Người đưa “thung lũng Silicon thu nhỏ” về Việt Nam đã áp dụng điện toán đám mây trong vận chuyển nông sản như thế nào?
Xuất phát từ việc nông sản hư hại trong quá trình vận chuyển hoặc xuất khẩu, một công ty ở Trà Vinh đã đưa ra giải pháp dùng bộ cảm biến nhiệt - ổ khóa thông minh để điều chỉnh mức nhiệt phù hợp áp dụng công nghệ điện toán đám mây.
“Tôi còn quá trẻ để nghỉ ngơi”, đó là câu nói của ông Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh. Thế nên, ở tuổi 61, ông khởi nghiệp lại ở ngành nông nghiệp, không phải 1 mà là 3 công ty khởi nghiệp. Và những sản phẩm của ông Mỹ được áp dụng công nghệ điện toán đám mây, được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới trong việc giải bài toán nông nghiệp.
Sản phẩm áp dụng công nghệ điện toán đám mây
Các sản phẩm của ông Mỹ hiện được áp dụng công nghệ điện toán đám mây trong vận chuyển nông sản rất hiệu quả.
Một trong số các sản phẩm của ông là bộ cảm biến nhiệt độ trong xe và ổ khóa thông minh ngoài xe giúp thu và truyền tín hiệu lên hệ thống đám mây, giúp chủ hàng kiểm soát được nhiệt độ trong xe, tránh được việc hoa quả, thủy sản bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Cụ thể, cảm biến được đặt trong thùng xe còn ổ khóa thông minh đặt ngoài xe. Dữ liệu về nhiệt độ sẽ chuyển đến ổ khóa, dữ liệu từ ổ khóa gửi lên điện toán đám mây. Container đi đến đâu, nhiệt độ bao nhiêu trong container đó là người bán và người chở hàng đều biết.
Người bán hàng và người vận chuyển sẽ thỏa thuận với nhau về mức nhiệt cụ thể trong xe trong suốt quá trình vận chuyển. Và vì vậy, họ có thể theo dõi được nhiệt độ trong thùng xe để đảm bảo nông sản, thủy sản không bị hư.
“Rất nhiều hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam khi vận chuyển được sang nước ngoài bị trả về. Quá trình vận chuyển có thể qua đường biển hàng tháng trời và cuối cùng không bán được, gây thiệt hại lớn nhưng khó tìm ra nguyên nhân. Có thể do va đập hay nhiệt độ trong thùng quá cao. Bộ cảm biến nhiệt độ và ổ khóa thông minh sẽ giải quyết vấn đề này”, anh Cường, trợ lý của ông Mỹ, giải thích cho chúng tôi.
Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng quá trình vận chuyển nông sản đang làm hư hại khoảng 40% sản phẩm nông sản, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Xuất phát từ thực trạng này, RYLAN Technologies của ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada, đã đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này để giải quyết các vấn đề trong khâu vận chuyển nông sản.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là người sáng lập ra Tập đoàn Mỹ Lan, một công trình đồ sộ tại vùng đất nghèo Trà Vinh. Ông Mỹ đã chuyển giao quyền điều hành Mỹ Lan cho vợ vào năm 2015 để khởi nghiệp lại ở tuổi 60. Ba công ty startup của ông Mỹ đều tập trung vào các giải pháp nông nghiệp, trong đó có RYLAN Technologies.
Làm nông nghiệp "thông minh"
Có đến Trà Vinh, chúng tôi mới hiểu được những sản phẩm mà ông Mỹ đang làm. Ngoài công ty Mỹ Lan, công trình đồ sồ như một khu nghỉ dưỡng ở một huyện nghèo ở tỉnh Trà Vinh, bên kia con sông là cù lao. Nơi ấy chính là tổ ấm của gia đình ông và cũng là nơi thành viên công ty khởi nghiệp của ông đang say mê lao động.
Khu vực hoạt động của các công ty khởi nghiệp nằm dưới lòng đất, phía trên là gia đình ông ở. Bên ngoài là hồ bơi, vườn tược, sông nước. Ông dí dỏm: “Đây là thung lũng Silicon thu nhỏ đó, thấp hơn so với mặt đất giống như từ valley (thung lũng)".
Khi nói về các công ty khởi nghiệp, ánh mắt của người đàn ông có mái tóc hoa râm lại sáng lên. Những trăn trở về thực phẩm bẩn, về cái đang sai: Quê hương mình tôm cá đầy đồng, rau cỏ tươi tốt, sao người dân lại phải ăn đồ bẩn và ông Mỹ thấy được những cái sai trong nông nghiệp.
Cả ở 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp là vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ đều có cái sai. Và ông muốn làm đúng những cái đang sai đó. Thế là các công ty khởi nghiệp về nông nghiệp ra đời.
Bên cạnh bộ cảm biến nhiệt độ và khóa thông minh cho xe chở nông sản, ông Mỹ còn có nhiều sản phẩm công nghệ cao cho nông nghiệp như phân bón thông minh chỉ cần bón một lần, bao bì thông minh giúp giữ nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất; đồng hồ nước thông minh giúp phát hiện rò rỉ nước và giảm nhân lực trong ngành…
Tại hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra vừa qua (18/12/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị dành cho nông nghiệp công nghệ cao gói tín dụng ưu đãi 60.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay trong hôm nay (2/2/2017), ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng đã quyết định nâng gói ưu đãi này từ 60.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng.
Tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc nâng gói tín dụng này là cách giải được bài toán cho nông nghiệp Việt Nam.
Theo đó, giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam”, Thủ tướng cho hay.