Nguyên tắc ngầm "Tổng thống Mỹ không đội mũ" và ngoại lệ độc nhất mang tên Donald Trump
Vì vi phạm nguyên tắc nói trên, một ứng cử viên tổng thống Mỹ đã thất bại cay đắng do đội mũ bảo hộ trước ống kính truyền thông.
Ông Trump nhắc tới câu chuyện cách đây hơn 30 năm
Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất xe tăng ở bang Ohio vào ngày 20/3, ông Trump đã nói đùa trước những người tới thăm dự buổi diễn thuyết của ông. Tổng thống Mỹ nói đáng nhẽ ông sẽ ngồi vào chiếc xe tăng nếu sự cố của ứng cử viên tổng thống Michael Dukakis chưa từng xảy ra.
"Tôi muốn vào xe tăng ngồi lắm, nhưng sau đó tôi nhớ lại một người đàn ông có tên Dukakis từng xuất hiện trên một chiếc xe tăng. Và tôi nhớ là ông ta thất bại trên chiếc xe tăng. Tôi chưa bao giờ thấy ai thất bại như vậy," ông Trump nói.
Nhiều người đã bật cười trước lời đùa của ông Trump. Trong lời nói nguyên văn: "And I remember he tanked when he got into the tank", ông Trump đã chơi chữ khéo léo (tank vừa có nghĩa là thất bại, vừa có nghĩa là xe tăng).
Ngoài ra, ông Trump đã nhắc tới một sự cố lớn trong lịch sử chính trị hiện đại ở nước Mỹ là tấm ảnh chụp ông Michael Dukakis đội mũ khi đi xe tăng.
Ông Trump tới thăm nhà máy sản xuất xe tăng. Ảnh: CBS News
Năm 1988, ông Michael Dukakis là một ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ứng cử viên nặng kí còn lại Phó Tổng thống Mỹ George H. W. Bush.
Trong suốt cuộc tranh cử, ông Dukakis thường bị chỉ trích vì có quan điểm "yếu đuối" trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
Ngược lại, ông Bush là một cựu binh trong Thế Chiến II, từng là giám đốc CIA và là Phó Tổng thống Mỹ. Theo những người từng chứng kiến, đã có lúc ông Dukakis và ông Bush tranh luận trên truyền hình về vấn đề quốc phòng trong 2-3 ngày liên tiếp.
Vậy nên, đội ngũ tranh cử của ông Dukakis quyết tâm tập trung cải thiện hình ảnh và độ uy tín của ứng viên này thông qua các hoạt động liên quan đến quốc phòng. Ông Dukakis tới một cơ sở sản xuất quốc phòng ở Michigan và đi thử trên một chiếc xe tăng.
Đây cũng là lúc ông Dukakis mắc sai lầm nghiêm trọng nhất: ông đội chiếc mũ bảo hiểm ngay trước ống kính của giới truyền thông.
Trả lời Politico vào năm 2013, Matt Bennett, một người hoạt động trong chương trình tranh cử của ông Dukakis, kể lại rằng đội ngũ tranh cử đã lo ngại về hình ảnh của ông Dukakis khi đội mũ.
"Chúng tôi giúp ông Dukakis mặc quần áo bảo hộ, bước vào xe tăng. Di chuyển trên xe tăng khá nguy hiểm nên chúng tôi rất phân vân về việc có để ông ấy đội mũ hay không. Rất khó để nắm được tình hình khi không đeo mũ có tai nghe và nhận thông báo từ kíp lái. Nếu như ông Dukakis bị ngã hoặc có vấn đề khẩn cấp, thì ông ấy sẽ khó xoay xở kịp khi thiếu đi chiếc mũ."
"Tuy nhiên, trái lại, việc đội mũ cũng vi phạm nguyên tắc tranh cử cơ bản: không bao giờ nên để ứng viên đội bất kì loại mũ bảo hộ nào. Khi chiếc xe tăng xuất hiện, đã bắt đầu có các phản ứng, nhưng không phải là loại phản ứng mà chúng tôi trông đợi. Đó là những tiếng cười cợt. Họ bắt đầu cười vì ngoại hình của ông ấy."
"Một số người còn ôm bụng cười. Tôi biết chúng tôi đã gặp rắc rối. Không biết rắc rối tới mức nào, nhưng mà chắc chắn là có," ông Bennett kể lại.
Một cây viết của tờ New Yorker khi đó tả ông Dukakis "nhìn giống như một nhân vật hoạt hình", chứ không phải ứng viên tổng thống.
Đội ngũ tranh cử của ông Bush đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng và sản xuất một đoạn quảng cáo để đánh vào hình ảnh "yếu đuối" của đối thủ. Đoạn kết ghi: "Bây giờ ông Dukakis muốn trở thành tổng thống. Nước Mỹ không thể chịu rủi ro như vậy được."
Mũ và các đời tổng thống
Nguyên tắc "không đội mũ" là luật bất thành văn sau khi nhiều ứng viên tổng thống bị chỉ trích vì đội các loại mũ không phù hợp, bao gồm ông Calvin Coolidge khi đội một chiếc mũ thổ dân tại một sự kiện hồi năm 1927. Theo các chuyên gia, việc đội mũ sẽ khiến thay đổi hình ảnh tổng quan và quan niệm của người nhìn đối với ứng viên.
Ông Calvin Coolidge đội mũ thổ dân tại một sự kiện hồi năm 1927. Ảnh: AP
Từ sau sai lầm của ông Dukakis, các đời tổng thống sau này đều tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc. Ví dụ, ông Bush (con) đã tháo mũ trước khi chụp ảnh kỉ niệm.
Ảnh: Pin Interest
Ngoài ra, trong một sự kiện hồi năm 2013, ông Barack Obama đã từ chối đội thử khi được tặng chiếc mũ bóng bầu dục. "Nguyên tắc là thế này: Nếu là tổng thống, thì không nên đội gì lên đầu. Đó là bài học Chính trị Sơ cấp. Nhìn tôi sẽ không chỉn chu nếu đội thứ gì đó."
Ông Obama nhận mũ nhưng từ chối đội thử tại một sự kiện năm 2013.
Tuy nhiên, ông Trump dường như lại khá thành công trong việc tận dụng chiếc mũ lưỡi trai trong suốt quá trình tranh cử. Bằng cách in lên mũ dòng chữ "Make America Great Again" (hay MAGA), chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhanh chóng đạt được hiệu quả lớn bởi khẩu hiệu liên tục xuất hiện cùng ông Trump trên mọi khung hình.
Không chỉ có vậy, những người ủng hộ ông Trump cũng tạo nên phong trào bán và đội mũ MAGA, khiến thông điệp của ông Trump ngày càng được quảng bá rộng rãi hơn.
Ông Trump thường xuyên xuất hiện cùng chiếc mũ. Ảnh: Getty Images
Dù vậy, việc tận dụng quá đà chiếc mũ cũng từng đem lại rắc rối cho ông Trump. Trong một đoạn video về chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, ông Trump được cho là đã kí chữ "Make America Great Again" lên chiếc mũ lưỡi trai có hàng chữ "Trump 2020".
Theo CNN, hành động này có thể đã vi phạm quy định về hoạt động chính trị của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo đó, luật quy định "binh sĩ đang tham gia nghĩa vụ không được tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái và tất cả binh sĩ cần tránh gây hàm ý hoặc thể hiện ngầm rằng Bộ Quốc phòng đang ủng hộ, tài trợ, chấp nhận hoặc chứng nhận một ứng viên hoặc một chiến dịch chính trị".
Tướng về hưu John Kirby, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc dưới thời cựu tổng thống Obama và nhà phân tích kì cựu của CNN, đánh giá: "Trên thực tế, đó là câu khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử, và là một món đồ phục vụ tranh cử, do đó các binh sĩ không được phép làm như vậy".