[NGHỀ CỦA TÔI] Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn
Phần lớn thời gian công tác, chúng tôi phải gắn với nơi mà sự chết chóc rình rập, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở, máu và nước mắt, stress luôn bủa vây quanh mình.
Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.
Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn" của tác giả Hoàng Hữu Hóa. Mời quý độc giả đón đọc.
Khi viết những dòng về nghề thầy thuốc, tôi không có tham vọng ca ngợi nghề của mình mà chỉ gửi gắm tâm sự của một bác sĩ đã trải qua hơn 20 năm trong nghề, nếm bao hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Không than phiền, không phê phán, không tán dương, không chê trách, chỉ là những tâm sự của người trong cuộc để mọi người chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông cho công việc chúng tôi.
Tôi đến với nghề này cũng vì niềm đam mê, kính trọng những vị bác sĩ, cô y tá đã tận tâm cứu chữa cho cha tôi trong thời gian cha tôi bị bệnh tắc đường ruột, đã được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và cũng vì ước nguyện của cha tôi.
Tôi còn nhớ, lúc đó tôi mới lên học cấp 3, trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha đã cầm tay tôi căn dặn: “Trong nhà ta, con là người được học hành hơn hẳn mấy anh chị em khác. Con hãy cố gắng mà học, đừng bao giờ từ bỏ con đường học vấn cho dù khó khăn đến mấy nghe con!”. Tôi rưng rưng hai hàng nước mắt, nhớ mãi lời cha dặn và quyết tâm làm được điều gì đó như cha đã kỳ vọng vào tôi. Và rồi tôi đã đỗ vào trường Đại học Y khoa Huế.
Ngày ấy tôi vui mừng biết bao, ước mơ của tôi và cha đã thành hiện thực. Sau 6 năm miệt mài tu luyện, tôi đã trở thành người thầy thuốc của nhân dân, hằng ngày khám chữa bệnh cho mọi người. Nếu có một điều ước, tôi sẽ mong thời gian quay trở lại để tôi được gần cha, chữa bệnh cho cha.
Tôi đã xác định chọn ngành y là chọn một cái nghiệp cho cả cuộc đời, đó là phục vụ con người, bao hàm trong đó là sự hy sinh vì đối tượng của chúng tôi là người bệnh, trên khuôn mặt họ lúc nào cũng biểu hiện sự đau đớn, vật vã, buồn bã, bi quan, lo lắng. Thấy họ vật vã, nghe họ rên rỉ, đau đớn, tôi cũng cảm thấy thương tâm như chính vết thương chính mình đang rỉ máu.
Tôi còn nhớ rõ trong một ca trực, một ca bệnh làm tôi nhớ suốt đời tiếng kêu khóc của một người con bên giường bệnh người mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Sự sống chỉ có thể đếm từng ngày. Nhìn bà cụ đang quằn quại trên giường bệnh chiến đấu giành sự sống qua từng hơi thở. Nhìn bà cụ với những nếp nhăn phong trần, già nua trên gương mặt sạm đen do biết bao thăng trầm trong cuộc sống, rồi nhìn cô gái trẻ đang quỳ bên giường. Tôi, lúc đó một bác sĩ trẻ bất lực, cảm thấy nước mắt mình trào ra. Tôi thầm nghĩ có lẽ số phận đưa đẩy mình vào nghề này là phải chứng kiến những khổ đau của kiếp người. Tôi sợ một ngày nào khi mình không còn cảm thấy đau cái đau của kẻ khác, buồn cái buồn của người không may, xót thương những mảnh đời bất hạnh thì ngày đó tôi không còn là tôi nữa.
Tác giả - Bác sĩ Hoàng Hữu Hóa.
Có vào bệnh viện, bạn mới thấy đây là nơi người bệnh đang đấu tranh, giành giật giữa sự sống và cái chết, nơi nhận ra rõ nhất quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, đầy rẫy khổ đau. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quái ác thì án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu họ. Nhưng cũng chính nơi đây bạn sẽ thấy tình người rõ nhất. Đội ngũ y, bác sĩ luôn quan tâm, săn sóc người bệnh hằng ngày, nhắc nhở uống thuốc, động viên an ủi… Và đó còn là nơi bạn sẽ thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài hay nụ cười của bệnh nhân khi được khỏe mạnh, hồi phục. Chỉ từng đó thôi cũng làm cho tôi hạnh phúc rồi và là nguồn động viên để cống hiến sức lực mình hơn nữa.
Có đến các cơ sở y tế, bệnh viện và có chứng kiến, bạn mới cảm nhận được hết những việc làm ý nghĩa của đội ngũ thầy thuốc chúng tôi. Với cường độ và áp lực làm việc căng thẳng, liên tục trong thời gian dài, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nghề nghiệp của chúng tôi đòi hỏi lao động trí óc nặng nề, nhiều áp lực đến cùng một lúc.
Đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều chứng bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người thầy thuốc. Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ máu, mủ, vi trùng, vi rút… của bệnh nhân. Phần lớn thời gian công tác, chúng tôi phải gắn với môi trường nguy hiểm, nơi mà sự chết chóc rình rập, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở, máu và nước mắt, stress luôn bủa vây quanh mình. Sự hy sinh thầm lặng cho nghề ấy, không phải ai cũng biết.
Khi thành phố tắt đèn, mọi người chìm vào giấc ngủ say sưa còn chúng tôi đang vào ca trực, phải thức thâu đêm suốt sáng. Có khi chợp được mắt thì bàng hoàng tỉnh giấc bởi tiếng động cơ xe cấp cứu đưa bệnh nhân nhập viện, hoặc tiếng người nhà bệnh nhân gọi í ới, thậm chí những tiếng chửi mắng om sòm của những nạn nhân say xỉn… Lập tức chúng tôi phải cứu chữa bệnh nhân ngay trong đêm khuya. Có khi đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả…
Tuy vậy, chúng tôi không một lời than phiền, kêu ca mà xem đó là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Vì sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân, người thầy thuốc làm hết khả năng của mình từng giờ, từng phút từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho họ. Nụ cười của bệnh nhân là nụ cười của chúng tôi.
Tôi nhớ có một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, chân phải mổ rồi bó bột. Trong những ngày tháng điều trị tại bệnh viện cô bé luôn vật vã đau đớn, u buồn, chán nản bi quan trước cuộc đời sợ rằng mình sẽ trở thành người tàn tật. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cô bé đưa mắt ra ngoài cửa sổ nhìn những chiếc lá vàng rơi, cô bé tưởng tượng mình là Giôn-xi trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O’Hen-ri. Không những tận tâm với công việc điều trị, mà tôi còn trò chuyện, động viên, an ủi cô bé vượt qua nỗi đau“còn người là còn tất cả”. Hai tháng sau, chân cô bé lành hẳn đi lại bình thường, xuất viện với nụ cười nở trên môi và những lời cảm ơn chân thành. Sau này hằng năm vào ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2 cô bé đều gọi điện chúc mừng tôi. Một niềm vui, hạnh phúc ngập tràn trào dâng trong tôi, không gì hơn là đem lại nụ cười cho bệnh nhân và được bệnh nhân nhớ đến như một ân nhân.
Bên cạnh những điều tốt đẹp ấy, nghề thầy thuốc cũng chịu áp lực rất lớn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đối tượng mà chúng tôi tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà họ thì không ai giống ai, từ tình trạng bệnh đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử của từng người. Để gần gũi, hiểu được điều họ muốn không phải là chuyện dễ.
Có trường hợp người nhà bệnh nhân không kiềm chế được cơn tức giận liền nổi nóng, la ó thậm chí xúc phạm đến chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải phải giữ thái độ niềm nở, nhẹ nhàng, bình tĩnh và đặt việc cứu chữa người bệnh là trên hết chứ không có thời gian đôi co với họ. Tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn bao dung hơn, thiện cảm hơn với người làm ngành y tế. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, tôi đã không chọn nghề này.
Là nghề đặc biệt, nghề được cả xã hội biết đến, được cả xã hội trân trọng, quý mến thì sức ép, trách nhiệm và áp lực đối với nghề của người thầy thuốc cũng rất nặng nề. Trong chuyên môn, người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá hết được mọi sự cố bất ngờ, cùng với đó những tai biến trong nghề nghiệp luôn rình rập, dễ xảy ra bất cứ lúc nào dù người thầy thuốc đã cố gắng hạn chế thấp nhất mọi rủi ro, ranh giới giữa cái chết và sự sống gần nhau trong gang tấc. Như vậy sẽ tạo ra cho xã hội có những bức xúc, phản ứng dữ dội đối với nghề y, đối với người thầy thuốc.
Tôi còn nhớ câu nói của một bác sỹ có tiếng tăm trong lĩnh vực phẫu thuật: “Nghề y - một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca bệnh thì thân bại danh liệt”. Bởi thế xin được san sẻ cùng mọi người thấu hiểu cho một nghề đặc biệt của chúng tôi, hãy đừng vì quá bức xúc mà xem thầy thuốc là cội nguồn của nguyên nhân để rồi có thể có những đánh giá, phản ứng quá mức đối với thầy thuốc.
Còn nữa, chúng tôi không khỏi day dứt vì trong ngành đâu đó vẫn còn những hiện tượng thái độ chưa đẹp, chăm sóc chưa tốt, thờ ơ đến vô cảm với người bệnh… dẫn đến sự mất mát, đau đớn và tổn thất lớn mà không gì bù đắp được của gia đình người bệnh. Đặc biệt hiện tượng phong bao, phong bì vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi và diễn ra hàng ngày, làm ảnh hưởng không tốt cho toàn ngành y tế, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của đội ngũ thầy thuốc chân chính; phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc bị khinh rẻ, xem thường…. Tôi nghĩ đó chỉ là những hiện tưởng nhỏ lẻ, cá biệt, một vài “con sâu làm rầu nồi canh”.
Tôi đọc đâu đó ở diễn đàn sinh viên y khoa quốc tế một vài câu nói rằng: “Nếu bạn muốn trở nên giàu có thì đừng làm bác sĩ” hoặc “Đừng bao giờ nghĩ bạn có thể thay đổi thế giới nếu bạn là bác sĩ”… Vì thế tôi khuyên bạn, để làm giàu bạn nên chọn con đường kinh doanh hay ngành nghề nào khác. Vì lương tâm của nghề thầy thuốc không cho phép bạn làm giàu trên sự đau đớn của người bệnh. Họ có thể bán cả gia tài hay cầm cố tài sản cho ngân hàng để cứu mạng sống. Lẽ nào người thầy thuốc làm giàu từ họ? Đây chính là sự đấu tranh ghê gớm trong lương tâm người thầy thuốc, phải biết vượt qua cám dỗ, vượt qua chính mình như lời Phật dạy “Đánh thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu", tôi luôn vượt qua chính mình, vượt qua cám dỗ đời thường để hết lòng với nghề, làm tròn nhiệm vụ. Khi đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, tôi tự nhủ phải luôn giữ chiếc áo ấy thật trong sáng, sạch sẽ, tinh khiết, không để bị hoen ố bởi những bụi đời.
Hoàng Hữu Hóa
>> Các bài dự thi khác
Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi
Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ
Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"
Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính
Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình
Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn
Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên
Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm
Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.
01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.
10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.
Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.