Hãy quên đi trách nhiệm chăm sóc cha mẹ mình nếu bạn là người nước ngoài ở Nhật?

12/07/2016 19:05 PM | Sống

Tại phần đông các gia đình trên thế giới, con cái luôn có trách nhiệm phải chăm sóc và nuôi dưỡng bố mẹ lúc bố mẹ về già. Tại Nhật, điều đó cũng không phải ngoại lệ. Thông thường trách nhiệm chăm sóc bố mẹ sẽ thuộc về con trai lớn nhất và tất nhiên cả vợ của anh ta.

Thế nhưng trong bối cảnh xã hội Nhật hiện nay khi mà quy mô các gia đình nhỏ đi, người trẻ tuổi kết hôn muộn và thậm chí không kết hôn, trách nhiệm chăm sóc bố mẹ cũng khác xưa rất nhiều.

Dù vậy sẽ là sai lầm nếu nói rằng người trẻ hiện nay thiếu trách nhiệm hơn so với trước đây, chỉ là họ thể hiện bổn phận của mình theo cách khác.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế gia đình Nhật (IRHE), số lượng các đàn ông trung niên Nhật phải nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ già đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Cụ thể khoảng 13% trong số đàn ông từ 40 đến 64 tuổi đã buộc phải thôi việc để chăm sóc bố mẹ già, tỷ lệ này với phụ nữ cùng độ tuổi lên đến 27%.

Vấn đề chăm sóc cha mẹ già đối với người Nhật sống trên đất Nhật còn khó khăn như vậy, với người nước ngoài nó ở mức độ nào? Khó khăn gấp nhiều lần.

Cô Laura Dababneh là một người nhập cư vào Nhật. Cô đến Nhật từ Jordan cách đây khoảng 25 năm. Và theo lời kể của cô, cô cảm thấy trái tim mình như tan nát bởi chính sách visa ngặt nghèo của chính phủ Nhật.

Hơn 2 thập kỷ trước, Dababneh đến Nhật học và sau đó cưới chồng người Nhật. Hiện tại, cô hưởng đủ quyền lợi của một người nước ngoài sống trên đất Nhật, cô đã có hai con, tình hình tài chính khá ổn định. Thế nhưng cô đang phải đứng trước lựa chọn không hề dễ dàng cho cuộc sống của mình.

Bố cô tại Jordan đã mất từ lâu, chỉ còn lại mẹ cô sống một mình. Và với mức tiền lương hưu rất ít ỏi, cuộc sống của bà vô cùng khó khăn khi sức khỏe cứ yếu dần đi. Mắt mờ, tai điếc, thần kinh không bình thường, nhiều khi bà còn ngã trên sàn nhà khi không còn có thể tự làm các công việc vệ sinh cá nhân.

Tất nhiên, cô Dababneh rất xót xa. Người chồng Nhật của cô cũng rất tốt, anh đã từng xin nghỉ phép nhiều ngày để sang Jordan ở với bà, nhưng cuối cùng anh cũng phải quay lại Nhật để làm việc. Vợ chồng cô đã làm đơn nộp lên cục xuất nhập cảnh Nhật xin đưa mẹ của Dababneh sang Nhật dài hạn cho tiện đường chăm sóc, nhưng đề nghị này đã bị từ chối. Tất nhiên, Dababneh cảm thấy không vui khi mà có đến 6 người trong gia đình sống nhờ vào lương của chồng cô, nhưng cô cũng không có lựa chọn nào khác bởi không thể bỏ rơi mẹ của mình.

Và dưới đây là những gì họ nhận được từ cục xuất nhập cảnh Nhật. Cục xuất nhập cảnh Nhật yêu cầu gia đình đưa mẹ đến bệnh viện khám để kết luận về tình trạng bệnh tật, tuy nhiên kết quả từ bệnh viện cho thấy mẹ của Dababneh còn chưa đến 65 tuổi, vẫn có đủ khả năng để tự chăm sóc mình.

Dù thất vọng với kết quả đó, Dababneh vẫn đến cục xuất nhập cảnh. Cô cố gắng giải thích lý do rằng mẹ cô chỉ có một mình cô và mẹ cô cần cô ở tuổi này. Cô cũng trình lại toàn bộ giấy tờ của gia đình nhưng cục không chấp nhận.

Họ thể hiện sự thông cảm đối với cô bằng cách cấp cho mẹ cô visa 3 tháng thay cho 1 tháng như thường lệ, nhưng như vậy cũng không thể giải quyết được vấn đề của cô bởi sau 3 tháng nữa mẹ cô sẽ vẫn phải rời đất nước trong tình trạng đau yếu không người chăm sóc. Họ cũng từ chối tiếp tục gia hạn visa sau đó.

Nói trong tuyệt vọng và nước mắt, cô Dababneh chia sẻ: “Bà ấy chỉ còn mình tôi để nương tựa trên thế giới này, và nếu cục cứ tiếp tục từ chối visa dài hạn của mẹ tôi, tôi và 2 con sẽ buộc phải rời Nhật quay về Jordan để sống và chăm sóc bà. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình tôi sẽ bị ly tán trong nhiều năm.”

Đáng buồn hơn, vào một ngày khác, cô Dababneh còn nhận được một cuộc điện thoại từ cục xuất nhập cảnh. Theo đó, mẹ cô chỉ có thể được xem xét visa thêm thời gian ngắn nếu bà ấy đột nhiên quá ốm không thể lên chuyến bay quay trở lại Jordan, ví như bà bị bệnh tim hay hôn mê bất ngờ. Nghe xong cuộc điện thoại đó, cô Dababneh vô cùng chán nản.

Sau 25 năm sống ở Nhật, Dababneh vẫn không có quyền bỏ phiếu, quyền tối thiểu của một công dân Nhật. Và nay, cô buộc phải đứng trước lựa chọn hoặc là mẹ hoặc gia đình của mình.

Câu chuyện trên đã được đăng tải trên rất nhiều trang báo lớn của Nhật và lập tức nó nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả, trong đó có chị Phương Thảo, phụ nữ gốc Việt hiện đang sống tại Quebec, Canada. Chị cho biết tại Canada, chính sách của chính phủ không hề ngặt nghèo khắt khe đến như vậy.

Chị từng biết trong khu phố nơi chị ở, có một người phụ nữ Philippines kết hôn giả để vào Canada. Tuy nhiên sau thời gian sống chung phát sinh mâu thuẫn, chính người hôn phu nhận tiền để cưới chị lại tố cáo chị ra chính quyền. Chị bị đối diện với khả năng bị trục xuất do gian dối hồ sơ lý lịch và hôn nhân giả.

Tuy nhiên, sau đó chị thuê luật sư bảo vệ mình và cam kết đi làm đóng thuế đầy đủ trong 1 năm. Cuối cùng chị vẫn được chính phủ cho ở lại, được kết hôn đàng hoàng, sinh con và đưa mẹ già sang chăm sóc.

Chị Thanh Thư, một Việt kiều khác hiện cũng đang sống tại Vancouver, Canada, chia sẻ về câu chuyện của một người Việt khác. Một người đàn ông Việt vào Canada và nhận được tư cách lưu trú dài hạn cách đây đã 11 năm. Không hiểu vì lý do nào đó mà anh này nhảy cầu tự tử.

Cuối cùng anh lại không chết nhưng bị thương rất nặng, chấn thương cột sống phải nằm liệt giường. Và chính phủ Canada đã thể hiện sự nhân đạo và nhanh nhạy của mình khi mà chỉ trong vòng 1 tuần sau, họ hoàn thành mọi thủ tục để cho mẹ già, vợ và hai con của anh này còn ở Việt Nam sang chăm sóc và nhận được trợ cấp cho việc chăm sóc anh ấy.

Hoặc đơn giản nhất là quyền bỏ phiếu. Cô Dababneh dù sống ở Nhật 25 năm và lấy chồng người Nhật nhưng cô vẫn không có quyền bỏ phiếu. Trong khi đó theo luật pháp tại New Zealand, một công dân nước ngoài sống ở New Zealand 12 tháng và đóng thuế đầy đủ đã có quyền được bỏ phiếu. Chính sách của New Zealand với trường hợp tương tự như kiểu Dababneh cũng dễ chịu hơn rất nhiều.

Sẽ thật khó để khẳng định chính sách nơi nào tốt hơn nơi nào bởi mỗi chính sách đưa ra đều được dựa trên quan điểm khác nhau về chủ nghĩa dân tộc và quan điểm nhập cư. Thế nhưng có thể nói rằng, đối với Nhật, người nước ngoài sẽ gặp khó hơn rất nhiều.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM