Cách tính lương tối thiểu: Không tránh khỏi khác biệt về lợi ích

15/08/2014 15:48 PM | Nghề nghiệp

Hàng năm, Chính phủ đều điều chỉnh tăng lương tối thiểu dựa trên mục tiêu đến năm 2017 lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thế nhưng, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động cụ thể là bao nhiêu thì vẫn chưa thống nhất được cách tính toán. Các chuyên gia cho rằng, lộ trình tăng lương vẫn đang thiếu một cơ sở số liệu chính xác.

Xác định "đích đến" của lương tối thiểu

Bộ Luật Lao động đã quy định ba yếu tố để xác định mức lương tối thiểu gồm: Nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế xã hội và mức tiền công trên thị trường. Trong ba yếu tố đó, quan trọng nhất hiện nay là phải xác định được nhu cầu sống tối thiểu.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và đã đưa ra lộ trình thực hiện mục tiêu này từ nay đến năm 2017. Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng điều chỉnh mức tăng lương để thực hiện lộ trình này. Thế nhưng, số liệu về nhu cầu sống tối thiểu làm cơ sở cho việc tăng lương vẫn gây nhiều tranh cãi.

Theo các chuyên gia, nhu cầu sống tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, nuôi con… Tuy nhiên, việc lựa chọn cụ thể bao nhiêu mặt hàng, cơ cấu giữa lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm để tính toán là rất khó.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, thực tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cách tính nhu cầu sống tối thiểu vẫn chưa thống nhất. Hàng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đi khảo sát một số doanh nghiệp để đưa ra nhu cầu sống tối thiểu, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia thì lại tính toán dựa trên 45 mặt hàng và số liệu điều tra mức sống dân cư của Tổng Cục Thống kê. Kết quả của các bên đưa ra trong quá trình thương lượng mức tăng lương đang khác nhau.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, để khắc phục tình trạng này, cơ sở để tính toán nhu cầu sống tối thiểu sang năm 2015 sẽ phải thống nhất. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm đại diện cả ba bên và các nhà khoa học của các trường, các viện sẽ cùng nhau đưa ra căn cứ tính toán nhu cầu sống tối thiểu có tính khoa học nhất, phù hợp với thực tiễn nhất .

“Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng sẽ tiến hành đi khảo sát để xem khi đưa quyết định tiền lương vào thì nó ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, người lao động sẽ được gì trong việc quyết định tăng lương tối thiểu,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Đồng tính với lộ trình xác định lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Phillip Hazelton, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tiến hành thêm những nghiên cứu để đánh giá xem việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu có giúp cải thiện thu nhập của những người lao động hưởng lương thấp và có tác động gì đến năng lực cạnh tranh, đầu tư và việc làm hay không. Những nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng trong việc xác định một mức lương tối thiểu phù hợp.

Chưa có một tính toán hợp lý về nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. (Ảnh: TTXVN)

Khó tránh khỏi sự khác biệt về lợi ích

Mặc dù việc tính toán nhu cầu sống tối thiểu là hết sức cần thiết và Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ thống nhất cách tính trong năm 2015 nhưng vì bản chất của tiền lương vẫn là kết quả của sự thương lượng do đó các chuyên gia cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc con số được đưa ra sẽ dễ dàng dung hòa được ý kiến của các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, kinh nghiệm của các nước cho thấy, dù có thống nhất được các mặt hàng hóa để tính nhu cầu sống tối thiểu thì phương án đưa ra vẫn khác nhau. Khi tính toán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ nhấn mạnh vào một số mặt hàng nào đó và đại điện người sử dụng lao động lại ưu tiên vào một số mặt hàng khác tùy vào tiêu chí của từng bên. Chính vì sự khác nhau đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần phải tổ chức thương lượng để đi đến một mức lương tối thiểu gần với ý kiến các bên nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, ông Phillip Hazelton cho rằng các bên đóng vai trò quan trọng góp phần tạo ra quy trình xác định tiền lương tối thiểu, trong đó việc thương lượng giữa các bên phải dựa trên những dữ liệu đáng tin cậy. Ông Phillip Hazelton cũng đặc biệt lưu ý thêm, các bên đều đã đưa ra đề xuất của mình trên cơ sở phân tích số liệu thống kê với sự ưu tiên khác nhau cho từng chỉ số nhưng quan trọng là cần tập trung vào việc hòa giải những lợi ích khác nhau.

“Dĩ nhiên, quan điểm của hai bên sẽ khác nhau, vì vậy điều quan trọng là hai bên nên thương lượng một cách thiện chí để tìm kiếm giải pháp có thể dung hòa những lợi ích khác biệt,” ông Phillip Hazelton nói.

Theo ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp về tiền lương, Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nếu nhìn từ bên ngoài thì các phiên thương lương của Hội đồng Tiền lương Quốc gia có vẻ “ồn ào”. Tuy nhiên, đây thực ra lại là một tín hiệu đáng mừng vì công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã lên tiếng để bảo vệ quan điểm của mình.

“Mục tiêu cuối cùng là tìm ra một hướng đi chung dù quan điểm khác biệt. Khi có sự đồng thuận cao, việc thực hiện tiền lương tối thiểu sẽ dễ dàng hơn,” ông Malte Luebker nhấn mạnh./.

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM