5 năm nữa, ngành IT của Việt Nam có thể vượt qua Ấn Độ, Trung Quốc?

14/04/2015 14:46 PM | Nghề nghiệp

Việt Nam có nhiều nguồn lực để phát triển dịch vụ thuê ngoài, và là điểm đến tuyệt vời cho một số công ty gia công dịch vụ CNTT với quy mô vài trăm nhân sự, nhưng hiện Việt Nam không có đủ khả năng đón tiếp các tập đoàn đa quốc gia đến thiết lập trung tâm phát triển với quy mô lớn.

Tác giả bài viết là Josh Lieberman, chủ tịch KMS Technology, nhà cung cấp dịch vụ CNTT hỗ trợ sản phẩm phần mềm có trụ sở tại Atlanta và Thành phố Hồ Chí Minh, đã có bài viết đánh giá về triển vọng ngành IT ở Việt Nam trong những năm tới với những thuận lợi và thách thức.

Nội dung nổi bật:

- Các kỹ năng Công nghệ thông tin hiện đại tại Việt Nam tương đương và trong một số trường hợp đã vượt mặt Ấn Độ.

- Tiếng Anh được sử dụng thành thạo cho thấy sự tiến bộ của nhân sự trong ngành Công nghệ thông tin.

- Nhân viên được đánh giá cao về lòng trung thành.

- Vẫn tồn tại khoảng cách kỹ năng nhất định so với Ấn Độ và Trung Quốc. Thiếu nền công nghiệp hỗ trợ. Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc.

- Tuy vậy, trong 5 – 10 năm nữa, tiềm năng ghi dấu ấn như là cường quốc IT của Việt Nam là không hề nhỏ.


Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đang được nói đến nhiều như một địa điểm thay thế, trong bối cảnh chi phí và tỷ lệ hao hụt tăng cao tại những quốc gia dẫn đầu về gia công dịch vụ CNTT như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP gần 6% trong năm 2014. Những ông lớn trong giới công nghệ như Samsung, Microsoft, LG và Intel đã và đang gia tăng mức độ đầu tư các hoạt động ở Việt Nam ngày một lớn hơn, và số lượng các công ty công nghệ khởi nghiệp được hậu thuẫn bởi nguồn vốn đầu tư lớn ngày càng tăng. Tinh thần kinh doanh hiện diện rõ ràng trên khắp các đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam có nhiều nguồn lực để phát triển dịch vụ thuê ngoài, và đây là điểm đến tuyệt vời cho một số công ty gia công dịch vụ CNTT với quy mô vài trăm nhân sự, nhưng ngay lúc này Việt Nam không có đủ thời gian chuẩn bị để có thể đón tiếp các tập đoàn đa quốc gia thiết lập trung tâm phát triển với quy mô lớn.

Vậy điểm thu hút ở Việt Nam là gì?

Trở lại năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên đạt được đánh giá "tốt" từ Gartner, trở thành một trong 30 quốc gia hàng đầu về các dịch vụ gia công ở nước ngoài. Kể từ đó, tình hình đã được cải thiện đều đặn và các ngành công nghiệp hiện có vẫn tiếp tục trưởng thành. Ngoài ra, một làn sóng mới dần hình thành đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty khởi nghiệp. Theo báo cáo đến từ Gartner vào tháng Giêng năm nay, Việt Nam có tên trong top những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Từ kinh nghiệm hoạt động trước đó tại Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy thấy các kỹ năng Công nghệ thông tin hiện đại tại Việt Nam tương đương và trong một số trường hợp đã vượt mặt Ấn Độ.

Kỹ năng tiếng Anh tại Việt Nam cũng rất tuyệt vời. Rất nhiều trường dạy tiếng Anh mọc lên và tiếng Anh được sử dụng thành thạo cho thấy sự tiến bộ của nhân sự trong ngành Công nghệ thông tin. Đảm bảo bạn sẽ có lực lượng lao động với khả năng giao tiếp và viết tiếng Anh tốt, cũng như trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nếu bạn biết tìm đúng nơi.

Đất nước này đang trải qua sự chuyển đổi. Sự trưởng thành của các doanh nghiệp công nghệ và mức độ gia tăng cơ hội được lèo lái bởi tinh thần kinh doanh có thể được nhìn thấy rõ ràng, điển hình trong đó chính là thành công của các nhà phát triển như Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi gây nghiện trên smartphone, Flappy Birds.

Trò chơi này được thiết kế chỉ trong một vài ngày và phân phối miễn phí từ Thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng một năm nó đã thu hút hàng triệu người chơi và đã kiếm được 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo trong game. Chính vì vậy mà Flappy Birds đã trở thành nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê công nghệ khác.

Chúng tôi cũng đã từng nói về văn hóa làm việc ở Việt Nam, nơi mà lòng trung thành được đánh giá rất cao. Trong quãng thời gian hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy mức độ cam kết, tập trung và lòng trung thành tiếp tục tăng mạnh mẽ. Những kỳ vọng chiếm giữ vai trò ở mức cao trong làng dịch vụ công nghệ của thế giới giữ vai trò đặc biệt ở Việt Nam.

Tỉ lệ thiếu hụt nhân sự/ bỏ việc của chúng tôi nằm ở giữa 6% và 8%. Đối với Công nghệ thông tin và lao động thuê ngoài ở Ấn Độ, tỷ lệ này thường xuyên vượt ngoài 20%, và xu hướng này đang khiến mức lương trở nên cao hơn.

IMG_3001

Nguồn ảnh: Josh Lieberman

Bồi dưỡng lòng trung thành như thế này không chỉ dừng lại ở yếu tố văn hóa bên ngoài. Bạn cần phải tạo ra một nền văn hóa nội bộ thật hấp dẫn. Chúng tôi đã làm điều này bằng cách đảm bảo cơ hội phát triển của nhân viên thông qua đào tạo, duy trì chính sách mở cửa với quản lý cấp cao, và khuyến khích tạo môi trường xã hội với các câu lạc bộ và các bữa tiệc cuối tuần. Bạn phải làm những điều này một cách chân thành để nhân viên thấy rằng bạn đang thực sự quan tâm họ.

Vậy Việt Nam cần bắt kịp điều gì so với thế giới?

Nhưng vẫn tồn tại khoảng cách kỹ năng nhất định. Chỉ Số Tài Năng Toàn Cầu năm 2015 cho rằng Việt Nam đang đi từ vị trí 52 trên thế giới vào năm 2011 xuống vị trí 53 trong năm này. Đơn giản là ở đây không cung cấp đủ quy mô cần thiết cho dự án thực sự lớn. Trong vòng 5-10 năm sắp tới, chúng tôi có cần số lượng sinh viên tốt nghiệp đủ đáp ứng nhu cầu trước khi điều đó thực sự xảy ra, ví dụ, để thiết lập một trung tâm gia công thuê ngoài về Công nghệ thông tin với khoảng 5.000 nhân công.

Bạn cũng cần phải nhớ rằng các ngành công nghiệp hỗ trợ đã không hề có triển vọng phát triển ở Việt Nam cho đến thời gian gần đây, vì vậy bạn sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ cần thiết cho việc bảo trì và phát triển nền tảng kế thừa kiểu như máy chủ và hệ thống phần mềm dành cho doanh nghiệp lớn.

Có nhiều thủ tục phức tạp khi bạn muốn thiết lập doanh nghiệp ở Việt Nam. Bạn không thể bắt tay vào công việc kinh doanh một cách nhanh chóng ở thời điểm này. Chúng tôi phải duy trì đội ngũ nhân sự địa phương có kinh nghiệm trong nhiều năm để đảm bảo công việc diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, chúng tôi phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học địa phương và cơ quan chính phủ. Điều đó cho phép chúng tôi tối ưu hóa việc tuyển dụng, hiểu rõ các vấn đề thuế và bảo đảm được cấp giấy phép thích hợp loại hình kinh doanh.

Nếu bạn am hiểu thị trường tuyển dụng ở địa phương, đủ khả năng và phương pháp chọn lọc, tài năng sẽ ở đó đợi bạn, nhưng Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu lực lượng cần thiết để dẫn dắt tăng trưởng như chúng ta từng thấy ở Ấn Độ.

Một tương lai rực rỡ

Có thể vẫn còn sớm cho Việt Nam, nhưng có một thế hệ mới đầy tài năng sắp trưởng thành và được tập trung đầu tư mạnh về khoa học máy tính ngay từ trong hệ thống giáo dục phổ thông. Họ sẽ đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cốt lõi và sẽ có nhiều công ty nhìn thấy sự hấp dẫn ở Việt Nam. Chúng tôi mong đợi những điều tuyệt vời trong thập kỷ tới, và chúng tôi sẽ là tâm điểm của nó.

>> Ngành sản xuất, công nghệ thông tin có mức tăng lương cao nhất

Mai Nguyễn

CTV Thinh OrientVN

Cùng chuyên mục
XEM