Người Nhật muốn học theo đức tính này của người Việt: Bận mấy cũng phải ngủ trưa, không bao giờ rời cơ quan muộn dù chỉ 1 phút!

01/03/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Rời văn phòng đúng giờ, không làm thêm quá 1 phút, bận rộn đến mấy cũng phải ngủ trưa là những đặc điểm khiến người Nhật phải nể phục lao động Việt.

Người Nhật vốn nổi tiếng chăm chỉ nhưng thói quen làm việc quên giờ giấc tại đây đang gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Năm 2015, vụ tự sát của một phụ nữ trẻ do áp lực làm việc từ công ty đã trở thành đề tài gây xôn xao trên khắp nước Nhật và thậm chí là toàn thế giới, làm dấy lên những lo ngại về văn hóa làm việc tại quốc gia này và vấn đề đạo đức của các công ty khi gây áp lực lên tinh thần và thể chất của nhân viên.

Khi vấn đề ngày một trở nên nghiêm trọng như vậy, Nikkei - một tờ báo nổi tiếng của Nhật Bản vừa có bài viết đưa ra gợi ý rằng đất nước của họ có thể học hỏi ngay người hàng xóm ở khu vực Đông Nam Á là Việt Nam để giải quyết tình trạng người dân làm việc quá tải.

“Tôi rất chia sẻ với mất mát của bố mẹ cô gái. Tuy nhiên thành thật mà nói, tôi không hiểu sao cô ấy lại muốn kết thúc cuộc đời mình theo cách như vậy”, một người Việt Nam 32 tuổi bày tỏ cảm xúc khi nghe kể câu chuyện cô gái Nhật tự sát do áp lực từ công việc.

Người Việt Nam vốn rất nghiêm ngặt về thời gian làm việc và gần như đều rời văn phòng đúng giờ mỗi ngày. Một vài người Nhật làm việc tại đây thì phàn nàn rằng các đồng nghiệp Việt Nam chưa làm tròn trách nhiệm công việc của họ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng cách làm việc như vậy của người lao động Việt là tốt và đạt đến độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Học sinh tại Việt Nam được nghỉ ngơi sau khi ăn trưa mỗi ngày. Các nhân viên văn phòng cũng vậy, họ thường được nghỉ khoảng 1,5 giờ cho bữa trưa và vì vậy họ có thể chợp mắt ngay trên ghế, hoặc bàn làm việc trước khi đến giờ làm việc buổi chiều.

Đặc biệt, dù công việc có chồng chất tới đâu, người Việt Nam luôn đảm bảo họ phải được nghỉ trưa. Làm việc quá giờ là điều rất hiếm khi diễn ra tại đây và nếu yêu cầu làm việc thêm khoảng 2 giờ, chắc chắn người lao động ở Việt Nam sẽ nhận được một khoản bồi thường kha khá.

Điều này đối ngược hoàn toàn so với vẻ bận rộn, bữa trưa vội vã của những người lao động ở Tokyo – những người vốn luôn chồng chất rất nhiều loại công việc mà tưởng như không bao giờ kết thúc.

Điều này cũng làm dấy lên câu hỏi về văn hóa khắc nghiệt của người Nhật để bỏ làm thêm giờ mà dành cho những nghỉ ngơi cá nhân và từ chối lương làm thêm giờ.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, phụ nữ Việt Nam có trung bình 26 tuần nghỉ thai sản. Con số này nhiều gấp đôi so với trung bình ở những quốc gia thuộc ASEAN.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt thậm chí còn xây dựng cả nhà trẻ dành riêng cho cán bộ nhân viên công ty mình. May 10 là một ví dụ. Họ đã xây dựng một nhà trẻ với sức chứa 330 trẻ. Mức phí trông giữ trẻ là 1,2 triệu VNĐ mỗi tháng/mỗi nhân viên mà không phải mất thêm chi phí đón con muộn.

Dĩ nhiên vẫn còn nhiều rào cản nhưng những điều kiện dành cho lao động nữ của một số công ty Việt khiến nước Nhật phải cảm thấy hổ thẹn.

Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn Nhật Bản rất nhiều nhưng có rất nhiều điểm Nhật Bản nên học hỏi từ quốc gia này để có một môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân, Nikkei kết luận.

KAIZEN - Phương pháp chữa lười trong 1 phút của người Nhật Bản

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM