Hàng vạn người lao động bị mất quyền lợi vì văn bản của BHXH Việt Nam

11/08/2014 07:57 AM |

Một câu hỏi được đặt ra là hai mức lương 1.050.000 đồng và 1.150.000 đồng là cái gì và ai đã đưa ra những quy định gây thiệt thòi quyền lợi cho hàng vạn lao động như thế?

Việc hưởng các chế độ BHXH dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Thế nhưng, từ hơn 1 năm qua, hàng vạn lao động đang bị thiệt thòi do văn bản số 4409/BHXH-CSXH 4409/BHXH-CSXH, ngày 6.11.2013 của BHXH Việt Nam “V/v hướng dẫn giải quyết hưởng một số chế độ BHXH kể từ ngày 1.7.2013”. Văn bản này không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi của người lao động, mà gây khó cho cả các DN, thậm chí cả cơ quan BHXH cấp dưới.

Người lao động chịu thiệt

Cuối tháng 6.2014, sau hơn 30 năm làm việc, chị N.T.V - nguyên trưởng phòng của TCty May Việt Tiến (TPHCM) - nghỉ hưu và được hưởng trợ cấp hưu trí hằng tháng là hơn 3,97 triệu đồng. Mức trợ cấp này được tính trên mức lương cơ sở là 1.050.000 đồng, thay vì 1.150.000 đồng. Như vậy, tính ra mỗi tháng chị N.T.V bị thiệt gần 400.000 đồng.

Trả sổ hưu vì đóng nhiều, hưởng ít

Tương tự chị N.T.V, chị P.T.K.Q - Phó GĐ một phân xưởng may của TCty Việt Tiến - cùng nghỉ hưu cuối tháng 6, cũng nhận trợ cấp hưu trí 3.465.000đ/tháng (dựa trên mức lương 1.050.000 đồng), thay vì 3.795.000đ/tháng (dựa trên mức lương 1.150.000 đồng). Và như vậy, mỗi tháng chị Q bị thiệt 330.000 đồng.

Không chỉ những người nghỉ hưu, nhiều LĐ khác được hưởng các chế độ BHXH khác như trợ cấp ốm đau, thai sản… của TCty May Việt Tiến cũng chỉ được tính mức hưởng dựa trên mức lương 1.050.000 đồng.

Theo ông Ngô Thành Phát - Chủ tịch CĐ TCty May Việt Tiến - trong năm qua, tại TCty này, có 3.271 lượt CNLĐ nghỉ hưởng các chế độ ốm đau, thai sản lẽ ra sẽ được hưởng tổng số tiền 4,618 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ được hưởng 4,216 tỉ đồng, thiệt hại trên 400 triệu đồng. Tất cả cũng chỉ vì các chế độ trên chỉ được tính trên mức lương 1.050.000 đồng, thay vì 1.150.000 đồng.

Rất nhiều LĐ ngành đường sắt bị ảnh hưởng quyền lợi do công văn 4409/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam. Ảnh: Nam Dương

Không chỉ DN đóng BHXH theo thang, bảng lương nhà nước, mà có cả DN đóng BHXH theo bảng lương tự xây dựng cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của CĐCS Cty CP TCty May Đồng Nai, dù DN này đóng BHXH cho NLĐ theo thang, bảng lương từ năm 2006, nhưng từ ngày 1.1.2014, những LĐ nghỉ hưu bình quân 5 năm cuối đóng BHXH cũng chỉ được tính trợ cấp hưu trí dựa trên mức lương 1.050.000 đồng nhân với hệ số, thay vì 1.150.000 đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam - chỉ riêng trong Tập đoàn Dệt May, có khoảng 60.000 LĐ bị ảnh hưởng, bởi việc chỉ được hưởng các chế độ BHXH dựa trên mức lương 1.050.000 đồng, thay vì 1.150.000 đồng.

Ông Nguyễn Thành Nhạc - Chủ tịch CĐ Xí nghiệp toa xe Sài Gòn (thuộc Cty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn) - kể, đầu tháng 7 vừa qua, chị T.T.T.H - Chủ tịch CĐ bộ phận Trạm lưu trú Hải Vân Bắc (trú đóng tại Hà Nội) - khi nhận sổ hưu đã ngay lập tức trả lại cho đơn vị, với lý do: Không chấp nhận mức lương hưu chỉ được tính trên tiền lương 1.050.000 đồng, trong khi phải trích nộp BHXH dựa trên mức lương 1.150.000 đồng. Nói nôm na, chị T.T.T.H không chấp nhận việc đóng nhiều, hưởng ít.

Cũng theo ông Nhạc, từ tháng 7.2013 đến hết tháng 6.2014, xí nghiệp có vài trăm LĐ bị ảnh hưởng quyền lợi về BHXH do văn bản quy định chỉ được tính trên mức lương 1.050.000 đồng.

Chi trả quyền lợi theo văn bản hết hiệu lực

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là hai mức lương 1.050.000 đồng và 1.150.000 đồng là cái gì và ai đã đưa ra những quy định gây thiệt thòi quyền lợi cho hàng vạn LĐ như thế?

Theo quy định tại NĐ 66/2013/NĐ-CP, từ 1.7.2013, tiền lương cơ sở (trước đây vẫn gọi là lương tối thiểu chung) là 1.150.000 đồng/tháng. Theo đó, các DN chi trả lương theo thang, bảng lương nhà nước sẽ dựa trên mức lương cơ sở này để đóng BHXH cho NLĐ.

Và thực tế, hầu hết các DN, nhất là các DN nhà nước cổ phần hóa đang thực hiện theo thang, bảng lương nhà nước vẫn đóng BHXH cho NLĐ dựa trên mức lương 1.150.000 đồng. Theo nguyên tắc tất yếu của BHXH là đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, thì lẽ ra NLĐ phải được hưởng các chế độ BHXH dựa trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, nhưng thực tế hàng vạn LĐ chỉ được chi trả chế độ dựa trên mức lương 1.050.000 đồng (là mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định 31/2012/NĐ-CP tính từ 1.5.2012 và đã được điều chỉnh thành 1.150.000 đồng theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP – PV) gây thiệt thòi quyền lợi như đã nói trên.

Vậy ai đã đưa ra quy định này? Câu trả lời là ngày 6.11.2013, Phó Tổng GĐ BHXH VN Đỗ Thị Xuân Phương đã ký công văn 4409/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết hưởng một số chế độ BHXH kể từ ngày 1.7.2013, trong đó, phần II của công văn ghi: “Từ 1.7.2013 trở đi, những trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở quy định tại NĐ 66/2013/NĐ-CP, thì khi tính hưởng các chế độ BHXH liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tạm thời thực hiện theo quy định trước đây (tính mức hưởng theo tiền lương tối thiểu chung 1.050.000 đồng/tháng) cho đến khi có hướng dẫn của Bộ LĐTBXH và các cơ quan có thẩm quyền. BHXH VN sẽ hướng dẫn để BHXH tỉnh, thành phố thực hiện”.

Với văn bản này, các cơ quan BHXH đã chi trả quyền lợi cho NLĐ không tương ứng mức thu. Chính kiểu thu nhiều, chi ít này đã gây bức xúc cho rất nhiều DN, NLĐ. Nhiều văn bản kiến nghị đã được gửi đi, nhưng đến nay mọi việc vẫn “trơ thổ địa”.

>> Bảo hiểm xã hội phải được quản lý thống nhất, minh bạch và thuận tiện

Theo Nam Dương - Đăng Hải

thunm

Cùng chuyên mục
XEM