Người Việt uống 4 tỷ lít bia/năm, nhưng EuroCham "quan ngại" dự luật Cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet sẽ "đi ngược xu hướng" thời 4.0

22/03/2019 10:58 AM | Kinh doanh

EuroCham lập luận, hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đang cho phép bán rượu, bia trên internet, không phân biệt nồng độ cồn, trong đó có các nước như Pháp, Đức, Anh, Mỹ. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cho phép bán rượu, bia trên internet bao gồm cả Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philipines,…

Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lập luận trong Sách trắng 2019 rằng việc kinh doanh rượu bia trên 15 độ cồn bị cấm trên Internet "đi ngược lại với xu hướng của cải cách công nghiệp lần thứ tư".


Thị trường đầy tiềm năng nhưng phải mở cánh cửa cạnh tranh cho doanh nghiệp ngoại

Theo số liệu của EuroCham, năm 2017, Việt Nam đã bán được 4 tỉ lít bia, nghĩa là trung bình mỗi người dân tiêu thụ 45 lít bia/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 và 5,5 tỉ lít bia vào năm 2035. Tương tự, thị trường rượu mạnh ước tính đạt xấp xỉ 46,79 triệu lít, chủ yếu nhờ vào sản lượng rượu mạnh trong nước (chiếm 85%).

Có 4 công ty sản xuất bia lớn đang chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam là Habeco, Sabeco, Heineken N.V và Nhà máy bia Huế thuộc sở hữu 100% của Carlsberg. Bốn công ty này nắm giữ 90% thị phần, trong khi 10% còn lại được phân chia giữa Nhà máy bia Masan, Sapporo, AB InBev và Nhà máy bia Đông Nam Á cũng thuộc sở hữu của Carlsberg.

Mỗi "sứ quân" ngành bia đều có chiến lược "cát cứ" khác nhau. Trong khi Habeco, Nhà máy bia Huế và Sabeco chia nhau thị trường Bắc – Trung – Nam, thì Heineken N.V dẫn đầu phân khúc bia cao cấp và trung bình. Tính tới thời điểm năm 2018, Thai Beverage đã chi đậm 4,84 tỉ USD thôn tính Sabeco, giữ quyền kiểm soát các nhãn hiệu bia Việt lâu đời như Bia Sài Gòn và 333.

Nhìn xa hơn, thương vụ Sabeco giúp cho ThaiBev thâm nhập sâu vào thị trường bia trị giá khoảng 6,48 tỉ USD của Việt Nam, nơi có những yếu tố hấp dẫn là dân số trẻ, nền kinh tế năng động, bất chấp giá đấu thầu tối thiểu đưa ra khá cao và giới hạn về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Trước những tiềm năng đó, EuroCham bày tỏ "quan ngại"  khi việc tiêu thụ rượu nhập khẩu giảm 5%, chỉ đạt 7,7 triệu lít (năm 2017). EuroCham lập luận rằng điều này đi ngược với xu thế chung khi Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao nhưng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ tháng 1-2016 đã có tác động không thuận lợi tới giá cả thị trường và tạo ra xu hướng cho các sản phẩm không chính thức.

Hiệp định thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến được phê chuẩn vào đầu năm 2019 sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam cho các thương hiệu rượu mạnh có uy tín, chất lượng. Đổi lại, Việt Nam phải có động thái tích cực bằng việc cải thiện khung pháp lý về Quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các sản phẩm rượu mạnh thuộc Chỉ dẫn địa lý châu Âu như rượu Cognac, rượu Scoth Whisky và rượu Champagne.

Người Việt uống 4 tỷ lít bia/năm, nhưng EuroCham quan ngại dự luật Cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet sẽ đi ngược xu hướng thời 4.0 - Ảnh 1.


Nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh và đi ngược lại xu hướng CMCN 4.0

Theo nhận định của EuroCham, môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều thách thức đối với nhà nhập khẩu châu Âu.

Kể từ năm 2016 đến nay, họ phải đối mặt với gánh nặng thuế tiêu thụ đặc biệt đang tăng mạnh, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể, thuế suất tăng từ 25% lên 35% đối với rượu vang và từ 50% lên 65% đối với rượu mạnh.

EuroCham cảnh báo mức tăng liên tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu vang và rượu mạnh sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn thành quả xóa bỏ rào cản thuế quan của EVFTA. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có triển vọng tăng trưởng, người tiêu dùng phải đối mặt với các sản phẩm không rõ nguồn gốc và chính phủ gặp bất lợi trong các mục tiêu ngân sách.

Vấn đề tiếp theo là Dự luật phòng, chống tác hại lạm dụng rượu bia ngày 24 tháng 12 năm 2018 có quy định "bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet" là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được liệt kê trong Điều 5.

EuroCham lập luận internet thực chất là một công cụ để thực hiện hoạt động kinh doanh, điều khoản cấm chỉ nhằm vào một nhóm sản phẩm chiếm dưới 3% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trên thị trường.

Việc cấm bán rượu trên internet hiện đang làm cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng tìm và mua các sản phẩm đồ uống trên mạng, với nguy cơ gặp phải những sản phẩm không được đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém.

Eurocham cho biết, hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đang cho phép bán rượu, bia trên internet, không phân biệt nồng độ cồn, trong đó có các nước như Pháp, Đức, Anh, Mỹ. Tại khu vực châu Á, các quốc gia cho phép bán rượu, bia trên internet bao gồm cả Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philipines,… Việc cấm sử dụng công cụ internet để bán bất kỳ loại rượu, bia nào cũng không phù hợp với xu thế CMCN 4.0 và sẽ khiến Việt Nam trở nên khác biệt với thông lệ quốc tế.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho phép bán đồ uống có cồn trên internet đã chứng minh rằng tính minh bạch trong giao dịch được cải thiện và công tác thu thuế được hỗ trợ tốt hơn khi thực hiện chuyển khoản, thanh toán thẻ ngân hàng.

Các chuyên gia EuroCham khuyến cáo, để dư luật hiệu quả và khả thi, các quy định cần được xây dựng trên cơ sở công bằng đối với mọi đồ uống có cồn, chứ không nên hướng tới việc hạn chế, cấm đoán những hoạt động kinh doanh và sản phẩm hợp pháp.

Phương Danh

Từ khóa:  bia rượu
Cùng chuyên mục
XEM