Ngành ô tô Nhật “rùng mình” khi tình thân Mỹ - Nhật nguội lạnh
Các hãng xe ô tô Nhật vẫn luôn bị Tổng thống Trump chỉ trích suốt từ cuối thập niên 1980. Năm 1989, ông khẳng định rằng Nhật “hút máu” của nước Mỹ.
Khi mà Nissan Motor thu hẹp sản xuất tại Bắc Mỹ khoảng 20%, thông thường người ta hay nghĩ hãng xe ô tô này đã dự báo sai về nhu cầu thị trường và chính vì vậy đang điều chỉnh. Tuy nhiên có hai từ quan trọng đáng được chú ý: Donald Trump.
Chính sách đánh thuế mới với mức thuế lên đến 25% đối với ô tô nhập khẩu đang khiến các nhà quản lý công ty ô tô tại Nhật cho đến Đức cân nhắc lại chiến lược với thị trường Mỹ. Chắc chắn, động thái của Nissan đặt mục tiêu giảm hàng tồn kho và chuẩn bị nhiều mẫu mới để thu hút người tiêu dùng. Thế nhưng nếu nhìn vào năm 2019, rủi ro chiến tranh thương mại đang lớn dần.
Hãng xe lớn thứ 2 của Nhật vốn đã giảm bớt tốc độ sản xuất ở Mỹ, nơi sản lượng địa phương đóng góp khoảng 60% tổng doanh số bán hàng tại thị trường này, lượng xe còn lại nhập khẩu vào Mỹ đến từ Nhật và Mexico.
Rõ ràng, các biện pháp thuế mà Tổng thống Trump đưa ra sẽ khiến Nissan và các đối tác trong liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi Motors phải tính toán lại chiến lược cho thị trường Bắc Mỹ.
Nhà sản xuất ô tô hàng đầu, Toyota Motor cũng đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự. 10 nhà máy của Toyota tuyển dụng ít nhất 36 nghìn người lao động, không tính đến các đại lý bán xe.
Tuy nhiên, với khoảng 3 triệu xe ô tô bán ra tại Bắc Mỹ mỗi năm, Toyota nhập khẩu đến 30%. Mẫu xe đa dụng thể thao bán chạy nhất tại Mỹ là RAV4 và nhiều mẫu xe xa xỉ có biên lợi nhuận cao chủ yếu được nhập từ Nhật.
Mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn khi mà Tổng thống Trump đang đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ với Mexico và Canada, điều này sẽ khiến chi phí của cả ô tô Nhật cũng như phụ tùng ô tô nhập khẩu sản xuất tại Bắc Mỹ (ngoài Mỹ) tăng cao.
Chắc chắn, Tổng thống Trump nhắm chủ yếu đến Trung Quốc. Tuy nhiên các hãng xe ô tô Nhật vẫn luôn bị Tổng thống Trump chỉ trích suốt từ cuối thập niên 1980. Năm 1989, ông khẳng định rằng Nhật “hút máu” của nước Mỹ. Gần đây, trong chiến dịch vận động tranh cử, quan điểm của Tổng thống Trump đối với vấn đề nhập khẩu ô tô đã nhận được nhiều sự tán dương.
Tổng thống Mỹ rõ ràng không băn khoăn nếu ngành ô tô bị đẩy ra trong cuộc xung đột lớn với Trung Quốc. Chính những người trước đây từng bỏ phiếu cho Tổng thống Trump sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ ông.
Nhiều công ty sản xuất toàn cầu bao gồm các hãng xe Đức, Hàn Quốc và cả Nhật không khỏi băn khoăn cuối cùng "phát đạn" sắp tới sẽ đến từ đâu.
Tổng thống Trump trong khi đó đang tìm cách lách những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc ông sử dụng cớ "an ninh quốc gia" để áp mức thuế đối với ngành ô tô thực ra chính là cách nước Mỹ áp dụng luật năm 1962 vốn không nhiều người biết đến, luật nhắm mục tiêu bảo vệ sản xuất nội địa.
Thế nhưng khi mà hành xử theo cách thất thường và rối rắm, Tổng thống Trump đang phá vỡ đi mối tình thân với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Một nhà kinh doanh thực sự có lương tri sẽ cần phải cám ơn doanh nghiệp Nhật vì đang tuyển dụng hơn 1,5 triệu người Mỹ. Ông sẽ bảo vệ Toyota, Nissan và Honda khỏi các biện pháp thuế quan. Thay vào đó, các doanh nghiệp lớn của Nhật cũng như chuỗi cung ứng của họ lại mắc kẹt trong cuộc chiến chống lại chính họ và cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Thủ tướng Abe cần phải đẩy cao những nỗ lực vận động hành lang với Tổng thống Trump. Dù thặng dư thương mại mà Nhật có với Mỹ chỉ bằng một phần so với Trung Quốc, nó có thể là cái mà Tổng thống Trump sẽ lôi ra để cố gắng lấy lòng những người ủng hộ ông. Ngành ô tô vì vậy sẽ vẫn khó khăn.