Các đại gia công nghệ nỗ lực lấy lại thanh danh sau vụ rò rỉ thông tin
Các công ty công nghệ Mỹ đang nỗ lực đấu tranh giành lại sự tin cậy của khách hàng đang có nguy cơ tiêu tan sau khi chương trình theo dõi internet bị tiết lộ
Sau khi nước Mỹ rúng động vì thông tin giật gân rằng ít nhất 9 công ty công nghệ, dù muốn hay không, đã tham gia vào chương trình PRISM do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vận hành để thu thập dữ liệu trên internet, cộng đồng Thung lũng Silicon đang nỗ lực lấy lại sự tin cậy của người sử dụng. Google, Apple, Facebook, Microsoft, Yahoo!… là những thương hiệu luôn mong muốn được thế giới tin cậy và gửi gắm thông tin cá nhân, email, hình ảnh, tài liệu. Lúc này, họ đang đối mặt với một cuộc đấu tranh cam go để duy trì sự tin cậy đó.
Viện dẫn tính minh bạch
Các tài liệu bị rò rỉ cho các báo The Washington Post và The Guardian thông qua Edward Snowden, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trước khi đảm nhiệm vai trò trợ lý kỹ thuật tại NSA 4 năm qua, đã xác định danh tính ít nhất 9 công ty công nghệ tham gia vào chương trình PRISM. Đó là Microsoft (năm 2007), Yahoo! (2008), Google (2009), Facebook (2009), PalTalk (2009), YouTube (2010), AOL (2011), Skype (2011) và Apple (2012). Tuy nhiên, theo CNET, 98% thông tin của PRISM dựa trên Yahoo!, Google và Microsoft. Các công ty liên quan đã quyết liệt phủ nhận việc tạo điều kiện cho chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng internet. Tuy nhiên, nguy cơ danh tiếng thương hiệu của họ bị tổn hại đã khiến cho các công ty này cố gắng tìm cách đối phó.
Viktor Mayer-Schonberger, giáo sư bộ môn quản trị và điều hành internet tại Viện Internet Oxford, tin rằng có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thanh danh của tất cả mọi công ty internet vốn xây dựng hoạt động kinh doanh dựa vào niềm tin. Ông Mayer-Schonberger xác nhận: “Người sử dụng đã tin cậy trao cho các công ty này dữ liệu cá nhân của mình. Nếu anh làm đổ vỡ sự tin cậy đó, thật khó mà tái lập được”. Ông Greg Nojeim, nhà tư vấn cao cấp tại Trung tâm Dân chủ và Công nghệ ở New York, nói rằng đối với Google - công ty có khẩu hiệu “Đừng là quỷ dữ” và đã cổ vũ tính công khai trên mạng - tính minh bạch sẽ giúp đỡ họ.
Trong tuyên bố sau khi chương trình PRISM bị tiết lộ, Giám đốc điều hành Google, ông Larry Page, cho biết đó là chiến thuật mà công ty ông sẽ áp dụng để bảo vệ danh tiếng của mình. Trong lá thư đăng tải trên website của Google đề gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và Giám đốc FBI, luật sư trưởng của công ty đã yêu cầu chính phủ Mỹ cho phép công bố một số yêu cầu tối mật từ các cơ quan tình báo của Mỹ theo Luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA). Lá thư của Google viết: “Chúng tôi yêu cầu được giúp đỡ để Google có thể công bố những con số về lời đề nghị của NSA trong bản báo cáo sự minh bạch của chúng tôi. Những con số của Google sẽ cho thấy một cách rõ ràng rằng Google không giấu giếm gì cả”.
Trong khi đó, theo hãng tin Itar-Tass, Yahoo! cũng thông báo trong thời gian sắp tới, công ty sẽ đưa ra bản báo cáo về tính minh bạch của mình, trong đó công bố tất cả mọi dữ liệu về các yêu cầu từ các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ.
Cam kết bảo mật
Ngoài ra, theo trang tin The Atlantic Wire, Google còn e ngại rằng qua vụ này, công ty bị các phương tiện thông tin đại chúng xuyên tạc. Google khẳng định công ty này chỉ hợp tác với NSA trong khuôn khổ luật pháp, đồng thời muốn cho thế giới biết họ hợp tác với chính phủ Mỹ ở mức nào.
Facebook và Microsoft cũng đã nhanh chóng theo chân Google đưa ra đề nghị làm minh bạch vấn đề. Ông Ted Ullyot, luật sư của Facebook, cho biết Facebook đã nhận được khoảng 9.000-10.000 đề nghị về nhiều vấn đề khác nhau từ các cơ quan chính phủ từ địa phương đến liên bang trong 6 tháng cuối năm 2012. Các lời đề nghị này liên quan đến tài khoản của khoảng 18.000-19.000 người sử dụng Facebook, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số 1,1 tỉ người sử dụng.
Tại đại hội cổ đông của Facebook, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg quả quyết: “Chúng tôi không làm việc trực tiếp với NSA hay bất cứ chương trình nào khác để cung cấp bất kỳ thông tin nào của người sử dụng cho ai. Không một người nào đã từng tiếp xúc với chúng tôi để đặt vấn đề giống như những gì đã được đưa tin… Chẳng cơ quan nào được truy nhập trực tiếp vào các máy chủ của chúng tôi. Cũng chẳng ai thuộc các cơ quan này có thể kết nối trực tiếp với các máy chủ của chúng tôi và lấy thông tin. Chúng tôi tăng cường bảo mật mọi thông tin của người sử dụng”.
Theo hãng tin Reuters, Microsoft đã ra tuyên bố, nêu rõ: “Việc công khai số liệu và quy mô các yêu cầu cung cấp dữ liệu của NSA sẽ giúp cộng đồng thế giới hiểu ra vấn đề. Chúng tôi công bố báo cáo ngay khi có thể và chính phủ Mỹ cần phải tạo điều kiện cho các công ty công khai tính trong sáng của mình”. Ông John Frank, Phó Chủ tịch Microsoft, cho biết: Trong vòng 6 tháng cuối năm 2012, Microsoft đã nhận được khoảng 6.000-7.000 yêu cầu từ các cơ quan an ninh và hình sự liên quan đến 31.000-32.000 tài khoản khách hàng. Theo ông, con số trên chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ cơ sở dữ liệu khách hàng toàn cầu của Microsoft.
Chính phủ Mỹ muốn có siêu dữ liệu Dư luận đã biết NSA đang tìm kiếm và lưu trữ thông tin về người sử dụng internet. Thế nhưng, mức độ các yêu cầu của họ và quá trình xử lý liên quan đến việc khai thác dữ liệu từ các công ty internet hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Theo trang web CNET, một cựu giới chức chính phủ Mỹ cho biết quá trình đó diễn ra như sau: Chính phủ ban hành lệnh thu thập thông tin chi tiết trên internet về một người nào đó được xác định không phải là người Mỹ bị phát hiện dính líu đến một hoạt động liên quan đến khủng bố quốc tế. Người ta có thể yêu cầu cả nội dung các cuộc tiếp xúc và dữ liệu chi tiết (còn gọi là siêu dữ liệu), chẳng hạn như thông tin ai tiếp xúc với ai... Theo hãng tin AP, trong cuộc phỏng vấn ngày 17-6, Tổng thống Barack Obama bảo vệ các chương trình do thám của NSA và đánh giá chúng là minh bạch, mặc dù chúng được cho phép hành động một cách bí mật. |
Theo Ngô Sinh
Theo Người Lao Động
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!