đồng thời chất vấn cam kết của đối thủ trong việc phục vụ khách hàng.

Tất nhiên, khó có thể trông chờ điều gì khác từ hai đối thủ quá lâu đời này. Không chỉ tranh giành khách hàng suốt nhiều năm liền, hai hãng công nghệ còn đối đầu trong việc mua lại công ty khác. Chẳng hạn như năm 2012, HP đã mua lại 3PAR với giá 2,35 tỷ USD sau gần một tháng giằng co với Dell.

Chẳng nói đâu xa, mới đây cả hai công ty đều được gã khổng lồ về lưu trữ thông tin EMC Corporation liên hệ để bán lại các hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi tháng trước, cuộc trao đổi mua bán giữa EMC và HP kết thúc mà không thể thống nhất được các điều khoản tài chính, CEO của HP Meg Whitman cũng không bác bỏ khả năng hai hãng này sáp nhập làm một.

Khi phát biểu tại hội thảo “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới” do Fortune tổ chức, Whitman cho biết chiến lược M&A (mua lại và sáp nhập) của công ty sẽ “dựa trên lợi ích tốt nhất cho các cổ đông”.

>> HP trước biến cố 'cưa đôi' doanh nghiệp

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM