Chuyện hồi hương lập nghiệp kỳ lạ của CEO Misfit Sonny Vũ

10/08/2015 11:20 AM | Nhân vật

Dù chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam và Mỹ cùng lúc nhưng Misfit được coi là “nhân tố lạ lẫm” khi gia nhập thị trường công nghệ Việt Nam.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa đá, Sonny Vũ hoàn toàn thoải mái khi chia sẻ về hiện trạng nền công nghệ tại Việt Nam.

36 năm kể từ sau khi rời Việt Nam tới Mỹ, Sonny Vũ quyết định hồi hương để phát triển công việc kinh doanh của mình. Anh đang điều hành Misfit - công ty sáng tạo những phụ kiện (wearable) y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động (mobile health). Đây là công ty mà Sonny Vũ đồng sáng lập cùng đối tác lâu năm Sridhar Lyengar và cựu CEO Apple là John Sculley ra mắt hồi tháng 10/2011. 

Dù chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam và Mỹ cùng lúc nhưng Misfit được coi là “nhân tố lạ lẫm” khi gia nhập thị trường công nghệ Việt Nam.

Việt Nam luôn được biết đến như “công xưởng công nghệ” của thế giới nhưng Misfit lại không sản xuất thiết bị nào tại đây. Thay vào đó, hầu hết các thiết bị được xản xuất tại Hàn Quốc.

Misfit cũng không bán bất kỳ sản phẩm nào tại Việt Nam. Họ thuê những nhân viên người Việt Nam phát triển các phần mềm như ứng dụng Link mới ra mắt. Tính đến cuối năm nay, sẽ có khoảng một nửa trong tổng số 265 nhân viên dự kiến của Misfit sẽ làm việc tại Việt Nam.

Dưới đây là bài phóng vấn của CEO Misfit là Sonny Vũ với tờ CNet về Misfit và cách hoạt động có phần rất mới lạ của họ tại Việt Nam.

Q: Làm thế nào để Misfit phù hợp với hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam?

Mr Vũ: Misfit có một chút khác biệt. Chúng tôi không bán bất kỳ sản phẩm nào tại Việt Nam. Các ứng dụng và website của chúng tôi được dịch thành 17 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả Hebrew và Tagalog (loại ngôn ngữ được sử dụng tại Philippines) nhưng không hề có tiếng Việt. Nhìn chung, chúng tôi không phục vụ nền kinh tế địa phương. Chúng tôi xuất khẩu tài sản trí tuệ.

Thậm chí, dù có thể để khâu sản xuất bao bì tại Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm vậy. Misfit không tới Việt Nam để sản xuất. Đó là điều kỳ lạ thứ hai. Khi mọi người hỏi về việc sản xuất tại VIệt Nam, tôi nói: “Ồ, chúng tôi sản xuất những bằng sáng chế và mã code tuyệt vời”. Đó là tất cả những gì chúng tôi làm.

Cuối cùng, điều kỳ lạ nhất về Misfit là những vị trí công việc đa dạng tại văn phòng Việt Nam - nơi có gần 100 nhân viên. Mọi thứ từ hậu cần và chuỗi cung ứng, điều hành hoạt động, tài chính đến dịch vụ khách hàng đều được thực hiện tại đây. Nhóm nhân viên này tập trung chuyên sâu phát triển nghiên cứu những thuật toán cảm ứng cao cấp, phát triển và thiết kế phần mềm cho sản phẩm. Đây là nhóm nhân viên tuyệt vời và đa dạng.

Q: Nhân viên tại Việt Nam của Misfit còn đảm nhận vai trò nào khác không?

Mr Vũ: Nhóm kỹ sư phần mềm tại văn phòng Việt Nam không phải chỉ xây dựng code. Có nhiều sản phẩm hoàn chỉnh được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam. Một trong số đó là ứng dụng mới nhất Link App. Ứng dụng này không được sử dụng tại Việt Nam nhưng toàn bộ kỹ thuật đã được hoàn thiện tại đây. Điều này thật tuyệt vời.

Q: Tại sao Misfit không bán sản phẩm tại Việt Nam?

Mr Vũ: Việc không hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có lý do tương tự như ở Nigeria. Rất đơn giản bởi đây là 2 thị trường quá nhỏ. Tại đây không có nhiều người thích thú mua những sản phẩm lạ như của Misfit. Người dân tại đây mua xe máy, máy tính kết nối mạng hay iPhone nhưng thiết bị wearable thì không. Người dân ở những quốc gia này có vóc dáng khá ổn và chỉ những vị khách tại phương Tây mới cần lấy lại vóc dáng chuẩn. Có lẽ chúng tôi sẽ tiến tới thị trường này sau.

Q: Ngoại trừ yếu tố Việt Nam là quê hương của anh, lý do gì khiến Misfit có nhiều nhân viên tại quốc gia này đến vậy?

Mr Vũ: Misfit có nguyên tắc tuyển dụng đó là chọn “những nhân viên xuất sắc nhất với mức giá tốt nhất” (the best talent at the best price). Còn nhớ trong một lần trò chuyện cùng bạn, tôi đã rất thích thú với quan điểm của anh ấy: “Anh có muốn thuê một nhân viên tài năng nhất? Không, bởi vì giả sử nếu muốn thuê một kỹ sư phần mềm, thì người tốt nhất phải là giám đốc mảng tìm kiếm của Google. Dĩ nhiên, muốn làm được điều này anh sẽ phải trả hàng tỷ USD. Rõ ràng đây là khả năng ngoài tầm với. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải tìm được người tốt nhất với mức giá hợp lý nhất”.

Vì vậy, tất cả những gì Misfit nỗ lực làm là tối ưu hoá việc tuyển dụng tại những nơi chúng tôi có lợi thế cạnh tranh. Và Việt Nam là một trong số đó. Vì sao ư? Misfit rõ ràng là công ty tốt nhất để làm việc tại đây. Mọi người muốn làm việc cho những công ty như chúng tôi. Misfit cung cấp môi trường làm việc thoải mái, đồ ăn, các thiết bị tiện lợi và cả iPhone. Nhiều công ty khác tại Việt Nam không làm được như vậy.

Lý do thứ hai đó là nếu đến Việt Nam với tâm lý sẽ thuê được nhân công giá rẻ thì đó chính xác là những gì bạn nhận được. Tại đây không chỉ có những nhân viên tuyệt vời mà thay vào đó là những con người với óc sáng tạo và sự khéo léo. Chúng tôi giao cho họ sản phẩm với yêu cầu hãy khiến nó trở nên hoàn hảo hơn. Và mọi người đón nhận thử thách. Việc này giống như cho họ cơ hội thể hiện sức sáng tạo và năng suất lao động để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.

Q: Nhân viên tại Việt Nam đang gặp khó khăn gì?

Mr Vũ: Qua thời gian tôi nhận ra rằng phát triển sản phẩm tiêu dùng không phải là thế mạnh tại Việt Nam. Đây là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng trau dồi qua thời gian. Vì vậy, hiện tại chúng tôi tập trung làm những việc khác. Ví dụ, phát triển thuật toán, khoa học dữ liệu, logistics, chuỗi cung ứng, dịch vụ khách hàng đều là những vị trí mà nhân viên tại Việt Nam thực hiện rất tốt. Dù vẫn đang tiếp tục đào tạo và phát triển kỹ năng phát triển sản phẩm tiêu dùng cho nhân viên nhưng do thị trường này không phù hợp nên mọi chuyện còn rất khó khăn.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM