[NGHỀ CỦA TÔI] Giáo viên dạy tiếng Anh cấp 1: Có đúng là "tiểu học ai chẳng dạy được"?
Tôi không nghĩ nghề của mình theo lối Người Thầy của xã hội, người lái đò, người không trồng hoa trên đất lại nở cho đời những đóa hoa thơm,... như bao lâu nay người ta vẫn hay nhắc đến.
Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức hết hạn nhận bài dự thi từ ngày 31/5/2015. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các bài viết được ban tổ chức lựa chọn đến hết tuần này (hết ngày 7/6/2015). Các lượt like bình chọn cũng sẽ được tính hết ngày 7/6.
Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Giáo viên dạy tiếng Anh cấp 1: Có đúng là "tiểu học ai chẳng dạy được"?" của tác giả Thi Ngọc. Mời quý độc giả đón đọc.
Tôi là một cô giáo, dạy môn Tiếng Anh, ở một trường tiểu học. Mọi người khi nghe đến đây đa số đều xuýt xoa: “Ôi thế còn gì bằng, việc nhẹ lương cao!” hoặc “Tiểu học thì ai chẳng dạy được, lại còn Tiếng Anh thì càng dễ, sướng nhé.” Riêng về phần mình, tôi không nghĩ nghề của mình theo lối Người Thầy của xã hội, người lái đò, người không trồng hoa trên đất lại nở cho đời những đóa hoa thơm,... như bao lâu nay người ta vẫn hay nhắc đến.
Đúng như mọi người nghĩ, kiến thức Tiếng Anh ở độ tuổi tiểu học thực sự chẳng mấy cao siêu, nhưng cái khó ở đây là làm thế nào mà lũ trẻ còn chưa biết viết tiếng mẹ đẻ, trong đầu chúng lúc nào cũng chỉ chơi, chơi và chơi lại có thể học một ngôn ngữ khác, và muốn học tiếp môn học đó?
Vậy nên hơn cả trình độ về ngôn ngữ, việc đưa cho bọn trẻ từng chút kiến thức và giúp chúng “nghiền nhỏ”, “tiêu hóa” để mỗi ngày chúng lớn lên một chút là điều quan trọng nhất.
Tiếng Anh không phải những giờ học trật tự, Tiếng Anh cần sự lộn xộn một cách có chủ ý, để sau mỗi tiết học “lộn xộn” ấy, bọn trẻ nghe được Tiếng Anh, nói được Tiếng Anh, đọc được Tiếng Anh và viết được Tiếng Anh.
Mỗi tiết học là một chuỗi các hoạt động, hát, trò chơi, nghe, đọc,... mà người dạy đã phải tính toán kỹ lưỡng vô cùng, tiết từ vựng này thì phải sử dụng những tranh ảnh nào, tiết tiếp theo lại cần những đồ vật nào, tiết ngữ pháp làm sao để đưa mẫu câu vào tình huống quen thuộc cho các con dễ hiểu đây, không thể sử dụng trò chơi này cho phần ôn tập, phần khởi động lại cần liên quan đến kiến thức bài sắp học, lớp đông học sinh thì cần giảm hoạt động liên quan đến thể chất và tăng hoạt động nhóm... Vậy chẳng phải mỗi ngày chúng tôi đều trở thành biên kịch sao.
Rồi sau đó là chuẩn bị đồ dùng dạy học, và trở thành diễn viên, người dẫn dắt để kịch bản của mình đi đúng hướng, buổi học của mình đạt được hiệu quả đã đề ra. Còn quản lý thì sao, nếu bạn quan sát một lớp tiểu học, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi học sinh sẽ làm theo răm rắp và chính xác những khẩu lệnh mà giáo viên đưa ra, cá nhân tôi thực sự khâm phục những người có thể làm tốt điều này, họ thậm chí còn giỏi hơn cả những nhà quản lý giỏi nhất.
Giờ để tôi sẽ kể cho bạn nghe về công việc hàng ngày của tôi. Là một giáo viên tiểu học, tức là bạn đang phải làm việc với các “khách hàng” nhỏ tuổi, còn là một giáo viên Tiếng Anh tiểu học nghĩa là bạn sẽ được tiếp xúc với “khách hàng” ở tất cả các khối lớp, từ lớp Một ngây thơ, nhiệt huyết, đến lớp Năm thông thái, chập chững khám phá cái tôi, và tất nhiên mỗi lứa tuổi đều có một đặc tính rất riêng.
Đầu tiên là lớp Một nhé, bạn sẽ phải vượt qua chuỗi ngày đầu năm học bận bịu khủng khiếp với những vấn đề của từng cá nhân như ngượng ngùng, sợ hãi, nói ngọng, đau đầu, sổ mũi, thậm chí là cả đi vệ sinh... Nhưng tin tôi đi, trải qua những ngày đó bạn sẽ thật sự cảm thấy tuyệt vời. Vì sao ư? Vì bạn làm sao không cảm thấy hài lòng khi trở thành người đã giải quyết hết mọi khúc mắc và nhìn thấy cô bé khóc toe toét ngày đầu giờ đang ngồi trong lớp, mạnh dạn giơ tay đầu tiên để trả lời câu hỏi của bạn. Vì bạn làm sao không thấy tự hào khi cậu nhóc con nghịch ngợm chạy quanh lớp trêu các bạn giờ lại ngồi trật tự làm bài tập, thỉnh thoảng còn quay sang giải thích cho bạn ngồi cạnh nghĩa của từ vựng mà hôm qua cả lớp đã học.
Tôi vẫn nhớ một buổi trưa, khi cả lớp 1H đang ngủ rất ngoan, một cậu học sinh bật dậy và giọng thất thanh: “Thưa cô con không thở được!”, tôi hơi hoang mang tiến lại xem tình hình ra sao, hóa ra anh thanh niên lớp Một bị ngạt mũi.
Học sinh lớp Một nghĩa là bạn sẽ phải làm mọi thứ một mình mà không thể yêu cầu chúng tự giác làm, bạn sẽ phải áp dụng khoa học, giữ yên lặng trong bảy phút để chúng chìm vào giấc ngủ rồi thật khẽ đi lau lớp. Nhưng mệt nhọc một chút sẽ hết ngay khi bạn xong việc, ngồi trên bàn giáo viên, nhìn xuống và thấy một đàn con của mình đang thở đều và nhắm nghiền mắt, rồi có lúc bạn còn bật cười vì những tiếng ngáy khe khẽ, rồi nhận thấy cả lớp sẽ theo nếp và trở mình cùng một lúc, rất đúng giờ.
Học sinh lớp Hai và Ba thì rất tuyệt, chúng bắt đầu quen với nếp học và sinh hoạt tại trường, chúng cũng dần có những cá tính riêng của mình.
Bạn có tưởng tượng được khi bạn đi từ đằng xa, hướng tới lớp và nghe tiếng chúng reo hò tên mình khi đến giờ Tiếng Anh không? Tôi nghĩ chỉ cần vậy là tôi đã thành công lắm rồi. Nhưng nhiều khi bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế, tôi đã từng bắt gặp nhiều ánh mắt các cô bé lớp Hai, long lanh khi nhìn thấy cô giáo bước vào lớp.
Khi bạn lớn lên, bạn có cái tôi và rất khó để tìm ra một người mà mình ngưỡng mộ, nhưng với chúng thì đơn giản lắm lắm. Nhưng nếu lỡ có được chúng yêu quý quá nhiều thì cũng đừng nên sung sướng mà quên mất rằng bạn sẽ là tấm gương, là hình mẫu lý tưởng mà chúng muốn trở thành, vì vậy mỗi hành động của bạn đều phải lý tưởng hóa.
Có một lần, có một cậu nhóc lớp Hai bị cộc đầu vào cánh cửa sổ, nước mắt đã ra đến sát hàng lông mi nhưng khi được cô giáo xoa đầu, chỉ sau hai câu hỏi han cậu nhóc lại vui vẻ chơi cùng các bạn, một lần khác tương tự với một cô bị kẹp tay. Nghĩa là khi bạn là cô giáo của lũ trẻ và chúng yêu quý bạn, bạn có thể giúp đỡ và là nguồn động viên rất lớn với chúng. Vậy hãy làm điều đúng.
Một hôm tôi trông giờ ăn trưa ở một lớp Hai, lớp mà tôi chỉ dạy chứ chưa trông bao giờ. Tôi đã bắt gặp ánh mắt rất tình cảm của một cô bé nhìn tôi khi thấy tôi xuất hiện trong lớp và đang khệ nệ bê xô canh vào để chan cho cả lớp. Ánh mắt giống như đang reo lên rằng “Ồ cô giáo của mình không chỉ dạy trên lớp mà cũng làm những việc như vậy.”
Bạn cũng sẽ thấy ngạc nhiên khi đứa học sinh còi cọc, ăn chậm, luôn xin bỏ lại một nửa suất cơm luôn bị cô dụ khị rằng chỉ cần ăn thêm ba thìa cơm nữa thôi, cô sẽ cho mang khay cơm ra bỏ mà không biết rằng ba thìa cũng đồng nghĩa với việc ăn thêm gần nửa suất cơm, một hôm ra khoe cô rằng hôm nay con ăn hết và ăn rất nhanh. Bạn thấy đấy, giống như một người nổi tiếng ở thế giới người lớn, bạn có thể ảnh hưởng rất tích cực đến những công dân nhí ở nơi này.
Còn những “lão làng” lớp Bốn, Năm thì sao? Bạn sẽ thấy hơi choáng khi bọn trẻ bắt đầu biết lý sự, biết tranh luận với cô như người lớn vậy. Nhưng tôi nghĩ thật tốt khi chúng làm vậy, những khi đó tôi biết là mình đang làm tốt công việc của mình, chúng đang phát triển tốt hơn mỗi ngày. Khi vào các lớp lớn, có thể bạn vẫn là thần tượng trong mắt chúng nhưng giờ chúng không kể lể như những ông bà cụ non như trước, mà chúng thực sự già dặn hơn. Bạn cũng cần linh hoạt hơn với chúng, tôi sẽ kể cho bạn nghe một số chiêu mình hay dùng. Lớp lớn nghĩa là chúng đã thuộc lòng các nội quy của trường và chúng biết đâu là giới hạn để không mắc lỗi, vì vậy nhiều khi bạn sẽ phải khéo léo để chúng làm theo ý mình.
Tôi luôn thích những giờ trông bán trú, vì đó là lúc tôi được gần gũi với học sinh của mình nhất, trong một buổi trưa tại lớp Bốn, khi thấy tiếng trống báo đến giờ ngủ trưa, chúng ùa vào lớp, nhưng không như mọi khi, chúng ngồi ngây ra và kì kèo muốn đọc truyện thêm dăm phút nữa. Là một giáo viên nghiêm túc thì bạn sẽ nói cho chúng nghe một bài về việc sinh hoạt đúng giờ, về nội quy cũng như dọa chúng rằng sao đỏ sẽ đi kiểm tra... nhưng là một người bình thường thì bạn sẽ thấy thông cảm khi xung quanh là sách truyện hấp dẫn mà lại phải “chia lìa” để đi ngủ, và ai chẳng có những hôm muốn thay đổi giờ giấc dù chỉ một chút xíu.
Vậy là tôi đã nghĩ ra một chiêu, tôi đố chúng kê bàn ghế để đi ngủ trong vòng 30 giây, nếu chúng làm được thì sẽ được đọc truyện trong vòng năm phút. Và bạn biết đấy, chúng hào hứng thực hiện ngay lập tức, hoàn thành trong chưa đầy một phút, và tất nhiên, chúng vẫn được tôi cho năm phút để đọc truyện, vì thường ngày việc kê bàn cũng làm tốn từng ấy thời gian cộng lại. Hơn nữa sau đấy tôi lại có một động lực để chúng yên tâm đi ngủ với mong ước lần sau cô lại cho đọc truyện tiếp nếu ngoan.
Vậy đấy, tôi không thể nói mình là một người yêu nghề hay không, nhưng tôi luôn tận hưởng từng giây phút bên cạnh những đứa trẻ này, nhìn chúng thay đổi từng ngày, tiến bộ từng ngày, truyền lại cho chúng những kinh nghiệm nho nhỏ và sống bên chúng hàng ngày.
Thi Ngọc
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.
01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.
10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.
Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.