'Cha đẻ' của đồng euro qua đời ở tuổi 86

12/05/2015 09:26 AM |

Lamfalussy là Chủ tịch đầu tiên của Viện tiền tệ châu Âu, một định chế ra đời năm 1994 nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi với nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị cho quá trình thành lập ECB.

Nội dung nổi bật:

- Nhà kinh tế học Alexandre Lamfalussy vừa qua đời ở tuổi 86.

- Ông là một trong những người tham gia vào quá trình phác thảo sự ra đời của đồng euro, đồng thời đã nỗ lực bảo vệ đồng tiền chung châu Âu trước nguy cơ tan rã.


Alexandre Lamfalussy, nhà kinh tế học gốc Hungary nhập cư vào Bỉ chỉ với vài USD trong túi nhưng sau đó đã trở thành người được coi là “cha đẻ” của đồng USD, vừa qua đời ở tuổi 86.

Theo hãng tin Belga của Bỉ, Lamfalussy qua đời ngày 9/5. NHTW châu Âu cũng vừa đưa ra thông báo xác nhận thông tin này.

Lamfalussy là Chủ tịch đầu tiên của Viện tiền tệ châu Âu, một định chế ra đời năm 1994 nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi với nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị cho quá trình thành lập ECB.

“Ông ấy đã nhìn thấy trước sự cần thiết của việc thống nhất hệ thống tài chính cũng như chính sách tiền tệ ở châu Âu và đã hoạt động rất tích cực để đẩy nhanh quá trình này”, trong thông báo của ECB có đoạn viết.

Là một nhà kinh tế học hàn lâm, sau đó làm việc ở một ngân hàng tư nhân và cuối cùng là một Thống đốc NHTW, Lamfulussy đã bảo vệ đồng euro trước nguy cơ bị xóa sổ bởi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công.

“Liên minh châu Âu có thể đã không tồn tại nếu không có liên minh tiền tệ, chúng ta phải làm được điều này cho dù khó khăn đến đâu”, ông đã phát biểu như vậy cách đây 2 năm.

Vai trò của Lamfalussy trong việc thúc đẩy liên minh tiền tệ bắt đầu từ năm 1976, khi ông làm việc tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements – BIS), cơ quan có trụ sở tại Basel chịu trách nhiệm làm trung tâm thanh toán bù trừ cho các NHTW.

Ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của BIS năm 1985 và 3 năm sau đó gia nhập hội đồng các Thống đốc NHTW phác thảo lộ trình cho đồng tiền chung châu Âu. Trong hội đồng này còn có Wim Duisenberg (người sau này làm Chủ tịch ECB), Wim Duisenberg và Carlo Azeglio Ciampi (người sau này là Thủ tướng Italy).

Biến kế hoạch thành hiện thực trở thành nhiệm vụ của ông khi EMI ra đời ở Frankfurt – “quê nhà” của NHTW Đức. Bundesbank là một cái bóng quá lớn che phủ nền kinh tế châu Âu, đến nỗi Lamfalussy phải chật vật thoát khỏi cái bóng ấy. Sau cuộc họp đầu tiên của EMI vào tháng 1/1994, ông đã nói với các phóng viên rằng ông sẽ không chấp nhận việc Bundesbank có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Trên thực tế, Bundesbank đã gây ảnh hưởng đến quá trình thành lập ECB. Triết lý tiền tệ của nước Đức – vốn xoay quanh lãi suất và lạm phát – đã trở thành một phần quan trọng trong bộ chính sách tiền tệ của ECB.

Sinh ngày 26/4/1929 tại Kapuvar, Hungary, Lamfalussy rời bỏ quê nhà vào năm 1949, khi “bức màn sắt” được dỡ bỏ ở Đông Âu. Cùng với 3 người bạn, ông đã vượt qua vùng biên giới phủ đầy tuyết để sang Áo.

Lamfalussy học chuyên ngành kinh tế tại ĐH Leuven và lấy bằng tiến sĩ từ ĐH Oxford vào năm 1957. Đây cũng là năm 6 nước Tây Âu ký Hiệp ước Rome, hạt nhân của Liên minh châu Âu ngày nay.

Ông từng làm cố vấn kinh tế tại ngân hàng tư nhân Banque de Bruxelles và sau đó trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này vào năm 1971. Ông từ chức sau khi ngân hàng thua lỗ vì các giao dịch ngoại tệ không được phòng vệ và sự tồn tại của ngân hàng này bị đe dọa.

Năm 1957, ông kết hôn với Anne-Marie Cochard. Họ có 3 người con. Năm 1996, ông được nước Bỉ trao cho danh hiệu nam tước.

>> Hy Lạp - Vết nứt cho tương lai của đồng euro?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM