Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: "Ai sẽ xây dựng đất nước?"

29/04/2016 10:29 AM | Kinh tế vĩ mô

Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mong mỏi lớn nhất của Bác Hồ là xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Song Thủ tướng đặt câu hỏi: Ai sẽ xây dựng đất nước?

Sáng nay, 29/4, Hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp chính thức diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban bộ ngành cùng với sự tham gia của 300 doanh nghiệp tư nhân, gần 100 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước...

Trước sự hiện diện của hàng trăm đại biểu, dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mong mỏi lớn nhất của Bác Hồ là xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Song, Thủ tướng đặt câu hỏi: Ai sẽ xây dựng đất nước?

"Đi đầu xây dựng đất nước là doanh nghiệp Việt Nam, tạo việc làm, tạo GDP. Người tiên phong đó phải được quan tâm, lắng nghe và tạo điều kiện cho phát triển đất nước.

Trong quá trình phát triển đổi mới 30 năm, có nhiều mặt tiến bộ thì có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam ở mọi thành phần kinh tế" - Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Chính vì vậy, cuộc gặp mặt này để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn với cộng đồng Doanh nghiệp. Những thành viên Chính phủ gồm cả cơ quan tư pháp, Quốc hội, sẽ cùng cơ quan hành phát hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DN.

"Cuộc gặp này phải thực chất cho Tổ quốc và doanh nghiệp. Cần tránh bệnh thành tích chỉ là gặp gỡ hình thức, mà phải lắng nghe những vấn đề thiết thực, sau khi lắng nghe lãnh đạo các bộ ngành phải phát biểu quan điểm rõ ràng trong giải phóng sự phát triển của doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng tại cuộc gặp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới sẽ xây dựng một Chính phủ vì dân, Chính phủ hành động.

Theo Chủ tịch VCCI, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập.

Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Dẫu biết rằng các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Trong riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện DN, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra các kiến nghị, cần phải làm ngay: Phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức”được cho doanh nghiệp.

Hai là, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Kiến nghị về các nhóm chính sách cũng được đưa như: Nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro và chi phí; nhóm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DN...

Thụy Du

Cùng chuyên mục
XEM