Người thành công hay dậy sớm, nhưng nếu bạn tập dậy sớm có chắc chắn thành công?
Chỉ vì một số người thành công dậy sớm nên nhiều người nghĩ đây là đặc điểm chung của những người thành công.
Ai trong chúng ta cũng từng nghe câu: Muốn thành công thì phải dậy sớm. Chúng ta thấy nhiều tấm gương như CEO Apple, Tim Cook dậy lúc 3h45 sáng, CEO Fiat, Sergio Marchionne dậy lúc 3h30 sáng, còn Richard Branson thì dậy lúc 5h45 sáng.
Nhưng liệu dậy sớm có phải là đặc điểm chung của hầu hết những người thành công không? Phải chăng nếu bạn không dậy sớm, cuộc đời bạn sẽ bớt thành công? Với một nửa trong số chúng ta, đây không phải là vấn đề. Người ta ước tính rằng khoảng 50% dân số không thuộc nhóm người thích dậy sớm hoặc thích ngủ muộn, mà họ nằm đâu đó ở giữa.
Dù vậy thì cứ bốn người thì sẽ có một người là "chim sớm" và một người là "cú đêm". Với họ, ảnh hưởng có thể nhiều hơn việc ngủ gục trước màn hình TV lúc 10 giờ tối hay thường xuyên đi làm trễ. Nghiên cứu cho thấy giữa người yêu dậy sớm và người thích thức khuya thể hiện sự phân chia điển hình của não bộ: xu hướng phân tích và hợp tác của não trái so với xu hướng tưởng tượng và độc lập của não phải.
Nhiều nghiên cứu cho thấy người thích dậy sớm thường kiên trì, tự chủ và dễ chịu hơn. Họ đặt ra muc tiêu cao hơn cho bản thân, lên kế hoạch cho tương lai nhiều hơn và sống hạnh phúc hơn. So với cú đêm, họ ít phiền muộn, ít uống rượu và hút thuốc hơn.
Tuy người dậy sớm có thể đạt nhiều thành tựu, các cú đêm thường vượt trội hơn về trí nhớ, khả năng nhận thức và xử lý vấn đề. Người thức đêm cởi mở với trải nghiệm mới hơn và cũng thích đi tìm những trải nghiệm này hơn. Một nghiên cứu đã cho thấy những người thức khuya cũng khỏe mạnh và khôn ngoan không kém người dậy sớm.
Bạn vẫn cho rằng người dậy sớm có tiềm năng trở thành CEO hơn? Đừng vội đặt đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng. Thật ra, việc thay đổi thời gian ngủ cũng không có tác dụng nhiều..
Theo nhà sinh học Katharina Wulff: "Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều nếu được sống theo đồng hồ tự nhiên của mình. Ta làm việc hiệu quả hơn, năng lực tinh thần cũng mở rộng hơn." Mặt khác, việc ép buộc một người sống quá khác với đồng hồ sinh học tự nhiên của họ có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn, khi dậy sớm, cơ thể các cú đêm vẫn đang tiết melatonin. Bạn làm gián đoạn quá trình đó và đẩy cơ thể vào trạng thái ban ngày. Điều đó có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực về mặt sinh lý
Xu hướng thức khuya hay dậy sớm này có thể thay đổi khi bạn lớn tuổi. Trẻ em thường dậy sớm, các thanh niên tuổi 20 thích thức khuya và khi đến độ tuổi 50 con người ta sẽ lại dậy sớm. Nhưng so với bạn bè đồng trang lứa, thời gian ngủ và thức của bạn thường giống họ.
Trong lúc vội vã đi tìm ‘bí mật’ của thành công, ta thường bỏ quên một số điều. Đầu tiên, không phải người thành công nào cũng dậy sớm và không phải người dậy sớm nào cũng thành công. Thêm nữa, sự tương quan giữa dậy sớm và thành công không hề có quan hệ nhân quả. Nói cách khác, việc dậy sớm có mang lại lợi ích hay không là điều chưa chắc chắn. Thay vào đó, điều chắc chắn là hầu hết chúng ta đều mong được bắt đầu làm việc hoặc đi học vào lúc 8-9 giờ sáng
Nếu bạn đã quen dậy sớm, sự kết hợp của những thay đổi về mặt sinh học, từ hormone cho tới nhiệt độ cơ thể, sẽ giúp bạn sẵn sàng cho ngày mới hơn các "cú đêm". Điều này nghĩa là người thích dậy sớm sẽ làm việc tốt hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn.
Với một "cú đêm" thức dậy lúc 7 giờ sáng, cơ thể vẫn nghĩ là họ đang ngủ và vận hành theo đó. Vì vậy họ không thể nhập cuộc nhanh như người thích dậy sớm dậy đúng giờ. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người thức khuya thường phải hoạt động khi cơ thể họ không muốn. Do đó, họ phải tìm cách để sáng tạo và phá cách hơn. Thêm nữa là quan niệm thông thường của xã hội thường là người thức khuya dậy trễ là lười biếng, hầu hết mọi người đều cố hết sức có thể để dậy sớm.
Bạn vẫn nghĩ chuyển sang dậy sớm sẽ tốt hơn ư? Tiếp xúc với ánh sáng sớm (tự nhiên), tránh ánh sáng nhân tạo buổi đêm giờ có thể hữu ích. Nhưng vì bạn đang hoạt động trái với hệ thống sinh học tự nhiên của mình, bất cứ thay đổi nào cũng cần có kỷ luật và sự kiên trì thì mới có thể kéo dài. Do những người thức khuya thường có chu kỳ ngày dài hơn, họ thường không quen với lịch trình 24 giờ và việc điều chỉnh có thể khó khăn hơn đối với họ.
Nếu dậy sớm không đảm bảo cho chúng ta vị trí của CEO, có lẽ ta chẳng cần thực hiện thay đổi lớn nào trong thời gian biểu của mình.