Chân dung ông hoàng của 'Đế chế tương cà' Henry John Heinz

18/04/2015 16:54 PM |

Bản thân từ “Thành công” có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả chặng đường kỳ diệu mà Henry John Heinz và công ty mang tên ông đã đi qua trong những thế kỷ qua.

Nội dung nổi bật:

- Bí quyết thành công chính của Heinz bao gồm hai yếu tố chính: Quảng cáo sáng tạo và độc đáo để khách hàng nhớ và tìm tới thương hiệu của mình, trung thành với cam kết chất lượng để khách hàng ở lại với mình.

- Những triết lý kinh doanh này của Heinz được kế thừa và phát huy trong tất cả những đời chủ tịch sau của thương hiệu Heinz, giúp cho thương hiệu này duy trì được giá trị và bản sắc tới tận bây giờ.


Bản thân từ “Thành công” có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả chặng đường kỳ diệu mà Henry John Heinz và công ty mang tên ông đã đi qua trong những thế kỷ qua. Từ một khởi đầu khiêm tốn là công việc bán hạt cải ngựa (horseradish) tới các gia đình ở khu vực lân cận, Heinz đã xây dựng lên một đế chế chế biến thực phẩm phủ màu lên toàn thế giới với tổng trị giá lên tới 10 tỷ đô.  Nhiều người nói trong mỗi hũ dưa chua, mỗi chai dấm, mỗi lọ tương cà mang thương hiệu Heinz đều có gói ghém cả niềm vui trong đó.

Tuổi thơ và niềm đam mê kinh doanh

Henry John Heinz sinh ngày 11/10/1844 và lớn lên ở thành phố Pittsburg, Pennsylvania. Ở tuổi lên 8, trong khi các bạn đồng trang lứa còn ăn chưa no, lo chưa tới, cậu bé Heinz đã tỏ ra đặc biệt chú tâm vào công việc bán những cây rau trồng trong vườn nhà mình cho hàng xóm xung quanh. Lên 12 tuổi, cậu đã quản lý 3.5 mẫu đất canh tác toàn cây cải ngựa, rồi mang những cái cây này đi gõ cửa từng gia đình để bán.

Điều thú vị là lần “làm ăn lớn” đầu tiên của Heinz lại không liên quan tới thực phẩm. Nhận thấy năng khiếu kinh doanh của Henry Heinz, cha của anh đã cho phép anh tiếp quản lại cơ nghiệp kinh doanh gạch của mình. Thế nhưng chỉ ba năm sau đó, Heinz đã quyết định hợp tác với một doanh nhân trẻ tên là L.C.Noble để thành lập một công ty mang tên Anchor Pickle and Vinegar Works, chuyên sản xuất các loại nước sốt cần tây, dưa chuột muối, dấm …Công ty nhỏ gặt hái thành công ngay từ những ngày đầu ra mắt do đánh trúng vào những hương vị mà các bà nội trợ vô cùng yêu thích.

Chân dung Henry John Heinz

Tới những năm 1870, công ty của Heinz gặp phải một số vấn đề tài chính lớn, và đã từng suýt phá sản. Tuy nhiên với sự kiên định và niềm tin mạnh mẽ vào thành công, Heinz đã thuyết phục được các thành viên trong dòng họ của mình hỗ trợ để ông gây dựng lại thương hiệu này với cái tên mới F&J.Heinz vào năm 1875. Cũng trong năm này, công ty của ông cho ra mắt những chai tương cà chua ketchup đầu tiên – sản phẩm chủ lực của công ty cho tới tận ngày nay.

Quảng cáo để khách hàng nhớ tới mình

Trong những năm sau đó, Heinz không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm của mình với các mặt hàng mới như nước sốt tiêu, thịt băm, bơ… Đây cũng là giai đoạn Heinz bắt đầu áp dụng những ý tưởng quảng cáo vô tiền khoáng hậu để đóng đinh thương hiệu Heinz vào tâm trí người tiêu dùng, tiêu biểu phải kể tới câu slogan “57 varieties”, hay biểu tượng quả dưa chuột có khắc nổi chữ “Heinz”, hoặc khẩu hiệu “Beanz meanz Heinz” rất được ưa chuộng ở Anh sau này…. Những chiến dịch quảng cáo độc đáo và ấn tượng này đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên một nhận diện thương hiệu rất riêng, không thể trộn lẫn cho nhãn hiệu Heinz, giúp cho công ty của ông có được lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ trên thị trường lúc bấy giờ.

Một poster quảng cáo độ đậm đặc của sốt cà chua Heinz tomato ketchup

Cam kết chất lượng để khách hàng ở lại với mình

Bên cạnh việc thúc đẩy doanh số nhờ những quảng cáo sáng tạo, Heinz cũng rất chú trọng bảo toàn lòng tin của người tiêu dùng bằng cách luôn trung thành với cam kết chất lượng của thương hiệu mình. Từ khâu thu hoạch củ quả làm nguyên liệu tới chế biến, đóng chai đều được kiểm soát chặt chẽ dưới những yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt. Đặc biệt là ngay cả việc chăm sóc các cây quả làm nguyên liệu cũng cần tuân theo những tiêu chuẩn riêng. Bản thân Heinz luôn nhấn mạnh trong những phát biểu của mình rằng “Muốn cải tiến chất lượng sản phẩm, chúng ta phải cải tiến ngay từ chất lượng đất nơi rau củ quả của chúng ta được vun trồng”.

 

Rau củ quả dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm của Heinz cũng được chăm sóc ở điều kiện giàu dinh dưỡng và tươi sạch nhất

Để củng cố hơn nữa sự tín nhiệm của công chúng, Heinz không ngại công khai mở cửa nhà máy sản xuất của mình cho người dân vào tận mắt tham quan và chứng kiến quy trình sản xuất. Sau này rất nhiều doanh nghiệp đã học tập Heinz áp dụng phương thức này như một cách vừa đơn giản vừa hiệu quả để chứng tỏ chất lượng sản phẩm của mình.

Cây cao bóng cả

Henry John Heinz qua đời năm 1919, hưởng thọ 75 tuổi, giữa lúc thương hiệu Heinz đã nổi như cồn khắp cả nước và đang từng bước lan rộng ra nước ngoài, nhưng triết lý kinh doanh chú trọng chất lượng và đẩy mạnh quảng cáo của ông vẫn được những chủ tịch tiếp theo của thương hiệu này kế thừa và phát huy. Nhờ vậy mà cái tên “Heinz” đã trở nên quen thuộc với mọi gia đình, và là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm bên trong.

Nổi tiếng với câu triết lý về bí quyết thành công “Làm tốt những điều bình thường theo cách phi thường”. Quả thật người đàn ông đầy nghị lực này đã biến những hũ dưa, chai nước sốt trong nhà bếp đều trở thành những góc nhỏ chứa đựng niềm đam mê, niềm vui, tình yêu đối với những gì tự nhiên nhất của rau củ quả trong vườn nhà.

>> Làm thế nào để Heinz gỡ được mớ hỗn độn từ Kraft hậu sáp nhập

Hải Hà

Hải Hà

Cùng chuyên mục
XEM