Ngành tài chính dẫn đầu về tỉ lệ nghỉ việc

01/12/2012 10:28 AM | Nghề nghiệp

Tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện năm 2012 giảm xuống còn 12,2% từ mức 13,1% của năm 2011, trong đó ngành tài chính có tỉ lệ nghỉ việc cao nhất ở mức 16%.

Một khảo sát lương và chế độ đãi ngộ bao gồm xu hướng tiền lương, thưởng và các đãi ngộ của doanh nghiệp tham gia hoạt động trong nhiều ngành kinh tế khác nhau vừa cho thấy ngành tài chính dẫn đầu về tỉ lệ nghỉ việc.

Ngày 30.11, tại Hà Nội, Cty cung cấp dịch vụ hỗ trợ, quản lý nguồn nhân lực, tài chính và rủi ro Towers Watson Việt Nam tổ chức “Hội nghị thường niên về nhân tài - chế độ đãi ngộ năm 2012”.

Tại hội nghị, Towers Watson đã công bố kết quả khảo sát lương và chế độ đãi ngộ bao gồm xu hướng tiền lương, thưởng và các đãi ngộ của DN tham gia hoạt động trong nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Thu nhập chưa tương xứng

Theo kết quả khảo sát của Towers Watson, mức lương tăng theo kế hoạch từ 13,8% năm 2012 xuống còn 12,2% năm 2013, hiện xu hướng trả lương theo chế độ cố định sang chế độ thành tích, do vậy đã phát huy được chất xám của NLĐ cũng như tạo điều kiện để giữ chân những người có trình độ.

Nhìn chung, tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện năm 2012 giảm xuống còn 12,2% từ mức 13,1% của năm 2011, trong đó ngành tài chính có tỉ lệ nghỉ việc cao nhất ở mức 16%. 

Theo bà Vũ Thị Huyền Trang - trưởng nhóm nghiên cứu - thì qua khảo sát lương và các chế độ đãi ngộ của 250 Cty tham gia hoạt động tại các lĩnh vực kinh tế khác nhau, cho thấy các Cty ngoài việc chú trọng đến việc thu hút và giữ chân người có trình độ giỏi, cần phải điều chỉnh, xây dựng chương trình phát triển nghề nghiệp dành riêng cho nhân viên, với các chế độ đãi ngộ tổng thể trung và dài hạn. Đây là yếu tố then chốt để giữ chân nhân tài và đào tạo thế hệ lãnh đạo kế tiếp.

Qua khảo sát cho thấy tiền lương và các chế độ chưa tương xứng với công sức của NLĐ. Theo ông Dhritiman Chakrabarti – Giám đốc bộ phận lương và chế độ đãi ngộ của Cty Towers Watson khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - thì người sử dụng LĐ thường đặt tham vọng của họ vào mức độ thành tích cao hơn, nhưng lại bỏ qua việc tiếp nhiên liệu nhằm làm tăng sức mạnh hoạt động, đó là nguồn nhân lực.

Việc duy trì phương cách này là điều không thể chấp nhận được cho cá nhân NLĐ cũng như cho bản thân DN. Cần phải tìm ra được những lỗ hổng trong việc làm tăng năng suất và tiếp thêm nghị lực cho NLĐ, qua đó sẽ tạo điều kiện cho việc duy trì sự gắn kết giữa NLĐ và DN. 

Đồng thuận quyền lợi để giữ chân LĐ

Năm 2012, Towers Watson đã thực hiện khảo sát về chế độ đãi ngộ nhân tài và quản lý nhân tài tại 1.605 Cty trên toàn thế giới (trong đó có 750 Cty thuộc Châu Á - Thái Bình Dương và 37 Cty của VN). Qua khảo sát cho thấy, 39% số NLĐ Châu Á có sự gắn kết cao với công việc và 79% số người sử dụng LĐ cho biết họ đang phải đối mặt với việc giữ chân và thu hút nhân viên có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, trong đó có 73% đang gặp khó khăn về việc thu hút nhân viên có tiềm năng cao. 

Ngoài những thách thức trên, hiện  người sử dụng LĐ cũng đang gặp phải thách thức lớn là giữ chân nhân tài, vì nhu cầu nhân tài chủ chốt ngày càng cao, thêm vào đó là những thách thức về điều kiện kinh tế và sự gia tăng mức cạnh tranh nguồn nhân lực mang tính toàn cầu.

Một thực tế đang được đặt ra là sự xuất hiện của vấn đề không đồng thuận các quyền lợi giữa NLĐ và người sử dụng LĐ. Hiện nay, NLĐ quan tâm nhiều hơn vào các khoản thu nhập cơ bản có tính cạnh tranh, sự ổn định của công việc và địa điểm làm việc thuận lợi.

Mặt khác, đối với người sử dụng LĐ lại quan tâm vào sự thăng tiến nghề nghiệp, công việc mang tính thử thách, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị khác. Mấu chốt của vấn đề là ngưởi sử dụng LĐ cần có sự cân bằng để hỗ trợ, thu hút và giữ chân NLĐ.

Theo Towers Watson, trong số  250 Cty/300.000 DN FDI (gần 10%) được khảo sát về tiền lương trên cả nước không thể đại diện cho cả một thị trường lao động của VN. Nhưng cũng nói lên phần nào về tình hình thu nhập và đãi ngộ của họ, vì các DN FDI được khảo sát có bề dày phát triển và trên 22%  đã có mặt trên 100 năm, rất ít DN mới thành lập từ 10 năm trở lại. Họ luôn mong muốn làm sao nhân viên không phải lo nghĩ đến các vấn đề khác, để tập trung tốt nhất vào công việc. 

Việc khảo sát nhằm nghiên cứu và tìm hiểu xem các DN khác trả lương và đãi ngộ NLĐ như thế nào để điều chỉnh. Nhưng đa phần DN được khảo sát phần lớn đều khẳng định trả đủ để NLĐ không phải lo nghĩ đến các vấn đề giá cả tiêu dùng của thị trường. Mỗi Cty, mỗi địa phương có mức sống và sự phát triển khác nhau, việc khảo sát vẫn chỉ để các Cty tham khảo lẫn nhau.

“Cái cần nhất của DN là làm sao để nhân viên có thu nhập tốt nhất để họ yên tâm làm việc và không có ý định nghỉ việc chuyển Cty khác. Vì chi phí đào tạo cho nhân viên mới tuyển sẽ cao gấp 3-4 lần việc trả lương cho nhân viên cũ” - bà Trang nhấn mạnh.

Sự bất ổn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến mức tăng lương, nhưng lại kiềm chế được tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện. Qua khảo sát, mức tăng lương theo kế hoạch giảm từ 13,8% năm 2012 xuống còn 12,2% năm 2013; trong đó 2 ngành có mức tăng lương dự báo cao nhất là sản xuất 15,2% và bán lẻ 14%.

Tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện năm 2012 giảm từ mức 13,1% năm 2011 xuống 12,2%, trong đó ngành tài chính có tỉ lệ nghỉ việc cao nhất (16%) và cũng có mức tăng lương thực tế dự báo thấp nhất là 12,1% vào năm 2013.

Theo Lao động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM