Cựu CEO Ogilvy: 'Hãy nói ý kiến của mình ra. Sẽ chẳng ai đuổi việc bạn đâu'
Với Shelly Lazarus, "là chính mình" là bí quyết đầu tiên khi xây dựng thương hiệu cá nhân.
Shelly Lazarus đã gia nhập Ogilvy trong hơn 40 năm. Khi bà bắt đầu làm cho công ty từ năm 1971, bà là một trong nhóm nhỏ những người phụ nữ tham gia vào ngành quảng cáo. 26 năm sau, sau hàng loạt chiến dịch thành công với các khách hàng lớn như IBM, Ford, American Express hay Unilever, bà trở thành Chủ tịch kiêm CEO của Ogilvy & Mather.
Một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Merck, G.E, hay Blackstone, bà Lazarus có những lời khuyên nào cho những người muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình?
Dưới đây là những chia sẻ của bà Lazarus về ý nghĩa thực sự của thương hiệu với sự nghiệp của mỗi người. Theo bà, “hãy là chính mình” là chiến lược tốt nhất cho tất cả, dù bạn là nam hay nữ.
Thương hiệu cá nhân đã giúp gì cho sự nghiệp của bà, và cách tốt nhất để xây dựng một thương hiệu cá nhân là gì?
Thực tế là: Tôi ghét việc mọi người nói về thương hiệu cá nhân. Cụm từ này bao hàm việc mọi người phải đưa mình vào trong một cái khuôn giả tạo, trong khi điều họ thực sự cần làm đó là sự chân thành. Một trong những điều tuyệt với mà tôi được trải nghiệm trong sự nghiệp của mình đó là được làm việc với rất nhiều nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đến từ nhiều ngành công nghiệp hay quốc gia khác nhau. Và chìa khóa thành công của họ đều là họ cần phải thoải mái khi là chính mình. Không có một trường hợp ngoại lệ nào ở đây.
Khả năng phục hồi – thứ giúp bạn vượt qua khó khăn, là yếu tố tối quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Nếu bạn cứ tốn thời gian để cố gắng không phải là chính mình, bạn sẽ sớm mệt mỏi và không còn đủ sức để giải quyết những công việc thực sự. Trái lại, nếu bạn thực sự cảm thấy hứng thú với những gì mình đang làm, có mục tiêu trong mắt, nó sẽ tự động cuốn hút mọi người xung quanh bạn, cổ vũ họ làm theo bạn.
Vậy theo bà lời khuyên “là chính mình” có đúng không nếu chính bà lại không tự tin vào bản thân?
Chẳng ai cấm bạn thể hiện quan điểm. Nếu bạn thực sự đang làm vì đam mê, tôi không nghĩ sẽ có người cảm thấy có vấn đề. Nếu bạn có giá trị trong mắt tổ chức và lên tiếng mạnh mẽ cho một ý tưởng, bạn nghĩ điều tệ hại nhất có thể đến là gì? Kể cả khi dự án không tiến triển như bạn muốn, bạn cũng sẽ không bị đuổi đâu.
Một điều nữa bạn cần quan tâm đó là phong cách. Đó không chỉ là những điều bạn nói, mà còn là cách bạn nói những điều đấy. Mọi người bảo tôi hay cười, nhưng tôi cũng mạnh mẽ. Khi phải thể hiện quan điểm cá nhân, tôi sẽ nói nó một cách rõ ràng và thuyết phục. Mặc dù vậy, tôi cũng cố gắng để nó nhẹ nhàng và dễ tiếp thu. Bạn không cần lúc nào cũng phải tỏ ra quyết liệt. Thay vào đó, bạn có thể làm mọi thứ từ sức hút của mình.
Bà có lời khuyên gì cho những người cảm thấy lo lắng với bản thân và sợ thất bại?
Khi tôi mới đi làm, có một lần tôi ở trong phòng sếp cùng với người lên kế hoạch truyền thông. Người lên kế hoạch truyền thông không ngừng đi vòng tròn trong phòng. Cô ấy đang vô cùng lo lắng vì chúng tôi đang chuẩn bị trình bày kế hoạch cho một khách hàng lớn nhưng máy tính lại bị hỏng.
Lúc đó, sếp của tôi đặt tay lên vài cô ấy và nói: “Karen, cô nghĩ họ sẽ làm gì cô? Bắt con của cô đi chắc?”. Dù trong trường hợp nào, nếu bạn thực sự giá trị và bạn đang làm tốt công việc, bạn sẽ không phải lo bị đuổi việc. Có ý kiến cho rằng phương án của bạn không tối ưu? Thế thì sao? Bạn sẽ nhớ ý kiến của họ hàng tuần liền, trong khi họ sẽ quên ngay sau đó. Vì vậy, hãy nắm lấy cơ hội của mình, nói ra những gì mình nghĩ. Sẽ chẳng có điều gì xấu xảy ra với bạn đâu.
Thương hiệu cá nhân của bà có thay đổi khi bà trở thành lãnh đạo trong công ty không?
Có một quan niệm nhầm lẫn đó là bạn phải khoác lên mình bộ áo mới khi bạn trở thành nhà lãnh đạo. Bạn cần phải khó tính hơn, thông minh hơn, lý trí hơn. Tất cả những điều này chẳng giúp gì cho bạn. Thương hiệu xuất hiện trong tâm trí người sử dụng nó, và nếu bạn đột nhiên thay đổi nó, bạn đang đuổi khách hàng của mình đi. Tôi từng thấy rất nhiều thương hiệu làm như vậy.
Tất cả những tính cách giúp tôi thành công trong sự nghiệp khi nói chuyện với khách hàng như sự khiêm tốn, hào sảng hay thái độ nồng hậu, tôi đều cố gắng giữ lại chúng kể cả khi tôi đã đứng ở một vị trí cao hơn.
Khi nói tới một người có thương hiệu cá nhân lớn, bà nghĩ tới ai đầu tiên?
David Ogilvy, nhà sáng lập của chúng tôi. Ông là một trong những người bán hàng xuất sắc nhất thế giới, và cũng rất… kỳ cục. Ông mang túi truyền thống của đàn ông Scotland khi đi làm. Một lần khi chúng tôi đang ăn tối với khách hàng, ông gọi 5 hũ mứt nhỏ và một cái thìa. Sau đó ông nói: Nếu bạn không phải là người thông minh, ít nhất hãy là người biết tạo ấn tượng. Nếu bạn gặp David, bạn sẽ luôn ấn tượng với ông ấy.
Bà có lời khuyên gì cho những lãnh đạo để họ trở nên ấn tượng ngay trong công ty của mình không?
Hãy chọn lựa lời nói một cách cẩn thận, và nói những điều bạn thật sự nghĩ. David có cách dẫn dắt Ogilvy rất khác so với bản “nhiệm vụ công ty” của nhiều tổ chức khác. Cách dẫn dắt của ông khiến mọi người không thể quên. Trong khi nhiều công ty sẽ nói: “Hãy tôn trọng khách hàng”, Ogilvy sẽ nói: “Khách hàng không phải là kẻ ngốc, họ là vợ của bạn”. Rất nhiều lần trong sự nghiệp của tôi, nhiều nhân viên trẻ muốn thay đổi những quy tắc đó, tuy nhiên nó nhanh chóng bị xé bỏ bởi sự thay đổi làm mất hết đi tính độc đáo cũng như niềm đam mê trong đó.
Khi bạn phải dẫn dắt mọi người hướng tới một mục tiêu quan trọng, hãy luôn là chính mình. Bỏ qua việc “là chính mình” sẽ là điều cuối cùng mà bạn muốn làm.
>> Ông chủ gốm sứ Minh Long: "Thương hiệu là nhân cách của Doanh nghiệp"
Trang Lam