Nghèo như Việt Nam hay giàu như Nhật Bản, người dân quê đều thích đổ về thủ đô

20/07/2016 10:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh dân số Nhật ngày một già và giảm, nhiều khu vực nông thôn đối diện với khả năng biến mất thì tại Tokyo, mọi chuyện lại xảy ra ngược lại.

Với những ai sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại thủ đô như Hà Nội, sẽ cảm nhận rất rõ sự tăng lên chóng mặt của dân số, đặc biệt là tăng cơ học. Theo thống kê, mỗi năm quy mô dân số Hà Nội dự kiến tăng thêm tương đương dân số 1 huyện lớn, khoảng 200.000 người.

Cuộc sống tại các đô thị trung tâm thường gắn liền với công ăn việc làm, tiện nghi cuộc sống đầy đủ. Những yếu tố này trở thành lực hút ngày càng nhiều người dân ở các địa phương khác dồn về làm ăn và sinh sống. Điều đó không chỉ xảy ra với Hà Nội, mà còn là câu chuyện tại nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, trong đó có Tokyo.

Người trẻ Nhật bỏ quê lên phố

Cách Hà Nội 3.700km, tại Tokyo, Nhật Bản, gia đình cô Akiko Shirota là một trong số hàng trăm nghìn gia đình Nhật đã chuyển đến Tokyo và các vùng phụ cận trong nhiều năm trở lại đây.

Họ đã chuyển đến quận Setagaya, Tokyo sống cách đây 2 năm và họ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống ở đây.

“Việc được sống ở Tokyo không chỉ có ý nghĩa về vật chất, nó còn là danh dự. Suốt bao nhiêu năm, chồng tôi luôn ước mơ sẽ được sống ở Tokyo. Chính vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng để ở lại đây dù vất vả thế nào đi nữa”, cô Akiko Shirota cho biết.

Trước đây, gia đình cô Shirota sống tại một khu vực khá xa xôi thuộc tỉnh Chiba, phía đông Tokyo. Nhiều người bạn khác của cô cũng đã rời Chiba đến Osaka. Tokyo và Osaka, theo quan điểm của Shirota và nhiều người bạn cô, mang đến cho con cái họ nhiều cơ hội học tập và tận hưởng cuộc sống hơn, họ có thể sẽ về nông thôn sống, nhưng sẽ là sau này khi con cái lớn lên và trưởng thành.

Trong bối cảnh dân số Nhật ngày một già và giảm, nhiều khu vực nông thôn đối diện với khả năng biến mất khi dân số giảm quá nhanh, tuy nhiên tại Tokyo, ngài thị trưởng thành phố này lại đang đối diện với vấn đề hoàn toàn trái ngược.

Những chuyến tàu đông nghẹt, trường học đông đúc và danh sách dài học sinh chờ được xếp lớp vào trường tiểu học đã trở thành điều bình thường tại quận Setagaya, quận đông đúc nhất trong 23 quận tại Tokyo. Tình trạng này là tất yếu khi mà người Nhật cứ đổ xô ra thành phố.

Và trong mớ hỗn độn những khó khăn đó, ngài quận trưởng của Setagaya, ông Nobuto Hosaka, đã nghĩ ra thêm nhiều cách để giải quyết tình trạng đông đúc quá mức. Ông xây dựng quan hệ chặt chẽ với các tỉnh nông thôn và đưa ra chính sách khuyến khích người trẻ về nông thôn, đổi lại họ nhận được khá nhiều hỗ trợ.

“Khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải trái ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra trên khắp nước Nhật. Tôi không hề muốn người Nhật cứ đua nhau ra thành phố sống. Chính điều đó đã gây ra tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong nhiều ngành, ví như ngành nông nghiệp. Giờ đây không còn ai muốn canh tác trên đồng ruộng nữa. Chính vì thế chúng tôi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để đưa người về nông thôn”, ông Nobuto Hosaka chia sẻ về quan điểm quản lý quận Setagaya.

Và chắc chắn, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng không thấy vui khi người dân đất nước ông chỉ thích sống ở thành phố.

Một giao lộ nằm tại quận Shibuya, Tokyo, Nhật Bản, được coi là một trong những giao lộ đông đúc nhất thế giới.
Một giao lộ nằm tại quận Shibuya, Tokyo, Nhật Bản, được coi là một trong những giao lộ đông đúc nhất thế giới.

Dân số Tokyo tăng cơ học, còn phụ nữ Nhật vẫn "lười" sinh con

Thống kê của cơ quan dân số cho thấy, tỷ lệ sinh của phụ nữ tại Tokyo thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh khác tại Nhật.

Cuộc sống đô thị khó khăn đắt đỏ khiến mỗi người phụ nữ phải cân nhắc quá nhiều yếu tố trước khi quyết định sinh con. Trong các chiến dịch vận động tranh cử trước đây của mình cũng như trong nhiều lần phát biểu trước công chúng, Thủ tướng Nhật đã liên tục khẳng định rằng tăng tỷ lệ sinh chính là một trong những mục tiêu chính sách trọng điểm của ông.

Rất nhiều chính trị gia cực kỳ lo lắng về những gì đang diễn ra tại Nhật. “Nếu người Nhật vẫn sinh đẻ ngày một ít đi, nó sẽ dẫn đến hồi cáo chung cho đất nước Nhật”, quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật, ông Shigeru Ishiba, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Chính phủ của ông Abe đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sinh lên mức 1,8 từ mức 1,46 hiện nay để giúp dân số Nhật giữ trên mức 100 triệu trong 50 năm tới. Hiện nay, dân số Nhật đang là 127 triệu. Tỷ lệ sinh tại Tokyo, một trong những đại đô thị lớn nhất châu Á và thế giới, hiện chỉ là 1,17 – mức sinh quá thấp này là hệ quả trực tiếp của tình trạng nhà cửa quá đông đúc, thiếu các cơ sở hỗ trợ chăm sóc trẻ em và người trẻ kết hôn ngày một ít đi.

Theo cựu Bộ trưởng Nội các Hiroya Masuda, cách duy nhất để đảm bảo cho sự tăng trưởng của dân số Nhật chính là có thêm nhiều chính sách để đưa người trẻ về nông thôn.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, các nhà hoạch định chính sách Nhật dường như không dành đủ sự chú ý đến khuyến nghị của các chính trị gia như ông Hiroya Masuda.

Còn về phía người dân, sẽ rất khó nếu muốn thuyết phục họ ra đi, trừ khi chính sách phải thực sự hấp dẫn.

Dân số quận Setagaya nói riêng và Tokyo nói chung tăng chóng mặt trong thập kỷ qua, nó đồng nghĩa với việc thêm hàng trăm nghìn lượt sử dụng tàu và các phương tiện công cộng mỗi ngày.

Một công ty vận hành hệ thống tàu điện, Odakyu Electric Railway, mới đây cũng đã phải công bố mở rộng hệ thống và tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày một tăng. Các khu nhà cho thuê chật chội đến nỗi nhiều người nghe thấy cả tiếng ồn từ điều hòa nhiệt độ của nhà hàng xóm.

Các trường học liên tiếp phải công bố kế hoạch xây thêm lớp học, mở rộng các khu vui chơi cho học sinh. Trên đường phố, làn đường dành cho xe đạp nhiều khi tắc nghẽn với hàng dài các bà mẹ chở con đi học.

Chính phủ Nhật cùng lúc đó đang lên kế hoạch chuyển nhiều cơ quan chính phủ ra khỏi nội vùng Tokyo để giúp Tokyo bớt đông đúc hơn. Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực trên mới chỉ thành công hạn chế và Tokyo cứ chật chội, ngột ngạt hơn qua các năm. Trong khi dân số Nhật mỗi năm giảm 0,2% thì dân số Tokyo cùng lúc đó tăng mỗi năm 0,7%.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM