Ngành thép toàn cầu chìm trong bệnh dịch mang tên "Trung Quốc"
Trong khoảng thời gian 10 năm đến năm 2014, lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc đã tăng 100% và đạt 740 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất thép của nước này cũng tăng mạnh và chiếm gần 50% toàn cầu với 1,67 tỷ tấn mỗi năm.
Nhà máy sản xuất thép cán nóng tại thị trấn Port Talbot-Anh là một niềm tự hào của người dân nơi đây khi sản phẩm của họ hàng ngày được dùng cho nhiều ngành kinh tế, từ sản xuất xe hơi, máy rửa bát cho đến sản xuất đồng xu hay khung đực bát đĩa.
Các công nhân và quản đốc tại đây nói với những người thăm quan nhà xưởng rằng họ liên tục phá vỡ kỷ lục sản lượng và đang tăng năng suất, nhưng hầu như ai cũng có thể thấy một nỗi lo lắng không tên trong mắt tất cả nhân viên nhà máy thép ở Port Talbot.
Nguyên nhân rất đơn giản, mọi lao động ở nhà máy đều biết rằng cho dù phá vỡ bao nhiêu kỷ lục về sản lượng thì nguy cơ đóng cửa nhà máy vẫn hiện hữu.
Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, tập đoàn thép Tata Steel, chủ của nhà máy thép ở Port Talbot quyết định bán nhà máy này.
Nếu nhà máy này không được người nào mua cho đến hết tháng 6/2016, họ sẽ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, kèm với đó là khoảng 35.000 nhân viên sẽ bị thất nghiệp. Tồi tệ hơn, việc nhà máy này đóng cửa không phải là một hiện tượng cá biệt mà đang là tình trạng chung trong ngành thép Anh, một ngành kinh tế trụ cột của nước này từ thế kỷ 19.
“Toàn bộ ngành công nghiệp Anh sẽ trong tình trạng nguy hiểm nếu nhà máy sản xuất thép ở Port Talbot bị đóng cửa. Mọi nhiên viên ở đây đang bị dồn vào bước đường cùng, nhưng chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu”, anh Barrie Evans, một công nhân nhà máy thép cho biết.
Mặc dù chi phí sản xuất và giá dầu tăng đã khiến Anh trở thành một đại điểm đắt đỏ cho sản xuất thép cuốn nóng, nhưng chính việc giá thép trên toàn cầu đi xuống mới và sự cạnh tranh gay gắt từ thép Trung Quốc giá rẻ là nguyên nhân chính khiến Tata Steel phải bán nhà máy ở Port Talbot.
Không riêng gì Tata Steel hay nhà máy thép ở Anh, tất cả các công ty thép từ Australia đến Mỹ, Brazil hay Nhật Bản đều đang phải lao đao khi giá thép đã giảm gần 30% trong 1 năm qua.
Những tập đoàn thép quốc tế nổi tiếng như ArcelorMittal, US Steel và Nippon Steel & Sumitomo Metal đều bị suy giảm doanh thu cũng như bị mất giá cổ phiếu. Một số công ty thép thậm chí đã phải xa thải hàng nghìn công nhân viên nhằm đối phó với tình trạng khủng hoảng dư cung thép hiện nay.
Tất nhiên, tội đồ duy nhất khiến ngành thép dư cung thiếu cầu và đẩy giá xuống thấp chỉ có một, đó là Trung Quốc.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành thép thế giới đã có chút phục hồi, nhưng đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp này lao đao một lần nữa. Bởi thị phần ngành thép Trung Quốc quá lớn nên khi thị trường này có vấn đề, toàn bộ ngành thép trên toàn cầu phải chịu ảnh hưởng theo.
Cơn sốc Trung Quốc
Vào đầu thập niên 2000, nhu cầu thép ở các nước phát triển đã bắt đầu tăng chậm lại và chính sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc, kèm theo đó là sự phát triển của ngành bất động sản cũng như xây dựng đã khiến nước này trở thành nguồn cầu chính cho ngành thép.
Khi khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra, chính quyền Bắc Kinh quyết định đầu tư mạnh bất động sản và cơ sở hạ tầng nhằm đưa kinh tế nhanh chóng vượt qua suy thoái. Hàng loạt những “thành phố ma” được xây dựng mà không có người ở, vô vàn những dự án nhà cao tầng với nhu cầu sử dụng thép được thi công.
Trong khoảng thời gian 10 năm đến năm 2014, lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc đã tăng 100% và đạt 740 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất thép của nước này cũng tăng mạnh và chiếm gần 50% toàn cầu với 1,67 tỷ tấn mỗi năm.
Tỷ lệ % trong tổng sản lượng thép toàn cầu của Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật Bản
Tuy nhiên, Trung Quốc nhận ra được đường lối tăng trưởng nóng này có nhiều hậu quả tiền tàng và họ quyết định cải cách với mục tiêu tăng trưởng chậm hơn nhưng chắc hơn.
Hệ lụy là nhu cầu cũng như sản lượng thép tại Trung Quốc suy giảm. Tổng sản lượng thép của Trung Quốc năm 2015 chỉ đạt 875 triệu tấn.
Hơn 50% công ty thép tại Trung Quốc kinh doanh thua lỗ trong năm 2015, nhưng thay vì phá sản hay đóng cửa thì những doanh nghiệp này lại xuất khẩu thép thừa của họ ra nước ngoài. Phần lớn những tập đoàn thép lớn tại Trung Quốc là công ty quốc doanh và với sự hậu thuẫn của ngân hàng cũng như chính quyền Bắc Kinh, các công ty này quyết định chuyển khủng hoảng thừa thép trong nước ra các quốc gia khác.
Tính riêng trong năm 2015, tổng sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đạt 112 triệu tấn, tăng 20% và lớn hơn cả tổng sản lượng sản xuất thép toàn Nhật bản, nước có sản lượng cao thứ 2 thế giới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc (lũy kế 12 tháng- tỷ USD)
Chính động thái này của chính quyền Bắc Kinh đã khiến giá thép giảm mạnh và làm dấy lên cáo buộc bán phá giá từ các doanh nghiệp nước ngoài. Họ cho rằng Trung Quốc đã bao cấp cho sự thua lỗ của các công ty thép lớn, vốn là doanh nghiệp quốc doanh để chúng tồn tại và tác động xấu đến ngành thép nước khác.
Hiện nay tại Châu Âu, nhu cầu thép giảm 25% so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng 2008 và đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà máy thép đóng cửa nhưng thị trường vẫn thừa cung.
Theo nhiều chuyên gia, khi các nhà máy thép hoạt động dưới công suất, việc kinh doanh ngành thép tại Châu Âu sẽ mất khả năng kiểm soát giá thép cũng như khiến chi phí hoạt động cho mỗi đơn vị tăng lên.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lại cho rằng trước khi phàn nàn về thép Trung Quốc, những nhà sản xuất thep tại Châu Âu nên tái cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí và phân phối công việc hiệu quả nhất.
Chuyển hướng phân khúc thị trường
Dẫu vậy, tái cơ cấu và giảm chi phí đồng nghĩa với việc phải đóng cửa một số nhà máy và đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Các công ty sẽ phải chi một khoản tiền lớn để thanh toán cho công nhân viên, làm sách môi trường quanh nhà máy theo luật môi trường cùng như chi phí thủ tục khác.
Thêm vào đó, việc đóng cửa những nhà máy công nghiệp mang tính biểu tượng lâu đời tại Châu Âu sẽ kích thích một làn sóng chỉ trích trên toàn đất nước và các chính trị gia không muốn điều này.
Trước tình hình đó, nhiều công ty sản xuất đã chuyến hướng thị trường sang ngành thép chất lượng cao hoặc sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất thép.
Tập đoàn thép Voestalpine là một ví dụ điển hình. Kể từ khi thoát nguy cơ vỡ nợ vào thập niên 80, công ty thép này đã thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, qua đó tập trung vào thị trường thép cao cấp hơn là thép cuốn nóng bình thường.
Trong khi những đối thủ của Voestalpine tận dụng sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu để tăng trưởng và sáp nhập thì công ty lại chuyển hướng đầu tư và dây truyền công nghệ, nhà máy và thậm chí là trình độ của các kỹ sư.
Đến thời điểm hiện tại, công ty này hầu như đã rút lui khỏi ngành thép cuốn nóng thông thường và chịu ảnh hưởng hạn chế bởi giá thép trên thị trường. Ví dụ điển hình là trong mảng cung cấp đường sắt, công ty hiện không tập trung quá nhiều vào những công trình đường sắt thường mà chủ yếu bán sản phẩm cho các dự án đường sắt cao tốc, vốn cần loại thép riêng biệt.
Hiện 2/3 trong số tổng doanh thu 11 tỷ Euro của Voestalpine trong khoảng 2014-2015 đến từ các sản phẩm thép cấp cao, cung cấp cho các dự án công nghệ kỹ thuật cao.
Đây là yếu tố chính bảo vệ Voestalpine khỏi áp lực giá từ cơn sóng thép giá rẻ của Trung Quốc.
Hiện cơ cấu chi phí sản xuất của ngành thép Châu Âu không cho phép khu vực này sản xuất được thép cuốn nóng giá rẻ cạnh tranh với Trung Quốc, trong khi 80% tổng sản lượng thép hiện được sản xuất và giao dịch dưới dạng này.
Nhận ra khả năng cạnh tranh gay gắt và sự bất lợi trước thép giá rẻ Trung Quốc, một số công ty thép lớn như ArcelorMittal, AK Steel đã tăng tỷ lệ sản xuất thép cao cấp và tiếp cận nhiều hơn với thị trường phân khúc cấp cao.
Mặc dù vậy, hiện nhu cầu cho mảng thép cao cấp hiện vẫn còn hạn chế và nếu ngày càng nhiều công ty chuyển hướng sang phân khúc này, áp lực cạnh tranh về giá sẽ lại tái diễn.
Hơn nữa, một số chi phí cố định có thể sẽ phải tăng khi sản xuất thép cấp cao và điều này có thể đem lại rủi ro cho các nhà máy thép.
Theo một số chuyên gia, khoảng 2/3 nhu cầu thép trên thế giới là thép nguyên liệu giá rẻ và một nhà máy thép không thể chỉ sản xuất thép chất lượng cao.
Ngoài phân khúc thép chất lượng cao, một số công ty còn chuyển hướng cải tiến công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, như hàng Nucor của Mỹ.
Công nghệ sản xuất thép linh dộng với lò điện quang:
Nucor là một công ty sản xuất thép lớn nhất của Mỹ tính theo sản lượng và có kết quả kinh doanh khá ảm đạm năm 2015. Dẫu vậy, dù doanh thu của hãng giảm gần 40% như lợi nhuận vẫn đạt 496 triệu USD. Con số này ấn tượng hơn nhiều so với hãng thép đứng thứ 2 là US Steel với khoản lỗ 1,5 tỷ USD.
Việc Nucor sử dụng những lò hồ quang điện trong sản xuất thép khiến hãng có thể bật tắt lò nung tùy vào nhu cầu, trong khi những nhà máy thép theo dây truyền cũ phải luôn giữ nhiệt cho lò nung. Ngoài ra, lò điện quang nung chảy thép phế liệu thay vì thải ra quặng sắt, giúp tiết kiệm chi phí xử lý chất thải công nghiệp cũng như bảo vệ môi trường.
Các lao động trong nhà máy thép công nghệ lò điện quang của Nucor được trả lương tùy theo số lượng thép mà họ làm ra mà không chia bình quân theo chức vụ. Việc trả lương như vậy khiến công ty tránh được việc sa thải bớt nhân viên khi giảm sản lượng.
Rõ ràng, Nucor có một mô hình kinh doanh hiệu quả hơn so với nhiều nhà máy thép khác khi có chi phí sản xuất thấp, năng lực sản xuất linh hoạt và hiệu quả, đủ để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường. Không những thế, hệ thống trả lương còn khuyến khích được nhân viên lao động hết công suất có thể.
Dẫu vậy, cách hoạt động này của Nucor không hề dễ dàng để nhân rộng khi lò nung bằng điện quang tốn rất nhiều điện. Hãng Nucor tiết kiệm được chi phí phần lớn dựa vào giá điện rẻ tại Mỹ, vốn là điều không thể tại một số nước Châu Âu.
Giảm sản lượng và tăng thuế
Quay trở lại với ngành thép Anh, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn của các nhà máy thép cuốn nóng là dấu hiệu chấm dứt cho chuỗi sản xuất ngành thép của quốc gia này. Giờ đây, nhiều công ty tại Anh như Liberty House đã quyết định mở cửa trở lại những nhà máy thép sử dụng thép nguyên liệu giá rẻ nhập khẩu để sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều công ty thép khác lại cho rằng hành động này khiến các nhà máy gặp khó trong việc sản xuất thép chất lượng cao do nguồn cung không được đảm bảo.
Một lý do nữa khiến ngành thép chưa hứng thú với thép cấp cao là chi phí nghiên cứu và cải tiến sản xuất hầu như không được các nhà máy thu về mà chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tất cả những chi phí tiết kiệm được từ cải tiến công nghệ hầu hết được các nhà máy giảm giá thành và bán cho người mua. Nguyên nhân rất đơn giản, những người mua chủ yếu trong ngành thép cấp cao là các nhà sản xuất ô tô và họ thực sự có vị thế quá lớn, đủ để ép các nhà máy thép giảm giá hết mức có thể.
Hiện nhiều chuyên gia cho rằng cơn lốc thép giá rẻ phụ thuộc rất nhiều vào việc Trung Quốc có giảm sản lượng hay không. Trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất, quốc gia này dự định sẽ cắt giảm 100-150 triệu tấn thép sản lượng và sa thải khoảng 500.000 công nhân. Dẫu vậy, các chuyên gia lo ngại mức độ trên là chưa đủ để bình ổn thị trường thép.
Giá thép đã quay đầu đi lên trong vài phiên qua.
Thời gian gần đây, các nhà máy thép Trung Quốc vẫn đẩy mạnh sản lượng do giá thép tạm thời quay đầu đi lên. Nguyên nhân chính được cho là do giá bất động sản tại đây bắt đầu ấm lên và các nhà đầu cơ mua vào trên thị trường hàng hóa kỳ hạn.
Trong khi chính quyền Bắc Kinh kiên quyết không loại bỏ ưu đãi thuế với thép xuất khẩu thì một số thị trường đã có động thái nhằm bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước. Mỹ đã đánh 500% thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Phía Châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi cũng có động thái tương tự.