Những điều doanh nghiệp ngoại cần biết về văn hóa công sở Việt Nam

16/09/2014 09:52 AM | Nghề nghiệp

Người miền Nam thường cởi mở và đơn giản, người miền Bắc thường chu đáo và lễ nghĩa, trong khi đó người miền Trung thường tỉ mỉ, cẩn thận và chịu ảnh hưởng nhiều bởi gia đình hơn.

Đối với hầu hết các công ty nước ngoài tìm kiếm nhân sự tại Việt Nam, điều họ quan tâm nhất đó là các vấn đề về văn hóa, đặc biệt là phong cách làm việc của các nhân sự Việt. Sự khác biệt về văn hóa là một trong những vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần nhóm và công việc kinh doanh. Tại một thị trường mới nổi như Việt Nam, yếu tố này lại càng quan trọng để thu hút các nhà đầu tư khắp thế giới.

Phong cách làm việc

Người châu Á thường có xu hướng thiên về gia đình và người Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Người Việt thường đánh giá cao giá trị truyền thống và tình cảm. Những ý tưởng và phản hồi từ người thân xung quanh luôn được đánh giá cao. Người Việt Nam thường tập trung vào cảm xúc, khá nhạy cảm và linh hoạt. Trước những quyết định quan trọng trong cuộc sống như là nên chọn trường đại học nào hay làm việc ở đâu, người Việt thường đi hỏi ý kiến của người thân, bạn bè và gia đình.

Nhân sự Việt thích xây dựng những nhóm nhỏ hoặc chạy theo bất kỳ xu hướng nào trong công ty. Họ muốn chia sẻ và được quan tâm trong cả 2 mặt: công việc và cuộc sống cá nhân. Trong khi ngườ phương Tây chú trọng vào giá trị cá nhân, người Việt Nam đi thành từng nhóm và lựa chọn giá trị cộng đồng. Nhân sự Việt thường có xu hướng thỏa hiệp chứ hiếm khi đi thẳng hay trực tiếp vào vấn đề.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã gặp khó khăn khi xâm nhập vào các quốc gia mới do bất đồng về văn hóa. Trong khi các quốc gia phương Tây làm việc dựa trên tiêu chí kết quả và Nhật Bản làm việc theo tính kỷ luật, người Việt Nam làm việc theo tiêu chí dựa trên con người. Điểm này dẫn tới những mối quan hệ khác và sự tác động qua lại giữa nhà lãnh đạo và nhân viên. Trong khi mối quan hệ này ở phương Tây được xây dựng theo tiêu chí bình đẳng, ở Nhật Bản thì có sự phân cấp rõ ràng, thì tại Việt Nam, đó là mối quan hệ gần gũi.

Sự khác biệt trong văn hóa công sở này ở Việt Nam rất quan trọng. Người miền Nam thường cởi mở và đơn giản, người miền Bắc thường chu đáo và lễ nghĩa, trong khi đó người miền Trung thường tỉ mỉ, cẩn thận và chịu ảnh hưởng nhiều bởi gia đình hơn. Do đó, người miền Nam thường thích hợp với những công việc như bán hàng và kinh doanh, còn người miền Bắc thích hợp với công việc ngoại giao hay người miền trung thích hợp làm kỹ sư, công nghệ.

Hiểu được giá trị của lao động Việt Nam sẽ giúp các công ty mới xây dựng hệ thống của mình và quản lý nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh và phát triển của họ.

Động lực thúc đẩy nhân viên

Nhân viên Việt Nam dễ dàng được thúc đẩy bởi những lời ngợi khen, và ngược lại, cũng dễ dàng bất niềm tin trước những lời phàn nàn, chỉ trích. Do đó, nhà lãnh đạo cần khéo léo và tế nhị khi đưa ra phản hồi và đừng quên khen ngợi nhân viên khi họ làm tốt công việc được giao. Đối với nhân sự Việt, công việc không chỉ có ý nghĩa với cá nhân, mà còn được quan tâm bởi mọi người trong gia đình (từ bố mẹ, vợ/chồng, cho tới con cái). Những thành viên này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ. Vì lý do đó, rất nhiều công ty nước ngoài khi tới Việt Nam tổ chức ngày lễ gia đình, mời gia đình của nhân viên tới công ty tham gia sự kiện giành riêng cho họ.

Tóm lại, quản lý nhân sự tại Việt Nam đòi hỏi rất nhiều kỹ năng quản trị và lãnh đạo. Họ cần được quản lý, được khích lệ, truyền cảm hứng, và khuyến khích tham gia. Các lãnh đạo công ty nước ngoài thường đồng ý rằng: “Trở thành lãnh đạo tại Việt Nam là một công việc thú vị. Đó không phải là công việc quá khó khăn nếu bạn bỏ thời gian ra để tìm hiểu nhân sự của mình. Họ sẽ trả lại cho bạn xứng đáng”.

>> 3 sự thật ngầm khẳng định bạn là một nhân sự cấp cao

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM