Ai sẽ là nhà kinh tế học nhận giải Nobel kế tiếp?

27/01/2015 16:06 PM |

Trong số những nhà kinh tế học xuất sắc hiện nay, ai sẽ là người kế tiếp xứng đáng nhận giải Nobel kinh tế học trong những năm tiếp theo?

Nội dung nổi bật:

- Paul Milgrom, Nobuhiro Kiyotaki, Richard Thaler... các nhà kinh tế học đã và đang được kỳ vọng, trong một tương lai không xa, sẽ là chủ nhân của giải thưởng cao quý nhất mà bất kỳ nhà kinh tế học nào cũng hướng đến trong cuộc đời nghiên cứu của mình.

- Vậy, ai sẽ nhà kinh học kế tiếp xứng đáng nhận giải Nobel kinh tế học trong những năm tiếp theo?


Năm 2014, Jean Tirole đã vinh dự nhận giải Nobel kinh tế học do Hội đồng Khoa học của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng. Jean Tirole là nhà kinh tế học người Pháp. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và hiện đang là giáo sư kinh tế học tại Trường Kinh tế Toulouse (TSE), Pháp.

Jean Tirole được vinh danh do các đóng góp quan trọng cho sự tiến hoá của lý thuyết kinh tế học bởi “các phân tích/nghiên cứu của ông về sức mạnh thị trường và quy định”. Đối với dân kinh tế học đáng lẽ ra Tirole phải được vinh danh từ nhiều năm trước bởi tầm ảnh hưởng của ông đối với lý thuyết kinh tế học đương đại.

Bất kỳ ai trải qua các chương trình nghiên cứu sinh chuẩn về kinh tế học (PhD in Economics) đều không thể không biết đến các lý thuyết nền được xây dựng và phát triển bởi Tirole và các cộng sự trong lĩnh vực tổ chức ngành, lý thuyết tổ chức, và kinh tế học thông tin và hợp đồng. Học phần này thường nằm trong khoá lý thuyêt kinh tế học vi mô nâng cao. Bên cạnh đó Tirole còn có nhiều nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp dựa trên nền tảng lý thuyết kinh tế học vi mô, lý thuyết trò chơi, kinh tế học vĩ mô và tâm lý học.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ nhà kinh học kế tiếp xứng đáng nhận giải Nobel kinh tế học trong những năm tiếp theo? Câu hỏi này có lẽ là không quá khó nếu chúng ta tìm ra được nhà kinh tế học nào có được những nghiên cứu đặt nền tảng cho một lý thuyết quan trọng nào đó trong kinh tế học.

Họ đã và đang được kỳ vọng, trong một tương lai không xa, sẽ là chủ nhân của giải thưởng cao quý nhất mà bất kỳ nhà kinh tế học nào cũng hướng đến trong cuộc đời nghiên cứu của mình. Họ là ai? Noah Smith là trợ lý giáo sư tài chính tại Stony Brook University đã đưa ra năm nhà kinh tế học như sau:

Thứ nhất, Paul Milgrom

Năm 1970 Milgrom hoàn thành chương trình cử nhân ở Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Trong năm 1975, Milgrom tham gia chương trình nghiên cứu sau đại học tại Đại học Stanford trong chương trình MBA. Cho đến năm 1978 ông lấy bằng thạc sĩ khoa học về thống kê và bằng tiến sĩ về kinh doanh năm 1979 tại Đại học Stanford. Paul Milgrom từng giảng dạy tại Đại học Northwestern và Yale trước khi trở về Stanford.

Ông đã có những đóng góp kinh điển đối với tiến hoá của lý thuyết kinh tế học vi mô, bao gồm cả lý thuyết đấu giá, lý thuyết động hợp đồng, kinh tế học tổ chức ngành, lịch sử kinh tế, kinh tế học sản xuất, kinh tế của các tổ chức, và lý thuyết trò chơi. Cuốn sách mà Paul Milgrom là đồng tác giả với John Roberts mang tên “Economics, Organization and Management” (tạm dịch: Kinh tế, Tổ chức và quản lý) mở ra một lĩnh vực mới để nghiên cứu kinh tế.

Thứ hai, Nobuhiro Kiyotaki

Nobuhiro Kiyotaki (sinh ngày 24 tháng 6 năm 1955) là một nhà kinh tế học người Nhật Bản và là giáo sư tại Đại học Princeton. Ông hoàn thành chương trình cử nhân năm 1978 và sau đó 3 năm ông lấy bằng tiến sĩ về kinh tế học tại Đại học Tokyo. Năm 1985 ông nhận bằng Tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard.

Sau đó, ông trở thành giảng viên tại Đại học Wisconsin–Madison, Đại học Minnesota, và Trường Kinh tế London trước khi trở thành giảng viên và sau này là giáo sư tại Đại học Princeton.

Ông là thành viên của Hiệp hội Kinh tế lượng, ông được trao giải thưởng Nakahara Prize năm 1977 của Hiệp hội Kinh tế học Nhật Bản và giải thưởng Yrjö Jahnsson năm 1999 của Hiệp hội Kinh tế học châu Âu.

Nobuhiro Kiyotaki đặc biệt nổi tiếng với những lý thuyết về xây dựng nền tảng kinh tế vi mô cho kinh tế vĩ mô, một số trong đó đóng một vai trò nổi bật trong kinh tế vĩ mô của Keynes mới.

Thứ ba, Richard Thaler

Richard H. Thaler (sinh 12 tháng 9 năm 1945) là một nhà kinh tế học người Mỹ và là giáo sư xuất sắc Ralph và Dorothy Keller về khoa học hành vi và kinh tế học tại Trường Kinh doanh, Đại học Chicago. Bên cạnh đó ông còn là một thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học, nhà nghiên cứu của Hiệp hội Tài chính Hoa Kỳ và Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ. Trong năm 2015 ông sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ.

Ông lấy bằng cử nhân tại Đại học Case Western năm 1967, trong những năm 1970 cho đến 1974 ông nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Rochester. Trước khi trở thành giảng viên tại Đại học Chicago vào năm 1995, Thaler giảng dạy tại Đại học Rochester, Cornell, và Đại học British Columbia, Trường Quản lý Sloan tại MIT, Russell Sage Foundation và Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về hành vi Khoa học tại Stanford.

Richard H. Thaler nghiên cứu hành vi kinh tế và tài chính cũng như tâm lý của việc ra quyết định nằm trong khoảng cách giữa kinh tế và tâm lý học. Thaler là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Ra quyết định, và là đồng giám đốc (cùng với Robert Shiller) của Chương trình về Kinh tế học hành vi tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research).

Thaler là đồng tác giả (với Cass R. Sunstein) của cuốn sách “Cú Hích”  bán chạy nhất trên thế giới trong đó các khái niệm về hành vi kinh tế được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội.

Thứ tư, John Geanakoplos

John Geanakoplos (sinh năm 1955) là một nhà Kinh tế học người Mỹ. Ông hiện là Giáo sư James Tobin tại Đại học Yale. Năm 1975 ông hoàn thành chương trình cử nhân về toán học tại Đại học Yale, cho đến năm 1980 ông nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành toán và tiến sĩ về kinh tế học tại Đại học Harvad. Năm 1980, ông trở thành trợ lý giáo sư kinh tế học, trở thành phó giáo sư năm 1983, và là giáo sư năm 1986, ông là  giáo sư James Tobin kinh tế vào năm 1994 tại Đại học Yale.

John Geanakoplos nổi tiếng với các đóng góp về lý thuyết kinh tế học tổ chức ngành, và lý thuyết trò chơi. Trong những năm gần đầy các nghiên cứu của ông tập trung vào lý thuyết chu kỳ kinh tế trên thị trường tài chính và các quy định được đánh giá cao bởi các nhà kinh tế học và các chuyên gia nghiên cứu.

Thứ năm, David Card

David Card (sinh năm 1956) là một nhà kinh tế học lao động người Canada và giáo sư Đại học California tại Berkeley. Card nhận bằng tiến sĩ kinh tế học vào năm 1983 tại Đại học Princeton. Năm 1995, ông được trao giải John Bates Clark và  Huy chương Frisch năm 2008. Ông là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu lao động tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research).

Ông có các nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học tiền lương tối thiểu, kinh tế học di cư, giáo dục và bảo hiểm y tế.

Ông là đồng tác giả của nhiều cuốn sách và là tác giả của nhiều bài báo. Card là đồng biên tập của tạp chí Econometrica từ năm 1991 đến năm 1995 và đồng biên tập của American Economic Review từ năm 2002 đến năm 2005. Ông dạy tại Đại học Princeton 1983-1996. Năm 1992, ông trở thành hội viên của Hội kinh tế lượng, và năm 1998 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ.

>> Nhà kinh tế học không nên làm trader?

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM