Người Việt nên sửa “Tam thức” để làm việc được với Nhật

28/07/2015 09:54 AM | Nghề nghiệp

Nhật “khát” nhân lực IT từ Việt Nam, nhưng hiện tại nguồn nhân lực của nước ta cũng chỉ được phía bạn đánh giá loanh quanh 6,5/10 điểm số, điểm chốt là gì và sửa như thế nào?

Nhật khát nhân lực ngành IT từ Việt Nam

Nếu chỉ cần dạo một vòng trên các trang tuyển dụng, các vị trí kĩ sư biết tiếng Nhật cho ngành Công nghệ thông tin (Information Technology - IT) luôn nóng và luôn hiếm.

Nhân viên một công ty chuyên “săn đầu người – headhunter” cho biết, chỉ cần tuyển dụng được một nhân sự ngành IT biết tiếng Nhật loại dùng được, phí hoa hồng cho các công ty môi giới bèo cũng 500 USD/nhân lực.

Cô cũng nói “Nhật đang khát nhân lực ngành IT, bọn em cũng đăng tuyển liên tục, nhưng số lượng đáp ứng được yêu cầu của họ không nhiều”.

Theo số liệu từ Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản, đến năm 2020, Nhật sẽ thiếu khoảng 50.000 nhân lực ngành IT.

Bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch Ban Hợp tác toàn cầu, Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) cho biết, đến năm 2017 thị trường IT của Nhật sẽ đạt 23.950 tỷ Yên, và sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những nhân lực tại Việt Nam.

Trong khi đó, hiện nhân lực Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản trong ngành này vẫn chiếm đa số trong tỉ lệ người nước ngoài làm việc tại quốc gia này, nhưng lượng kĩ sư từ Trung Quốc không đủ, trong khi đó mối quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc gần đây xấu đi, Nhật vẫn hướng tới tìm kiếm thị trường Việt Nam.

Mặc dù vậy, dường như Việt Nam cũng đang rất lúng túng với “cơn sóng” này.

Các trường đại học tại Hà Nội như Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thăng Long... có chuyên ngành tiếng Nhật, nhưng lại không chuyên về IT, trong khi những trường công nghệ mạnh như Đại học Bách Khoa lại không quá mạnh về tiếng Nhật.

FPT là một trong những doanh nghiệp, có chiến lược đầu tư cho thị trường Nhật, mới đây FPT đã công bố chương trình 10.000 kĩ sư cầu nối (BridgeSE), nhằm đào tạo 10.000 kĩ sư cầu nối cho thị trường Nhật vào năm 2018, FPT cũng kì vọng thị trường Nhật sẽ đem về doanh thu 600 triệu USD cho tập đoàn.

Đại học FPT hiện đang có một chuyên ngành riêng cho các kĩ sư IT để trở thành kỹ sư cầu nối, ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng của trường Đại học FPT nói, nhu cầu về kỹ sư cầu nối đang rất khan hiếm và được trả lương khoảng 1200 – 1700 USD/ tháng, theo đặt hàng của FPT Software.

Trước đây, FPT có nhân sự người Nhật cho các công tác giảng dậy tiếng Nhật, nhưng hiện tại đã chuyển giao cho đội ngũ giảng viên Việt Nam thực hiện, ông Đàm Quang Minh cho biết.

Ông chia sẻ, với trình độ N2, N3 (theo kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Japan Foundation tổ chức) thì giảng viên người Việt dạy tốt hơn.

Tuy nhiên, trao đổi với một số kĩ sư hiện đang làm việc tại Nhật, thì việc đó (không có giảng viên tiếng Nhật là người Nhật) chưa hẳn đã tốt hơn.

Mod của Group Cộng đồng Việt Nhật với hơn 100.000 thành viên trên Facebook và cũng đang làm việc tại một công ty IT của Nhật tại thành phố Kawasaki, Khắc Thái cho biết: “Nếu bỏ ra thêm 1 đồng để thuê giáo viên người Nhật, có thể lợi ích sẽ thu về thêm được 4, 5 đồng, tiếng Nhật tại Nhật rất quan trọng”.

Thái cũng nói thêm, phần lớn những bạn học tiếng Nhật về trình độ N3, N2 từ Việt Nam qua Nhật, sẽ mất thêm nhiều thời gian để có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật và làm được việc thành thạo, do tiếng Nhật là một ngôn ngữ rất khó và cách sử dụng lại dựa nhiều vào hoàn cảnh sử dụng.

Điểm số nhân lực chỉ được 6.5/10

Một trong những điểm mà các công ty Nhật thích hỏi đối với nhân sự ngành IT, đó là “TOEIC được bao nhiêu điểm?”.

Sống và làm việc tại Nhật từ năm 2011, Thái chia sẻ, hiện các công ty Nhật đang muốn toàn cầu hoá, nên biết tiếng Nhật thì là chuyện đương nhiên, nhưng họ cũng rất cần những nhân lực biết tiếng Anh. Riêng tiếng Nhật, nhân lực Việt Nam hiện đang thua Trung Quốc.

Cách đây vài năm, nhân lực ngành IT của Ấn Độ cũng có mặt tại Nhật, nhưng hiện nay do khác biệt nhiều về văn hoá và thực phẩm, họ cũng ít dần và chủ yếu làm việc cho các công ty Mỹ, trong nước thì Ấn Độ cũng làm outsourcing cho Mỹ chứ không phải Nhật, do đó nhân lực IT biết tiếng Anh của Nhật không nhiều.

Thái cũng cho biết thêm: “Tiếng Anh của họ (người Nhật) ở trong nước cũng khá kém, những nhân sự tiếng Anh rất giỏi thì mới được đi làm việc tại các nước”.

Nói về nhân lực Việt Nam, ông Lê Duy Hưng, Phó Giám đốc Daiwahouse Việt Nam (số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), một công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ xây dựng, kĩ sư thiết kế bản vẽ nêu vấn đề, đối với nhân lực Việt Nam có 3 thứ cần phải thay đổi đó là “kiến thức, nhận thức và ý thức”.

Kiến thức chính là kiến thức chuyên môn, ở các cấp tiểu học, trung học thì Việt Nam đào tạo không kém ai, nhưng đến các bậc đại học với chuyên ngành, đòi hỏi nhiều thực hành thì Việt Nam lại thua kém, do đó, rất nhiều công ty Nhật lại mất tiền, mất thêm nhiều thời gian để đào tạo lại nhân lực Việt Nam, mới có thể giao việc.

Mặc dù, việc đào tạo nhân lực trước khi cho họ vào việc dường như là văn hoá của các công ty Nhật, nhưng nếu nhân lực có chuyên môn giỏi, các công ty sẽ mất ít thời gian và chi phí hơn.

Nhận thức là nhận thức được vấn đề, Morio Nakatsuka (cố vấn nghề nghiệp của Vietnamwork) nói, trong các công ty Nhật thường nhắc đến quy tắc kinh điển Oni-juusoku gồm 10 quy tắc nhỏ.

Trong đó có những quy tắc mà người Việt cần để ý như sau: Công việc do bản thân tạo ra, không đợi người khác giao cho; Làm việc một cách chủ động chứ không bị động; Nếu có thể giải quyết những việc lớn rồi thì những việc nhỏ làm bản thân trở nên nhỏ bé; Nhắm vào những việc khó và tiến bộ nhờ vào hoàn thành những thử thách đó; Bất chấp khó khăn và trở ngại, kiên trì thực hiện cho đến khi đạt được mục tiêu.

Những quy tắc này do công ty quảng cáo Dentsu ở Nhật đề ra, nhưng triết lý của nó và sự thấu hiểu, dựa vào những quy tắc như vậy để nhận thức trong ứng xử thì người Nhật rất hiểu, và họ được học từ một nền giáo dục rất bài bản. Morio Nakatsuka nói 5 quy tắc đầu của Oni-juusoku rất cần thiết cho người Việt.

Nói về ý thức làm việc của người Việt Nam thì Araki, quản đốc của công ty Swallow - chi nhánh Shin Narashino, rất "cáu" mặc dù ông khá dễ tính. Swallow là công ty chuyên về dịch vụ chuyển hàng hoá và công ty này cho phép sinh viên ngoại quốc từ bất cứ trường nào đến làm thêm tại đây, trong đó có cả sinh viên Việt Nam ngành biên dịch, sinh viên ngành IT, học sinh trường tiếng...

Ngoài Oni - juusoku, còn nguyên tắc 5S mà bất cứ công ty Nhật nào cũng biết, bao gồm: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn Việt Nam vào làm việc với ý thức thấp kém đã nhiều lần bị nhắc nhở, vi phạm cả 5 quy tắc, trong đó nghỉ việc thì không gọi điện xin phép trước, cố tình nghỉ giữa giờ dài hơn 5 - 10 phút, lấy đồng phục của đồng nghiệp khác ở phòng thay đồ mà không hỏi...

Dần dần, ông từ chối việc Shoukai (giới thiệu) người Việt Nam vào làm việc tại công ty, tất nhiên, điều đó không phải "vơ đũa cả nắm", vẫn có người Việt Nam được phép làm thêm tại đây, để trang trải cho việc học và công ty vẫn giữ những người có ý thức tốt.

Quay lại vấn đề mà ông Hưng nói tới, kiến thức, nhận thức, ý thức kém thì khó có thể làm việc, hoặc khó có thể phát huy lợi ích bản thân đến tối đa khi làm việc với người Nhật.

Theo ông Hưng, gần đây các công ty Nhật cũng mệt mỏi trong việc đầu tư vào Việt Nam, khi trong vòng 5 năm, lương cơ bản của Việt Nam đã tăng tới 37%, trong khi năng suất lao động không cao, ông nói thêm “có người Việt làm 8 tiếng thì 6 tiếng họ chơi” do đó nói Việt Nam có lao động giá rẻ thì bây giờ không rẻ.

Dựa trên một số kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản, chị Nguyễn Huyền, giám đốc J-JOB (83 Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nêu quan điểm: do Kinh tế Nhật đang tăng trưởng trở lại nhờ chính sách Abenomics, các công ty mở rộng kinh doanh nên nhu cầu về nhân lực tăng lên, bao gồm cả hoạt động kinh doanh tại Nhật và tại các chi nhánh của Nhật ở Việt Nam.

Giám đốc của công ty “Headhunter" này nhận định: “Dân số Nhật đang già hoá, do vậy việc tuyển dụng người Nhật gặp khó khăn, thiếu nhân sự và mức lương cho nhân sự Nhật cũng tăng lên.

Rất nhiều cty nhật nếu muốn mở rộng ở quy mô lớn bắt buộc phải tính đến phương án outsource một phần ra chi nhánh ở nước ngoài mới có thể chiêu mộ được nguồn nhân sự lớn, tay nghề cao, đồng thời chi phí cho nhân sự cũng thấp hơn tại Nhật. Hiện tượng này thấy khá phổ biến trong ngành IT, BPO (Business Process Outsourcing - Dịch vụ thuê ngoài doanh nghiệp) khi hoạt động kinh doanh dựa trên yếu tố con người là chủ lực, vì vậy mà FDI của Nhật trong lĩnh vực này tăng cao tại VN trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của J-JOB dựa trên việc tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Nhật, hiện tại nhân sự Việt Nam chỉ đạt 6 – 7/ 10 điểm, tuy nhiên, hiện một số ngành cần lượng lớn nhân sự tiếng nhật như IT, BPO thì cung còn không đủ cầu, đó là lý do lương nhân sự tiếng nhật ở một số lĩnh vực này tăng khá nhanh trong thời gian gần đây do các công ty giành giật nhân sự.

Tuy nhiên, nhân sự Việt Nam nên hiểu đây chỉ là một giai đoạn ngắn hạn của thị trường, ko nên ảo tưởng quá về mức lương trước mắt mà ko có sự đầu tư dài hạn cho bản thân trong tương lai. Trong đó cần quan tâm đến tiếng Nhật (rất quan trọng), tiếng Anh và chuyên môn để có thể tiến xa trong sự nghiệp.

“Đôi khi tôi thực sự rất tiếc cho các bạn Việt Nam, chạy theo cơ hội và mức lương, hứa hẹn về vật chất trước mắt mà quên đi trách nhiệm và sự kiên trì trong công việc, người Nhật luôn muốn thử thách và thử sức bạn trước khi muốn trao quyền cho bạn”, chị Huyền nói.

Theo Thành Lương

Cùng chuyên mục
XEM