Người bình thường chỉ tập trung vào câu trả lời, người giỏi sẽ đào sâu câu hỏi vì lý do sau
Những câu hỏi luôn có tầm ảnh hưởng. Dù chúng ta không hoàn toàn dám chắc về mức độ ảnh hưởng, nhưng chắc chắn là nó có thể mở khóa, tác động vào trí óc con người.
Sự phân chia tiến hóa của loài người
Nhà sử học từng nhận giải Pulitzer - David Hackett Fischer đã nhận thấy rằng câu hỏi là "động cơ của những bộ não trí tuệ có khả năng chuyển sự tò mò thành những câu hỏi có kiểm soát". Việc dùng từ "động cơ" của Fischer chỉ là một trong những phép ẩn dụ, được dùng để miêu tả sức mạnh đáng ngạc nhiên của câu hỏi. Những câu hỏi đôi khi được coi như chiếc thuổng giúp khai quật sự thật bị chôn vùi, theo cách nói của Dan Rothstein thuộc Viện nghiên cứu Right Question Institute (RQI), những câu hỏi "chiếu sáng tới những nơi bạn cần đi".
Khả năng đặt câu hỏi là một trong những điều phân biệt chúng ta với những loài động vật bậc cao khác, dù bằng lời nói hay các phương thức khác. Paul Harris, chuyên gia giáo dục tại Đại học Harvard, đã nghiên cứu những đứa trẻ bằng những câu hỏi và nhận thấy: "Không giống như những loại động vật bậc cao khác, con người chúng ta được thiết kế để con cháu có thể kế thừa những thông tin văn hóa từ cha ông".
Bên cạnh đó, ông còn nhận thấy rằng "sự phân chia tiến hóa" này xuất hiện từ những lứa tuổi rất nhỏ, ngay cả trước khi học nói, con người đã dùng các cách thức hỏi khác nhau để lấy thông tin. Khi một đứa trẻ chỉ vào một quả kiwi, nó muốn thu hút sự chú ý của người lớn để thể hiện khao khát được biết nhiều hơn về quả kiwi đó. Nhưng loài vượn thì khác, có thể chúng cũng giống con người khi dùng cử chỉ để ra dấu xin đồ ăn, nhưng đó chỉ là nhu cầu lương thực cơ bản, không giống nhu cầu tìm kiếm thông tin như con người.
Và như thế, một trong những bước đầu tiên của việc đặt câu hỏi là sự nhận thức về những điều mới lạ. Đây là một dạng của nhận thức bậc cao, nó không chỉ phân biệt loài người với loài khỉ, mà còn phân biệt một người thông minh với một kẻ đần độn. Những người biết đặt câu hỏi tốt là những người nhận thức được, thậm chí khá thoải mái với hạn chế hiểu biết của bản thân. Nhưng ngay lập tức, họ khám phá vùng đất của sự thiếu hiểu biết ấy bằng ánh sáng và chiếc xẻng làm từ các câu hỏi.
Tác giả Stuart Firestein, trong một cuốn sách của mình: "Ignorance: How It Drives Science" (tạm dịch Sự ngu dốt ảnh hưởng thế nào đến khoa học ), đã lập luận rằng một trong những chìa khóa để khám phá khoa học chính là sự sẵn lòng học hỏi và khả năng sử dụng những câu hỏi như một công cụ tìm ra những điều mới. "Một câu hỏi hay có thể tạo ra nhiều lớp câu trả lời, truyền cảm hứng cho những cuộc tìm kiếm kéo dài hàng thập kỷ, tạo ra những lĩnh vực nghiên cứu mới, thậm chí thay đổi những suy nghĩ cổ hủ," Firestein viết, "Những câu trả lời, trái lại, thường kết thúc tiến trình đó."
Sức mạnh của câu hỏi
Tác động to lớn của những câu hỏi đã được nghiên cứu bởi Tiến sĩ Rothstein. Cùng với đồng nghiệp Luz Santana, anh đã thành lập Học viện Câu Hỏi Đúng (Right Question Institute - RQI), một nhóm phi lợi nhuận nhỏ với mục tiêu giúp mọi người nâng cao kĩ năng đặt câu hỏi. Rothstein tin rằng những câu hỏi luôn có tầm ảnh hưởng. Anh không hoàn toàn dám chắc về mức độ ảnh hưởng, nhưng chắc chắn là nó có thể mở khóa, tác động vào trí óc con người.
"Đó là trải nghiệm mà bất cứ ai cũng sẽ một lần có trong đời." Rothstein nhấn mạnh: "Chỉ cần nghe hoặc hỏi một câu hỏi đúng, bạn sẽ có cảm giác như khám phá ra thứ gì đó mới lạ. Đây được gọi là hiệu ứng bóng đèn".
Rothstein đã chứng kiến hiện tượng này khi làm việc trong một lớp học, nơi các học sinh (dù là người lớn hay trẻ con) động não và suy nghĩ chỉ bằng các câu hỏi. Rothstein cho rằng khi họ làm vậy, cửa ngõ của trí tưởng tượng dường như được mở ra. Các học viên trở nên tập trung hơn, hào hứng hơn khi làm việc nhóm. Các ý tưởng bắt đầu xuất hiện dưới dạng những câu hỏi. Tác giả Polly LaBarre của Harvard Business Review đã miêu tả một cách sống động và sáng tạo những tác động của việc đặt câu hỏi trong tạo lập doanh nghiệp như sau: Những câu hỏi có sức mạnh "phá vỡ, xuyên thủng, hài hước và tích cực", giúp "đẩy con người tới trạng thái sẵn sàng kiến tạo những thứ mới".
Làm sao những câu hỏi lại có thể làm được điều này? Nhà thần kinh học và tác giả Ken Heilman, một chuyên gia đi đầu về các hoạt động sáng tạo của bộ não, thừa nhận rằng đã có một số ít các công trình nghiên cứu tập trung vào những phản ứng trong não bộ khi ta đặt câu hỏi. Những nhà tâm thần học ngày nay có thể nói chính xác cho ta biết điều gì xảy ra trong vỏ não khi ta mơ mộng, xem quảng cáo hay chơi trò đố chữ, nhưng kỳ lạ thay, không ai nói gì về tiến trình của não bộ khi ta đặt câu hỏi.
Tuy nhiên Heilman cũng chỉ ra từ trước đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về logic não bộ và tư duy phân cực - tiến trình tinh thần nhằm nghĩ ra những ý tưởng mới. Heilman nhấn mạnh, "Bởi vì tư duy phân cực là kiểu, ‘Này, sẽ ra sao nếu tôi nghĩ theo cách khác về vấn đề này nhỉ?’, thực chất đó là hành động đặt câu hỏi.
Những gì ta biết về tư duy phân cực là nó xảy ra hầu hết ở bán cầu não phải vốn thiên về sáng tạo. Nó tận dụng trí tưởng tượng để liên kết những ý tưởng (thứ khởi nguồn sáng tạo); sau đó thúc đẩy trí thông minh và sự thỏa mãn. Vì những câu hỏi hình thành tư duy phân cực nên sẽ không ngạc nhiên nếu chúng có thể mở rộng tâm trí ta như những gì Rothstein đã chứng kiến trong các lớp học sử dụng phương pháp dạy dựa trên câu hỏi của RQI.
Tuy nhiên, Rothstein cũng chỉ ra, những câu hỏi không chỉ bắt đầu mà còn có thể định hướng và tập trung quá trình tư duy. Trong những bài tập của ông, ban đầu, học sinh có thể đưa ra những dự đoán với mệnh đề phân cực "nếu - thì" nhưng sau cùng họ sẽ sử dụng câu hỏi của chính mình để "hội tụ" (tập trung) suy nghĩ cho đến khi hiểu được cốt lõi của vấn đề và tranh luận về cách hành động. Thậm chí họ còn sử dụng những câu hỏi "tư duy siêu nhận thức" khi phân tích và phản biện lại những câu hỏi của chính mình. "Mọi người thường cho rằng việc đặt câu hỏi rất đơn giản", Rothstein nói, nhưng nếu được làm đúng cách, "nó sẽ trở thành một dạng bậc cao phức tạp của tư duy."
Sẵn lòng đặt câu hỏi là một chuyện, đặt một câu hỏi hay và hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Không phải tất cả mọi câu hỏi đều có những hiệu quả tích cực. Những câu hỏi mở - đặc biệt là những kiểu câu hỏi Tại sao, Sẽ ra sao nếu, Làm thế nào không thể được trả lời bởi chỉ những lập luận đơn giản – thông thường sẽ khuyến khích tư duy sáng tạo hơn là những câu hỏi đóng dẫn đến câu trả lời kiểu Có hay Không (tuy nhiên những câu hỏi đóng cũng có điểm hay riêng, chúng ta sẽ nói về điều này sau).
(*) Nội dung tham khảo cuốn: Nghệ thuật đặt câu hỏi tỏng kinh doanh.