Giới nhà giàu thế giới đang giữ tiền mặt kỷ lục do lo sợ bất ổn kinh tế

11/08/2016 09:20 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Wealth X Billionaire Census, các tỷ phú trên thế giới đang giữ 1,7 nghìn tỷ USD tiền mặt, mức cao nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu khảo sát từ năm 2010.

Báo cáo của Billionaire Census cho thấy 2.473 tỷ phú trên thế giới đang giữ 22,2% tổng số tài sản của mình dưới dạng tiền mặt do lo ngại những vấn đề bất ổn ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Ngoài ra, việc mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty ngày một gia tăng khiến nhà đầu tư bán được cổ phiếu chuyển đổi ra tiền mặt cũng khiến lượng tiền mặt mà các tỷ phú nắm giữ nhiều hơn trước.

Báo cáo của Billionaire Census tương đồng với những khảo sát gần đây của các tổ chức khác. Một nghiên cứu mới đây của ngân hàng UBS cho thấy các tỷ phú Mỹ đang nắm giữ khoảng 20% tổng số tài sản của họ dưới dạng tiền mặt, tương đương với mức bình quân thời kỳ hậu khủng hoảng 2008.

Thêm vào đó, UBS cho rằng sự bất ổn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng khiến nhà đầu tư ưa thích nắm giữ tiền mặt hơn là để trong ngân hàng hay dưới các dạng tài sản khác.

Nghiên cứu của Billionaire Census cũng cho thấy nhiều tỷ phú có thể đang đứng ngoài thị trường chứng khoán và những kênh đầu tư khác nhằm chờ đợi sự đi xuống của thị trường để có thể mua vào.


Kinh tế bất ổn, giữ tiền mặt là an toàn nhất. Ảnh minh họa. Nguồn CNBC

Kinh tế bất ổn, giữ tiền mặt là an toàn nhất. Ảnh minh họa. Nguồn CNBC

Năm 2015, tổng số tài sản của giới nhà giàu thế giới đã tăng 5,4% lên 7,7 nghìn tỷ USD, cáo hơn mức GDP của bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi Châu Âu vẫn là nơi có nhiều tỷ phú nhất với 806 người thì Châu Á lại là nơi có số người giàu tăng nhanh nhất với 15% lên 645 người. Bắc Mỹ có 628 tỷ phú với mức tăng trưởng 3%.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của các tỷ phú cũng đang thay đổi nhanh chóng. Mảng tài chính, bao gồm các quỹ đầu tư, ngân hàng và các mảng đầu tư khác vẫn đem lại khoảng 15% tổng số tỷ phú trên thế giới. Tuy nhiên mức đóng góp này đã giảm 4 điểm phần trăm so với năm trước đó và đang gặp khó trước sự biến động của nền kinh tế toàn cầu.

Tài sản của những tỷ phú trong ngành ngân hàng đã giảm 6,6% xuống 1,2 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, những tỷ phú kinh doanh nhiều mảng khác nhau (Industrial Conglomerates), tạo thành những tập đoàn khổng lồ đa quốc gia, lại chiếm 12,8% trong tổng số tỷ phú trên toàn cầu. Tỷ lệ này chỉ đứng thứ 2 sau mảng tài chính nhưng lại tăng từ mức 12,1% trong năm trước, qua đó cho thấy chiến lược kinh doanh nhiều mảng khác nhau đang thu được kết quả tốt.

Những ngành nghề có mức tăng trưởng tỷ phú nhiều nhất là bảo hiểm, bán lẻ, dịch vụ kinh doanh và công nghệ thông tin.

Hơn một nửa số tỷ phú trong danh sách khảo sát của Billionaire Census là “tự lập”, nghĩa là họ tự xây dựng lên đế chế tài sản của mình từ hai bàn tay trắng. Chỉ có khoảng 13% số tỷ phú trong danh sách là được thừa hưởng từ tài sản thừa kế của gia đình.

Dẫu vậy, báo cáo này cũng cho thấy số tỷ phú thừa hưởng một phần tài sản và tự tay phát triển số tài sản ấy đang tăng nhanh. Hiện cố tỷ phú “tự lập một nửa” này đang chiếm 31% trong danh sách, tăng 6% so với năm trước.

Đây là điều dễ hiểu khi nhiều tỷ phú thừa hưởng tài sản có ý định dùng chúng cho đầu tư, kinh doanh và mở rộng khối tài sản đó thay vì hưởng thụ.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM