Nghiên cứu 1.000 người trên 100 tuổi phát hiện: 3 bí quyết sống thọ không tốn 1 đồng, ai cũng dễ dàng áp dụng
Bí quyết trường thọ này không phải là tập thể dục hay ăn kiêng như nhiều người vẫn nghĩ.
Ben Meyers và Fabrizio Villatoro là thành viên của LongeviQuest, một tổ chức xác nhận tuổi của những người sống lâu nhất thế giới. Nhờ công việc của mình, Meyers, Giám đốc điều hành đã cơ hội gặp gỡ, khảo sát 1.000 người sống trên 100 tuổi. Villatoro, Chủ tịch của tổ chức này tại khu vực Châu Mỹ Latinh cũng đã đích thân xác nhận độ tuổi của những người sống trên 100 tuổi.
Chia sẻ với Insider, 2 nhà nghiên cứu về tuổi thọ đã phát hiện ra những điều đáng ngạc nhiên mà những người này làm được giúp đạt được số tuổi mơ ước. Meyers và Villatoro cho rằng 3 thói quen và lối tư duy này là chìa khoá giúp những người này trở thành các cá nhân sống thọ nhất nhì thế giới.
Không căng thẳng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát
“Nhiều người sống trên 100 tuổi tập trung vào những điều họ có thể kiểm soát nhưng không quá căng thẳng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát”, Meyers nói.
Họ thậm chí không có xu hướng lo lắng về tuổi thọ của mình. “Tôi chưa gặp một người trăm tuổi nào thực sự có mục tiêu sống lâu như vậy. Tất cả họ đều rất ngạc nhiên khi có thể sống lâu như vậy. Họ tận hưởng cuộc sống của mình và hạnh phúc khi vẫn còn ở đây bên con cháu”, ông chia sẻ.
Thay vào đó, họ tập trung vào những gì quan trọng đối với mình, chẳng hạn như những người đang đối xử tốt với mình. Villatoro cho biết hầu hết những người trăm tuổi mà ông gặp gỡ ở Mỹ Latinh đều hướng về gia đình và sống không chút căng thẳng.
Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, căng thẳng là thủ phạm, gây đột quỵ, và suy giảm tuổi thọ. Stress là cơ chế tự vệ rất quan trọng. Nó động viên nội lực của chúng ta vào thời điểm bị đe doạ. Khi ấy, các hormone stress (trong đó có adrenalin và cortisol) được tiết xuất vào tuần hoàn máu với nhiệm vụ bổ sung cho cơ thể sức mạnh và tăng khả năng chịu đựng đau đớn. Tăng tốc hoạt động tim, tăng huyết áp, thở sâu hơn và tăng nhịp hô hấp, cải thiện phản xạ. Cơ chế này hữu ích khi chúng ta rơi vào tình huống tính mạng bị đe dọa hoặc phải giải quyết việc quan trọng.
Tiếc rằng nhịp sống gấp gáp của cuộc sống đương đại bề bộn nghĩa vụ bắt buộc chúng ta sử dụng liều kích thích tự nhiên này quá thường xuyên. Thay vì bổ sung sức mạnh, trạng thái stress kéo dài dẫn đến suy nhược và tàn phá hệ miễn dịch, gây sự cố với hệ tim-mạch, tiếp tay cho những bệnh trao đổi chất cũng như đe dọa xuất hiện bệnh ung thư.
Làm việc không ngừng nghỉ
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường có lợi cho tuổi thọ. Ở đảo trường thọ Sardinia (Italy), người dân thường ưu tiên gia đình hơn là sự nghiệp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa, những người sống trên 100 tuổi không làm việc chăm chỉ và chơi hết mình. Villatoro và Meyers chia sẻ rằng những người trăm tuổi ở Mỹ Latinh đã làm những công việc tay chân nặng nhọc trong phần lớn cuộc đời của mình. Họ có thể chuyển sang làm những công việc đỡ nặng hơn về mặt thể chất khi đến một độ tuổi nhất định, nhưng “đôi khi họ vẫn làm việc cho đến hơn 100 tuổi”.
Luôn giữ cho mình bận rộn
Những người sống đến 100 tuổi mà Villatoro từng gặp không bao giờ ngừng bận rộn ngay cả khi họ đã cao tuổi. Duy trì hoạt động của cả cơ thể và tâm trí là chìa khoá quan trọng cho tuổi thọ. Ví dụ, tập thể dục nhóm đặc biệt có lợi vì nó kết hợp giữa tiếp xúc xã hội và tập thể dục. Trong khi đó, việc đọc sách báo, chơi ô chữ hoặc tham dự các bài giảng hoặc khoá học mang tính giáo dục có thể giúp duy trì chức năng nhận thức.
"Ngay cả khi họ không làm việc ở tuổi 100, họ vẫn tìm cách lấp đầy thời gian trong ngày bằng cách dành thời gian cho xã hội hoặc gia đình, đọc báo - nhiều hoạt động khác nhau. Ngay cả khi họ không còn ở tình trạng thể chất tốt nữa, họ vẫn có cách để kích thích tinh thần", Villatoro nói về những người trăm tuổi.